Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

10 phát ngôn gây "dậy sóng" thế giới tuần qua: Ông Zelensky bất ngờ "quay xe", sẵn sàng đàm phán

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Cùng Đời sống & Pháp luật nhìn lại những tin nóng cùng 10 phát ngôn gây chú ý trong tuần qua (3-9/2/2025).

Ông Zelensky tuyên bố sẵn sàng đàm phán với ông Putin 

Ngày 6/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẵn sàng đàm phán với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin về việc giải quyết cuộc xung đột kéo dài 3 năm.

"Chắc chắn, Mỹ, Tổng thống Donald Trump và các nước Liên minh châu Âu (EU) tin rằng biện pháp ngoại giao là không khả thi nếu không có Nga và Tổng thống Putin. Vì vậy, tôi nói rằng tôi đã sẵn sàng nếu chúng ta hiểu được cuộc chiến này sẽ kết thúc như thế nào", Tổng thống Zelensky tuyên bố.

"Chúng tôi đã sẵn sàng cho biện pháp ngoại giao. Tôi không có vấn đề gì với điều đó...Dù sao, tôi nghĩ ông Trump có thể sẽ buộc ông Putin chấm dứt xung đột", ông Zelensky nói thêm.

Bình luận trên cho thấy sự thay đổi lập trường của ông Zelensky. Trước đó, ông liên tục từ chối đàm phán trực tiếp với người đồng cấp Nga, thậm chí ký một sắc lệnh rõ ràng cấm mọi cuộc đàm phán với Moscow và đặc biệt là với Tổng thống Vladimir Putin.

Ông Zelensky cho biết việc ban hành lệnh cấm đàm phán với Nga năm 2022 là nhằm ngăn Moscow cố gây áp lực lên Ukraine thông qua "nhiều hành lang khác nhau" mà Kiev không thể kiểm soát.

 

70% vũ khí trên tiền tuyến của Ukraine đến từ viện trợ quân sự

Đầu tháng 2, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Ivan Havryliuk tiết lộ với Ukrinform rằng khoảng 70% trang thiết bị mà lực lượng Ukraine sử dụng trên chiến trường đến từ viện trợ quân sự quốc tế.

Phát biểu diễn ra trong bối cảnh các nước EU ngày càng áp dụng mô hình trực tiếp tài trợ cho các nhà sản xuất quốc phòng Ukraine, bên cạnh nỗ lực cung cấp vũ khí. Trong khi đó, kế hoạch viện trợ Ukraine của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa rõ ràng và trước đây ông từng tuyên bố sẽ xem xét cắt giảm hỗ trợ cho Kiev.

Trong một cuộc phỏng vấn với Ukrinform, ông Havryliuk giải thích rằng dù Ukraine chưa bao giờ nhận được sự hỗ trợ đầy đủ để tiến hành các chiến dịch tác chiến cường độ cao tối đa, nước này vẫn cần sự giúp đỡ từ các đối tác, đặc biệt đối với các hệ thống vũ khí không được sản xuất trong nước hoặc có số lượng sản xuất không đủ. Những hạng mục này bao gồm hệ thống phòng không, xe bọc thép hạng nặng và đạn pháo theo tiêu chuẩn NATO.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh những tiến bộ trong sản xuất quốc phòng nội địa, cho biết các nhà sản xuất Ukraine đang phát triển các loại vũ khí và trang thiết bị mới.

Tổng thống Trump: Mỹ sẽ tiếp quản Dải Gaza

Phát biểu sau cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng hôm 4/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắc lại quan điểm rằng người Palestine nên được tái định cư vĩnh viễn ở nơi khác. Ông nói thêm rằng Mỹ sẽ "tiếp quản" Dải Gaza và dẫn đầu các nỗ lực dọn dẹp đống đổ nát tại vùng đất này.

"Mỹ sẽ tiếp quản Dải Gaza. Chúng tôi cũng sẽ thực hiện nhiệm vụ tại đó. Chúng tôi sẽ sở hữu mảnh đất này và chịu trách nhiệm xử lý tất cả các quả bom chưa nổ nguy hiểm cũng như các loại vũ khí khác tại khu vực này", Tổng thống Trump nói, đồng thời cam kết sẽ "san phẳng địa điểm này và loại bỏ các tòa nhà bị phá hủy".

Theo ông Trump, "lý do duy nhất khiến người Palestine muốn quay trở lại Gaza là vì họ không có lựa chọn nào khác".

Ông đề xuất người Palestine tại Gaza di chuyển đến các nước láng giềng. Tổng thống Mỹ cho rằng Dải Gaza là khu vực cần "phá dỡ" và không phù hợp để sinh sống.

"Đây chỉ là một địa điểm cần phá dỡ... Thay vào đó, họ có thể định cư ở một khu vực xinh đẹp với những ngôi nhà và họ có thể sống hết cuộc đời trong hòa bình và hòa hợp thay vì phải quay lại đây", ông Trump nói thêm.

 

Thủ tướng Đức chỉ trích tuyên bố đổi viện trợ lấy đất hiếm của ông Trump

Ngày 8/2, trong bài phỏng vấn với kênh truyền thông RND, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã lên tiếng chỉ trích việc Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Ukraine đổi đất hiếm lấy viện trợ quân sự của Washington và gọi đây là những đề nghị "ích kỷ".

"Ukraine đang trong thời chiến và chúng ta đang giúp đỡ họ, đừng hỏi họ đổi lấy thứ gì. Đây nên là quan điểm của tất cả các bên", ông Scholz cho biết khi được hỏi về những yêu cầu "có đi có lại" của ông Trump.

Trước đó, Thủ tướng Đức ngày 3/2 cũng đã từng gọi các yêu cầu mà ông Trump đưa ra với Ukraine là "ích kỷ" sau cuộc họp thượng đỉnh của Liên minh châu Âu ở Brussels.

Theo ông Scholz, các nguồn tài nguyên của Ukraine nên được sử dụng để đầu tư cho hoạt động tái thiết sau chiến tranh, chẳng hạn như việc xây dựng và duy trì một quân đội mạnh. 

Nhóm kim loại đất hiếm được sử dụng cho ngành công nghiệp công nghệ cao.

Trung Quốc: Không bên nào thắng trong thương chiến

Trung Quốc đã lên tiếng kịch liệt phản đối Mỹ áp thuế với hàng hóa của mình, cho rằng sẽ không ai thắng trong cuộc chiến thương mại hay thuế quan.

"Trung Quốc rất không hài lòng và kịch liệt phản đối", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm tuyên bố ngày 5/2, đề cập tới việc Mỹ áp thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc.

Ông Lâm cho biết Trung Quốc muốn cùng phía Mỹ "đối thoại và tham vấn công bằng cũng như tôn trọng lẫn nhau". Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định mức thuế đáp trả của nước này là biện pháp cần thực hiện "để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp" của mình.

"Không bên nào thắng trong cuộc chiến tranh thương mại hay thuế quan", ông Lâm nhấn mạnh.

Mỹ từ ngày 4/2 áp thêm thuế nhập khẩu 10% với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc với lý do Bắc Kinh không chặn được hoạt động buôn lậu fentanyl sang Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump cũng để ngỏ khả năng có thể thảo luận với giới chức Trung Quốc về vấn đề này.

Trung Quốc cũng lập tức đưa ra biện pháp đáp trả, thông báo áp thuế nhập khẩu với hàng hóa Mỹ từ ngày 10/2. Các mặt hàng than đá, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ sẽ bị áp thuế 15%, dầu thô và một số loại máy móc nông nghiệp chịu mức thuế 10%.

 

Nhà Trắng: Elon Musk là “nhân viên chính phủ đặc biệt”

"Tôi có thể xác nhận ông ấy [tỷ phú Elon Musk] là nhân viên chính phủ đặc biệt và tuân thủ mọi luật liên bang hiện hành", Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết ngày 3/2. "Tôi không rõ ông ấy được hưởng quyền truy cập thông tin đến mức độ nào, nhưng sẽ kiểm tra và thông báo lại sau".

Ông Musk, giám đốc điều hành Tesla, được Tổng thống Donald Trump chọn làm lãnh đạo Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE) với nhiệm vụ tinh giản bộ máy chính phủ và cắt giảm chi tiêu ngân sách. Bà Leavitt không rõ tỷ phú này có phải tuyên thệ hay không.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, nhân viên chính phủ đặc biệt là "người đang hoặc dự kiến làm việc cho chính phủ trong 130 ngày hoặc giai đoạn ngắn hơn 365 ngày". Một số quan chức Nhà Trắng nói ông Musk không nhận lương từ chính phủ và được quyền truy cập thông tin cấp tuyệt mật.

Tỷ phú Musk, 53 tuổi, là người ủng hộ nhiệt thành của Tổng thống Trump khi ông tranh cử tổng thống nhiệm kỳ hai. CEO Tesla đã được bố trí văn phòng trong khuôn viên Nhà Trắng để thực hiện các công việc liên quan DOGE.

Syria ra điều kiện để Nga duy trì 2 căn cứ quân sự

“Syria sẵn sàng cho phép Nga duy trì các căn cứ không quân và hải quân tại nước này, với điều kiện bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải phục vụ lợi ích của Damascus”, Bộ trưởng Quốc phòng Syria Murhaf Abu Qasra nói với báo Washington Post.

Ông Abu Qasra nói thêm rằng, mặc dù chính phủ mới tại Syria với Moscow từng đối đầu trong quá khứ, nhưng Damascus đang áp dụng cách tiếp cận thực dụng hơn.

Năm 2015, Nga đã hỗ trợ chính quyền cựu Tổng thống Bashar Assad chống lại lực lượng khủng bố. Hai năm sau, hai nước đã ký một thỏa thuận gia hạn 49 năm, cho phép Nga tiếp tục sử dụng căn cứ không quân Khmeimim ở Latakia và trung tâm hậu cần tại Tartus, cả hai đều nằm trên bờ Địa Trung Hải.

Sau khi ông Assad bị lật đổ và rời Syria sang Nga vào tháng 12 năm ngoái, chính quyền hiện tại do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu đã giành được quyền lãnh đạo quốc gia Trung Đông.

Trong cuộc phỏng vấn với Washington Post, ông Abu Qasra cho biết Syria đang cân nhắc việc cho phép Nga duy trì các căn cứ quân sự. "Nếu chúng tôi nhận được lợi ích cho Syria từ điều này, thì có", ông nói.

 

"Mỹ hưởng lợi từ cuộc xung đột Ukraine"

Trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo Anh Piers Morgan hôm 4/1, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng một phần đáng kể trong số hàng tỷ USD mà Mỹ đã phân bổ cho Ukraine thực tế đã được đưa trở lại để thúc đẩy sản xuất vũ khí tại Mỹ.

"Một phần số tiền mà nhiều người ở Mỹ nói đến thực chất là để tài trợ cho hoạt động sản xuất tại chính nước Mỹ. Các công ty sản xuất vũ khí cho Kiev đã nhận được số tiền này… Các công ty Mỹ hiện có hợp đồng mua những vũ khí này với giá cao nhất trong 50 năm qua vì có nhu cầu rất lớn do chiến dịch quân sự của Nga", nhà lãnh đạo Ukraine cho biết.

Theo ông Zelensky, một phần đáng kể trong số tiền tài trợ đã được chuyển đến "các công ty cụ thể, các nhà máy cụ thể, tạo ra lợi nhuận cho những người cụ thể". Ông cho biết số tiền này được dùng để trả lương cho người Mỹ làm việc tại các công ty đó.

Tổng thống Zelensky tuyên bố, chiến dịch hỗ trợ Ukraine cũng giúp Mỹ đổi mới kho vũ khí của mình, vì trong nhiều trường hợp, Washington đã cung cấp cho Kiev những vũ khí tương đối lỗi thời được sản xuất vào những năm 1970 và 1980.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng Ukraine rất biết ơn sự giúp đỡ này của Mỹ, mặc dù trước đó ông từng chỉ trích phương Tây vì sự chậm trễ và số lượng vũ khí được gửi đến.

Tổng thống Trump muốn tái kết nối với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 7/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các phóng viên: "Chúng tôi sẽ tạo lập quan hệ với Triều Tiên và với ông Kim Jong-un”. Theo đài RT, chính khách Cộng hòa mới nhậm chức tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2 cũng nhắc lại những lần tương tác trước đây của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên.

"Như các bạn biết đấy, tôi rất hợp với ông ấy (ông Kim Jong-un). Tôi nghĩ tôi đã ngăn chặn được chiến tranh. Tôi nghĩ nếu tôi không thắng cuộc bầu cử đó, các bạn sẽ rơi vào tình huống rất tồi tệ. Nhưng tôi đã làm được và chúng tôi đã có mối quan hệ tốt đẹp”, ông Trump nói, ám chỉ việc ông chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 đã giúp ngăn chặn xung đột với Triều Tiên. Ông Trump cũng nhấn mạnh, khả năng tương tác với ông Kim của mình có lợi cho sự ổn định toàn cầu.

 

Triều Tiên nêu tình huống sử dụng vũ khí hạt nhân

Trong bình luận được hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố vào ngày 8/2, Triều Tiên nhấn mạnh các lực lượng hạt nhân nước này không phải để đàm phán, mà để sử dụng trong chiến đấu.

"Lực lượng hạt nhân của chúng tôi không phải là thứ có thể quảng cáo để được bất kỳ ai công nhận, và thậm chí không phải là con bài mặc cả để đổi lấy một khoản tiền nhỏ", KCNA cho biết.

“Lực lượng hạt nhân của chúng tôi luôn được sử dụng trong chiến đấu nhằm nhanh chóng loại bỏ gốc rễ của bất kỳ nỗ lực xâm chiếm nào từ các thế lực thù địch, khi họ xâm phạm quyền chủ quyền, sự an toàn của người dân, và đe dọa hòa bình khu vực”, KCNA nhấn mạnh.

Đáp trả tuyên bố từ các quan chức NATO và Liên minh châu Âu (EU) về việc sẽ không chấp nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân, Bình Nhưỡng cho hay đây là những phát biểu "lố bịch".

Tin nổi bật