Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

10 thủ thuật người dùng Android không thể không biết

(DS&PL) -

Mọi người khi dùng Android nên biết, từ đổi hình nền, đặt mật khẩu cho máy, chụp ảnh màn hình cho đến cách xử lý tình huống khi máy bị thất lạc.

Bài viết sẽ hướng dẫn bạn các thao tác cơ bản mà mọi người dùng Android nên biết, từ đổi hình nền, đặt mật khẩu cho máy, chụp ảnh màn hình cho đến cách xử lý tình huống khi máy bị thất lạc.

1. Cài đặt ứng dụng diệt virus

Nếu máy tính chưa cài một chương trình diệt virus nào thì có thể chỉ với một vài thao tác đơn giản, hacker có thể đột nhập vào máy tính và lấy đi những dữ liệu quan trọng trên máy. Điều tương tự có thể xảy đến với thiết bị di động, do vậy một trong những việc đầu tiên bạn cần làm với một thiết bị Android là cài đặt một phần mềm diệt virus đủ tin cậy.

Nếu chưa đủ điều kiện mua những phần mềm diệt virus đắt đỏ, bạn có thể sử dụng những phần mềm diệt virus miễn phí nhưng được đánh giá cao như Avast Mobile Security & Antivirus, BitDefender Antivirus Free, AVG Antivirus Security Free...

2. Đặt mật khẩu cho máy


Bộ nhớ điện thoại hiện nay đủ để bạn lưu vào đó đủ loại dữ liệu từ nhạc, phim, hình ảnh cho đến những tài liệu quan trọng. Để ngăn không cho người khác tiếp cận những dữ liệu này, bạn cần cài đặt mật khẩu cho nó bằng cách vào Settings > Lock Screen và chọn phần Screen lock. Ở một số phiên bản Android, bạn có thể truy cập phần này bằng cách vào Security > Location and Securtiy > Screen Lock.

Tại đây bạn có một số lựa chọn như đặt mật khẩu dạng số, chữ, hay hình vẽ. Các phiên bản Android mới đây còn cung cấp thêm một số tùy chọn nâng cao như đặt mật khẩu bằng khuôn mặt hoặc giọng nói.

3. Tiết kiệm pin

Pin điện thoại là vấn đề mà rất nhiều người dùng smartphone trăn trở. Một trong những thứ ngốn pin nhất chính là màn hình, do vậy, bạn cần quan tâm đến đối tượng này đầu tiên khi muốn tiết kiệm pin cho thiết bị. Mặc định màn hình Android có khả năng chỉnh sáng tự động dựa vào ánh sáng môi trường, tuy nhiên không phải lúc nào nó cũng hoạt động hiệu quả trên mọi thiết bị.

Nếu thấy chế độ tự chỉnh sáng của máy chưa thật hợp lý, bạn có thể vào Settings > Display > Brightness, gạt thanh trượt để điều chỉnh độ sáng vừa phải, nhưng cũng đừng tiết kiệm đến mức bạn phải căng mắt ra để đọc các nội dung trên màn hình. Ngoài ra bạn có thể điều chỉnh mục Screen Timeout để màn hình tự động tắt sau một khoảng thời gian không thao tác.


Ngoài màn hình, tình trạng pin nhanh cạn cũng có thể do một số ứng dụng quá ngốn pin. Để xem ứng dung nào là “thủ phạm” gây ra việc này, bạn vào Settings > Battery để xem thứ tự những những đối tượng tiêu hao nhiều năng lượng nhất, từ đó tắt nó đi hoặc sử dụng ở tần suất hợp lý hơn.

4. Chụp ảnh màn hình

Hẳn bạn đã quen thuộc với phím Print Screen trên bàn phím máy tính để chụp ảnh màn hình. Cách phổ biến nhất để thực hiện việc này trên Android là nhấn tổ hợp nút nguồn và phím giảm dung lượng. Ngay lập tức ảnh chụp màn hình sẽ được lưu vào thư mục hình ảnh trên thiết bị.

5. Theo dõi lưu lượng 3G

Giá cước 3G ngày càng cao khiến cho bạn phải đặc biệt chú ý đến lưu lượng 3G mà mình sử dụng. Để mọi thứ không vượt ngoài tầm kiểm soát, bạn cần theo dõi và giới hạn lưu lượng 3G mình sử dụng bằng cách vào Settings > Data Usage.

Tại đây bạn có thể xem mình đã sử dụng bao nhiêu lưu lượng 3G trong một khoảng thời gian nhất định, xem ứng dụng nào tiêu hao nhiều lưu lượng nhất và thiết lập mức lưu lượng tối đa mà bạn sử dụng.


6. Tắt chế độ tự động xoay màn hình

Chế độ xoay màn hình tự động là một tính năng thông minh trên Android, nhưng đôi khi vì lý do nào đó mà nó khiến màn hình đột ngột xoay ngang trong khi bạn đang dở việc.


Nếu thấy tính năng này không cần thiết và gây phiền toái, bạn có thể tắt nó bằng cách vào Setting > Display và bỏ chọn ô Auto rotate screen. Ở một vài phiên bản khác, bạn có thể tìm chức năng này bằng cách truy cập Settings> Display > Orientation.

7. Thay đổi hình nền

Nếu thấy chưa ưng ý với hình nền mặc định của thiết bị, bạn có thể cá nhân nó bằng các hình nền mang phong cách riêng. Đây có thể là một tấm hình trên mạng mà bạn ưa thích, hoặc tấm hình của bản thân mà bạn chụp trong chuyến đi chơi cùng bạn bè. Để thay hình nền, bạn nhấn giữ một vùng trống trên màn hình chính, ở cửa sổ hiện ra bạn chọn mục Set Wallpaper.

Tiếp tục chọn hình nền từ thư viện hình ảnh trong máy hoặc hình ảnh trong thẻ nhớ, tuy nhiên cần chú ý khi chọn chọn các tấm hình động trong mục Live Wallpaper, vì chúng không những gây hao pin mà còn có thể gây ra hiện tượng lag, giật khi cuộn trang.

8. Tải và cài đặt ứng dụng

Có vô số ứng dụng trên Google Play Store mà bạn có thể cài đặt, nhưng nếu không biết bắt đầu từ đâu, bạn có thể tham khảo một số bài viết trên ICTnews, chẳng hạn 6 ứng dụng Android bạn nên cài đặt, 10 ứng dụng nên có cho mọi máy tính bảng Android...


9. Gỡ bỏ các ứng dụng không cần thiết

Nếu bạn không sử dụng đến các ứng dụng được cài đặt sẵn trên máy, hãy gỡ bỏ chúng bằng cách vào Settings > Application manager, chọn ứng dụng muốn gỡ và chọn nút Uninstall. Tuy nhiên, các ứng dụng mà nhà sản xuất cài đặt mặc định trên điện thoại không có tùy chọn trên. Để gỡ được các ứng dụng này, bạn cần phải root máy, song đây là thủ thuật nâng cao và bạn cần tìm hiểu kỹ trước khi thực hiện.

Ngoài ra, nếu chỉ muốn dọn dẹp các ứng dụng khỏi màn hình chính, bạn chỉ cần nhấn và giữ biểu tượng ứng dụng ngoài màn hình cho đến khi thùng rác xuất hiện và kéo nó vào thùng rác.

10. Làm gì khi điện thoại bị mất?

Điện thoại bị thất lạc là điều không ai mong muốn, nhưng để có thể chủ động trong những trường hợp này, bạn nên cài đặt trước các ứng dụng có thể giúp bạn tìm lại điện thoại sau khi để thất lạc, chẳng hạn như Android Device Manager.

Khi bạn không biết mình đã để điện thoại ở đâu, bạn có thể dùng ứng dụng này để dò tìm vị trí thiết bị thông qua GPS, còn nếu đơn thuần để quên thiết bị ở đâu đó, Android Device Manager cũng có thể giúp nó rung ở mức âm lượng tối đa, hoặc hiển thị một tin nhắn trên màn hình khóa để giúp nó sáng lên trong đêm tối.

Nếu bạn chưa khóa điện thoại, bạn cũng có thể sử dụng Android Device Manager để khóa nó từ xa và đặt một mật khẩu mới cho nó. Còn nếu tài liệu trong thiết bị thuộc loại tuyệt mật không thể lộ ra ngoài, hãy nghĩ đến phương án cuối cùng: xóa toàn bộ thông tin cá nhân trên thiết bị.

Tin nổi bật