Giá cổ phiếu bật mạnh đã đẩy tổng tài sản của những người giàu nhất sàn chứng khoán VN tăng lên hơn 85% so với năm ngoái, đạt hơn 82.000 tỉ đồng, tương đương 3,7 tỉ USD.
Trong danh sách 10 người giàu nhất sàn chứng khoán 2016, xuất hiện 3 gương mặt mới. Trong đó, người lần đầu tiên có mặt nhưng đã có bước đại nhảy vọt lên đến vị trí thứ hai là ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn FLC, người đồng thời đang sở hữu 65% vốn điều lệ của CTCP xây dựng Faros (ROS). Tổng tài sản của ông Quyết ở hai công ty này là 19.444 tỉ đồng. Trong khi FLC chỉ loanh quanh ở mức giá từ 6.000 - 8.000 đồng/cổ phiếu (CP) thì chính ROS, lên sàn từ ngày 1.9 với mức tăng 650% tính đến hết ngày hôm qua, từ 10.500 đồng/CP tăng lên đến 67.500 đồng/CP, đóng vai trò quan trọng trong khối tài sản ông Quyết nắm giữ.
Tương tự, ông Đỗ Hữu Hạ, Chủ tịch HĐQT CTCP đầu tư dịch vụ Hoàng Huy (HHS) kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy (TCH) cũng lần đầu tiên góp mặt vào danh sách người giàu. Điều thú vị là dù giá CP của Công ty HHS giảm mạnh gần 40% kể từ đầu năm, từ 10.000 đồng/CP trượt xuống quanh mức 6.000 đồng/CP, nhưng cổ phiếu TCH lên sàn từ đầu tháng 10 với giá khởi điểm 15.000 đến nay đã tăng gấp đôi, đạt mức 29.650 đồng, giúp tổng trị giá tài sản của ông Hạ đạt hơn 4.000 tỉ đồng, đứng ở vị trí thứ 5.
Bên cạnh đó, gương mặt người giàu thứ 3 lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách này là ông Trần Lê Quân - thành viên HĐQT của CTCP đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) có tổng tài sản 2.100 tỉ đồng và đứng ở vị trí thứ 9. Ông Quân góp mặt trong danh sách này là nhờ giá MWG đã bứt phá kỷ lục, tăng gần gấp đôi từ đầu năm đến nay, đứng ở mức 145.500 đồng kết phiên giao dịch ngày hôm qua.
Vincom Center là một trong những tài sản của tỉ phú Phạm Nhật Vượng. |
Sự xuất hiện của 3 tỉ phú mới đồng nghĩa những gương mặt kỳ cựu trước đây đã lọt khỏi danh sách. “Bầu” Đức sau 6 năm liên tục đứng ở các vị trí trong top 3 thì năm nay khi giá HAG bị giảm mạnh khoảng 50%, tổng trị giá tài sản của doanh nhân này đã bị mất đi hơn 2.000 tỉ đồng so với cuối năm 2015. Người thứ hai rớt khỏi danh sách là bà Nguyễn Hoàng Yến, thành viên HĐQT của Tập đoàn Masan. Trong khi giá nhiều CP trên sàn liên tục gia tăng thì giá CP của Masan từ đầu năm đến nay giảm mất 15% khiến tài sản của nữ doanh nhân này đã bị giảm đi tương ứng. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cũng đã tạm thời rời khỏi danh sách. Dù giá CP của FPT cũng tăng trong năm nay giúp cho tài sản của vị chủ tịch này tăng thêm gần 30 tỉ đồng, ở mức khoảng 1.400 tỉ đồng, nhưng mức tăng này không quá nhiều nếu so với những ông chủ của các công ty vừa mới lên sàn như ông Trịnh Văn Quyết và ông Đỗ Hữu Hạ.
Vị trí dẫn đầu trên sàn chứng khoán hiện nay vẫn là tỉ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC), với tổng tài sản 30.917 tỉ đồng, tăng thêm hơn 9.600 tỉ đồng so với cuối năm 2015. Như vậy liên tục trong 7 năm, vị trí dẫn đầu của tỉ phú Phạm Nhật Vượng vẫn chưa có đối thủ. Bên cạnh đó, giá CP tăng mạnh giúp cho tài sản của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) cũng tăng gần gấp đôi, tương đương 3.346 tỉ đồng. Từ một doanh nghiệp khởi đầu với 100.000 USD, sau 12 năm, MWG được định giá 1 tỉ USD.
Trong khi đó, 4/5 nữ tỉ phú vẫn trụ lại được trong danh sách. Bà Trương Thị Lệ Khanh, người sáng lập và lèo lái Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) gần 20 năm qua đã tăng tài sản đáng kể. Giá cổ phiếu VHC tăng 113% lên 55.000 đồng/CP, đẩy tài sản của bà tăng gần 50% so với danh sách năm ngoái, lên 2.500 tỉ đồng (lấy số tròn). Bà Vũ Thị Hiền, vợ ông chủ thép Hòa Phát, tăng tài sản nắm giữ ở mức 2.500 tỉ đồng, tăng gần 600 tỉ đồng (30%). Trong khi đó, bà Phạm Thu Hương và Phạm Thúy Hằng (cùng giữ vị trí Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup) vẫn là những người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán.
Thị trường chứng khoán VN đã có một năm sôi động khi tại thời điểm đầu tháng 10, giá trị vốn hóa đã đạt mức cao nhất trong lịch sử với 1,68 triệu tỉ đồng, bằng khoảng 55% GDP. Chỉ số VN-Index đã tăng hơn 18% so với đầu năm. Với tốc độ tăng trưởng này, giá nhiều CP bật mạnh đã thúc đẩy giá trị tài sản của nhiều đại gia tăng vượt trội. So với 3 năm trước, thống kê cho thấy 500 người giàu nhất sàn chứng khoán nắm giữ 3,8 tỉ USD (tỷ giá tính theo thời điểm đó), thì đến nay, chỉ 10 người đã nắm giữ giá trị tài sản tương đương 3,7 tỉ USD. Ấn tượng hơn, tổng tài sản của 10 người giàu nhất sàn năm nay đã tăng vượt bậc 85% so với tổng tài sản người giàu năm trước.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI) nhận định rằng, nền kinh tế 3 năm qua tăng trưởng khá, thị trường chứng khoán phát triển, gia tăng giá trị tài sản nhiều lần.
Theo chuyên gia chứng khoán Phan Dũng Khánh, có 3 yếu tố khiến người giàu càng giàu thêm. Thứ nhất, các doanh nghiệp niêm yết trên sàn đã tăng vốn mạnh, gia tăng lượng CP cho các ông chủ. Thứ hai, giá CP tăng vượt kỳ vọng của nhiều người. Thứ ba, người chủ sở hữu gia tăng số lượng công ty niêm yết khiến tài sản trên sàn của họ tăng thêm. Chẳng hạn, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng tăng mạnh do trong năm, VIC đã phát hành CP thưởng cho cổ đông để tăng vốn điều lệ và trả cổ tức bằng CP khiến số lượng CP sở hữu của doanh nhân này tăng thêm hơn 190 triệu CP. Hay như VHC cũng là công ty vừa báo lãi đột biến quý 3 lợi nhuận sau thuế, tăng 122% so cùng kỳ năm ngoái. “Với mức tăng 18% so với đầu năm, nhà đầu tư trên sàn đã lãi gấp 3 lần người gửi tiết kiệm. Hiện nay, chứng khoán được đánh giá có tính thanh khoản đứng thứ 3 sau tiền mặt và vàng, trên cả bất động sản”, ông Khánh phân tích.
Thống kê của Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), tính đến hết tháng 9, tổng số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt là hơn 1,65 triệu tài khoản, nghĩa là chưa đầy 2% người dân VN có tài khoản chứng khoán.
HỒNG SƯƠNG - MAI PHƯƠNG
Xem thêm video:
[mecloud]mJg4N8Ufka[/mecloud]