Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

100 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2016 nhận cúp Thánh Gióng

(DS&PL) -

Thủ tướng khuyến khích mỗi doanh nghiệp, doanh nhân phát huy bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tiếp tục khởi nghiệp và phát triển bền vững, làm giàu cho chính mình, ...

Thủ tướng khuyến khích mỗi doanh nghiệp, doanh nhân phát huy bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tiếp tục khởi nghiệp và phát triển bền vững, làm giàu cho chính mình, vì sự lớn mạnh của cộng đồng DN, vì sự thịnh vượng của đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.

Tối 11/10/2016, tại Hà Nội, Hội đồng Thi đua – Khen thưởng T.Ư và Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập – Phát triển” và trao tặng Cúp Thánh Gióng cho 100 Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2016.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đang quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, không thể tiếp tục tư duy cách làm cũ.

Chủ trì buổi lễ là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư dự và phát động phong trào thi đua. Cùng dự, có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước; cùng nhiều đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư và TP Hà Nội và các doanh nhân tiêu biểu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp.

Phát biểu ý kiến phát động phong trào thi đua, thay mặt Chính phủ và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Hiện nay, Việt Nam có gần 600 nghìn DN đang hoạt động, riêng 9 tháng qua, có hơn 91 nghìn DN mới thành lập. Đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển DN của Chính phủ đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo được niềm tin trong kinh doanh, để phấn đấu đến năm 2020 cả nước có hơn một triệu DN, với chất lượng hoạt động được cải thiện mạnh mẽ.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, không thể tiếp tục tư duy cách làm cũ, chỉ phát triển dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên, hay lao động giá rẻ. Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước thực hiện “Ba đồng hành, Năm hỗ trợ” đối với DN.

Trong đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng hành trong hoàn thiện thể chế, pháp luật trong các lĩnh vực; bảo đảm công khai, minh bạch, giảm chi phí cho người dân, DN; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN.

Thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của DN, nhất là trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, phát triển kinh tế vùng và địa phương. Bên cạnh đó, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh bình đẳng, tiếp cận nguồn lực và cơ hội, xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với DN; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho DN.

Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ban, ngành, địa phương và hội đồng thi đua - khen thưởng các cấp tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tôn vinh, nhân rộng các DN, doanh nhân tiêu biểu, có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, có đóng góp lớn cho xã hội.

Mỗi DN, doanh nhân phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, chung sức, đồng lòng, đoàn kết, thể hiện bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tập hợp sức mạnh thời đại của cộng đồng DN Việt Nam, nỗ lực vượt qua các khó khăn thách thức, tiếp tục khởi nghiệp và phát triển bền vững, làm giàu cho chính mình, vì sự lớn mạnh của cộng đồng DN, vì sự thịnh vượng của đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng hoa cho các doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2016.

Tại buổi lễ, các đơn vị được trao giải doanh nhân tiêu biểu, Tổng Giám đốc Nguyễn Quốc Trường, Cty CP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), ông Nghiêm Xuân Thành, đã lần lượt bày tỏ nguyện vọng: mong muốn tiếng nói của doanh nghiệp được Chính phủ lắng nghe thường xuyên, đồng hành xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nhân; hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động, trong đó chú trọng mở rộng thị trường, đẩy mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ thông tin, nâng cao năng suất lao động; hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh, bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Thay mặt lãnh đạo các tỉnh, thành phố hưởng ứng phong trào thi đua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định sẽ cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng an toàn, thân thiện, hiệu quả, cải cách bộ máy hành chính theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, giải quyết kịp thời khó khăn của doanh nghiệp.

Các doanh nhân tiêu biểu chụp ảnh lưu niệm.

Trước đó, sáng cùng ngày, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trường Đào tạo Cán bộ Quản lý Doanh nghiệp (CBAM) đã tổ chức Diễn đàn doanh nhân Việt Nam 2016 với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam vươn tới chuẩn mực toàn cầu”, nhận được nhiều ý kiến chia sẻ từ các doanh nghiệp.

Chương trình có sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Nước AquaOne, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông ( VASS), Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Home Credit, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Công ty TNHH Nước giải khát Coca -cola Việt Nam, Quỹ đầu tư Việt Nam - Oman ( VOI) , Công ty Cổ phần Việt Hương, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life Việt Nam...

Bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sông Đuống cho rằng, để hội nhập tốt doanh nghiệp phải có đầy đủ thông tin, kiến thức về pháp lý và trình độ tri thức. Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp bây giờ là cần nâng cao trình độ tri thức của mình. Khi hội nhập phải hiểu rõ về Luật kinh doanh của thế giới để tránh phạm phải những sai lầm, nhất là tránh vì không hiểu biết mà cứ đi theo cách làm ngẫu hứng thì doanh nghiệp sẽ phải trả giá rất đắt.

Bà Đỗ Thị Kim Liên trả lời phỏng vấn tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2016.

Ông Sanket Ray – Tổng giám đốc Coca-Cola Việt Nam, thừa nhận công thức thành công của Coca-Cola là bí quyết 5C với 5 thành phần chính gồm: Khách hàng; Sự kết nối; Quá trình sản xuất đáp ứng yêu cầu môi trường – chính sách thuế ở quốc gia vùng lãnh thổ; Đầu tư vào nguồn nhân lực và cuối cùng là đóng góp ủng hộ cộng đồng. Đồng thời, khẳng định để tồn tại phát triển Coca-Cola luôn tuân thủ yêu cầu về pháp luật môi trường và chính sách thuế tại Việt Nam.

Chia sẻ góc nhìn khác về tầm quan trọng của khai thác và chia sẻ dữ liệu, ông Allan Bruce Butler – Chủ tịch Homecredit nhấn mạnh khai thác dữ liệu lớn là việc không thể thiếu của doanh nghiệp hiện nay, bởi nó sẽ làm tăng khách hàng, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp thông qua kênh mạng xã hội, gửi email thông qua phân tích,... Ứng dụng dữ liệu lớn có thể xác định được khách hàng, cung cấp khách hàng đúng sản phẩm khách hàng mong muốn, xác định kênh liên hệ với khách hàng, tiếp cận khách hàng đúng thời điểm. Qua đó, doanh nghiệp và khách hàng có điều kiện gặp gỡ nhau, cùng tìm hiểu rõ tiềm năng và lịch sử của nhau, từ đó có cơ hội phát triển.

Ở góc nhìn khởi nghiệp, ông Nguyễn Phi Long – Giám đốc đầu tư Quỹ đầu tư Việt Nam Oman Investment (VOI) ví von như việc trồng cây thì khởi nghiệp ở mức gieo trồng, xuất phát từ mặt ý tưởng. Song song ý tưởng là hàng loạt mô hình kinh doanh trở nên lỗi thời và bị loại ra khỏi môi trường xã hội. Đặt vấn đề khởi nghiệp trong môi trường doanh nghiệp yêu cầu đặt ra phải xây dựng kế hoạch và có hệ thống quản trị chuyên nghiệp.

PV
Nguồn: Người đưa tin

Tin nổi bật