(ĐSPL) - Casino có sức hút mạnh mẽ vì lợi nhuận cao. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế quan ngại việc ồ ạt cho mở casino sẽ làm tăng các tệ nạn xã hội và làm phân tán nguồn lực kinh tế trong khi đất nước đang khó khăn.
Các tỉnh “thích” casino theo... phong trào!?Theo tìm hiểu của PV báo Đời sống và Pháp luật, năm 2013, một số tỉnh ồ ạt đề xuất xây dựng casino, trường đua. Thời điểm đó, Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất với Chính phủ sớm có cơ chế để kêu gọi nhà đầu tư lĩnh vực dịch vụ, hoạt động casino tại Tam Đảo và cá cược đua ngựa tại Đại Lải (thị xã Phúc Yên).
Đề xuất mở casino tại khu du lịch Tam Đảo được Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị lên Chính phủ tại hội nghị của ban chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô. Lý do mà lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra là nhiều nhà đầu tư Mỹ và Hàn Quốc rất quan tâm đến lĩnh vực này.
Không chỉ riêng Vĩnh Phúc, tháng 9/2013, tập đoàn ISC Corporation (Mỹ) và các đối tác của tập đoàn Tuần Châu đã đến Quảng Ninh để bàn bạc về việc thực hiện siêu dự án vui chơi giải trí có casino với mức vốn đầu tư lên tới 7,5 tỷ USD ở huyện đảo Vân Đồn.
Cũng vào thời điểm đó, tại huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp tổ chức hội thảo khoa học đóng góp ý kiến vào đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc (còn gọi là Đặc khu kinh tế Phú Quốc).
Câu chuyện các tỉnh ồ ạt “thích” casino khiến nhiều chuyên gia quan ngại. Tại cuộc hội thảo về cải cách thể chế được tổ chức ở viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương mới đây, Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh than phiền: "Trước đây chỉ có một tỉnh xin làm casino, nay đã thành 10 tỉnh, rất tràn lan... Bây giờ, tôi đang chịu áp lực rất lớn là tỉnh nào cũng xin làm casino. Tôi mệt mỏi vô cùng".
Ông Vinh cho rằng, các địa phương xin làm casino là làm kinh tế theo phong trào, không khác gì việc xin làm cảng biển, sân bay bấy lâu nay. Tỉnh này thấy tỉnh kia làm cái gì thì họ chạy theo vì không thấy cách nào khác để có thu nhập.
|
Các tỉnh đua nhau xin mở casino vì kỳ vọng vào lợi ích nhóm mà chưa lường hết được hệ lụy của nó? |
Câu chuyện các tỉnh đua nhau xin mở casino mà Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra đặc biệt thu hút sự quan tâm của các chuyên gia kinh tế.
TS.Phạm Chi Lan đặt câu hỏi: "Bộ Chính trị chỉ chủ trương có 1 casino thôi, nhưng bây giờ xin tới 10 cái. Ai có quyền cho tới 10? Ai cho? Chỗ nào chịu trách nhiệm? Tại sao lại chiều chuộng đến thế?". Bà Lan nói thêm, kỷ cương của Nhà nước bị buông lỏng, làm cho nguồn lực của đất nước bị phân tán, kém hiệu quả.
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, GS-TSKH. Nguyễn Mại - Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, không thể đi ngược với quy luật tự nhiên, nghĩa là không nên cấm việc phát triển casino, nhưng vấn đề là phải có chừng mực và có kiểm soát. Nên có những điểm du lịch có casino, đã làm thì làm thật đàng hoàng (như Singapore) và đánh thuế thật cao, để vừa tạo nguồn thu cho Nhà nước, vừa tạo công ăn việc làm.
Ngược lại, việc địa phương nào cũng xin mở casino thì cần phải xem xét nghiêm túc, không nước nào cho phép như vậy. Không thể vì lợi ích cục bộ của địa phương mà nơi nào cũng cho phép mở casino, rất nguy hiểm. “Việc xây dựng lẻ tẻ, rải rác nhiều nơi thì sẽ không hiệu quả, khó thu hút khách du lịch và cũng khó quản lý. Nếu địa phương nào cũng làm casino, thì chỉ có ý nghĩa tăng sức hút cạnh tranh đối với riêng khu du lịch đó thôi, chứ tổng hòa, khách du lịch quốc tế không tăng lên và như thế, cũng không tạo thêm nguồn thu cho quốc gia. Nhìn từ hiệu quả kinh doanh casino tại Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng và Quảng Ninh theo đánh giá chủ quan của tôi, hoạt động này không mang lại nhiều hiệu quả kinh tế.
Trong năm 2012 (theo báo cáo của bộ Tài chính-PV) doanh thu của 5 casino đang hoạt động khoảng 930 tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 254 tỷ đồng và giải quyết khoảng 200-500 lao động trực tiếp tại mỗi điểm kinh doanh casino. Tuy nhiên, một điều đáng ngạc nhiên là, các địa phương gần đây lại rất tha thiết xin mở casino trên địa bàn với số vốn đầu tư khủng. Vì thế, việc cấp phép cho các dự án casino cần hết sức thận trọng và cần được chính quyền kiểm soát chặt chẽ để tránh những hậu quả tai hại về mặt kinh tế -xã hội”, GS. Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Buông lỏng quản lý, hệ lụy sẽ lớn hơn mọi lợi ích!
Trao đổi với PV về vấn đề trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong phân tích: Việc mở casino cho người Việt có thể thu lại nguồn ngoại tệ đang chảy ra nước ngoài khi người Việt vượt biên để đánh bạc; gia tăng sức hấp dẫn ngành du lịch giải trí; tạo cơ hội cho những dịch vụ khác phát triển; tạo thêm nguồn thu cho ngân sách; tạo công ăn việc làm...
Casino là một loại hình kinh doanh đặc biệt. Nó mang lại lợi nhuận rất cao, song hệ quả cũng rất lớn. Điều này dựa trên đặc tính của đánh bạc khi mà bỏ vốn thì ít nhưng thu tiền các loại thì nhiều. Thực tế cho thấy, nhu cầu và “máu” đỏ đen của dân tình trên thế giới và cả Việt Nam đều rất lớn.
Cũng theo ông Phong, việc nhiều địa phương ồ ạt xin mở casino còn do sức hấp dẫn từ việc sinh lời trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn về chuyển dịch cơ cấu, kinh doanh... Lúc này, người đứng ra mở sòng bạc chắc chắn sẽ có lãi nhất. Lợi ích của việc mở casino là không nhỏ song hệ lụy cũng cực kỳ lớn nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ. Nếu không cẩn thận các casino sẽ bị hiểu sai và bị lợi dụng.
Hiện tượng các địa phương tranh nhau xin mở casino cũng giống như việc các địa phương tranh nhau mở dự án, xây sân bay, cầu cảng... Không chỉ như “con gà tức nhau tiếng gáy”, trước những lợi nhuận của dự án họ coi đó như một sự kỳ vọng về lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, lợi ích địa phương... “Áp lực của Bộ trưởng Vinh là đúng, song cũng không phải vì thế mà quá nặng nề. Bộ Chính trị đã chủ trương chỉ mở một casino thì cứ thế mà làm. Vấn đề này cần tính đến cả mặt lợi, mặt hại và phát triển bền vững về mặt xã hội”, ông Phong nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này kiến nghị: “Cá nhân tôi cho rằng, không nên cho mở nhiều casino. Cùng lắm chỉ cho mở ở những địa điểm đặc biệt ở Phú Quốc... Ở đó phải có những điều kiện để kiểm soát nếu không hệ luỵ lớn hơn rất nhiều so với bất kỳ khoản lợi nào khác. Không phải vô tình mà Mỹ lại dựng casino giữa sa mạc chứ không mang vào trong thành phố. Đây là loại hình phục vụ cho những người có tiền chứ không phải phục vụ cho thói đánh bạc. Những người nghèo mà cũng đi đánh bạc thì rất đáng lo. Chắc chắn, nó sẽ dẫn đến những áp lực về nợ nần, tội phạm, trộm cắp, tranh chấp gia đình...”.
Casino không phục vụ cho nhu cầu đánh bạc
Các nước lập sòng bạc là để cho dân nhà giàu hoặc để người nước ngoài chơi chứ không phải phục vụ nhu cầu đánh bạc cho người dân bình thường, thế nên phải hết sức thận trọng.
Nếu không, người dân sẽ mất thời gian hơn, tốn tiền nhiều hơn, vay nợ nhiều hơn, phá sản nhiều hơn… vì đánh bạc. Nguồn lực đầu tư sản xuất sẽ loãng đi để thay vào đó là chảy vào luồng dịch vụ đánh bạc… Đó là chưa kể hàng loạt tệ nạn xã hội cũng có thể bùng phát như: Mại dâm, đòi nợ thuê, trộm cắp….
Lan Hạnh
Xem thêm clip: Việt Nam nỗ lực tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích