Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xung quanh vụ tranh cãi của Trương Thế Vinh: Sử dụng hình ảnh người khác thế nào mới đúng luật?

(DS&PL) -

Theo luật sư, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Còn nếu dùng với mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh.

Theo luật sư, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Còn nếu dùng với mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Thời gian gần đây, dư luận đang tỏ ra quan tâm đến vụ lùm xùm giữa ca sĩ/diễn viên Trương Thế Vinh và một nhãn hàng thời trang, xoay quanh câu chuyện sử dụng hình ảnh không xin phép.

Cụ thể, nam nghệ sĩ cho rằng, một hiệu thời trang đã dùng hình ảnh của anh một cách trái phép. Và để đòi quyền lợi cho bản thân, Trương Thế Vinh đã trực tiếp nhắn tin cho thương hiệu này yêu cầu gỡ ảnh. Đồng thời, đòi bồi thường chi phí tổn thất về mặt hình ảnh là 25 triệu đồng.

Ngay sau khi được chia sẻ, có rất nhiều luồng ý kiến tranh cãi được đưa ra. Trong đó, nhiều cá nhân bày tỏ ủng hộ nhãn hàng trong khi đó cũng không ít người hâm mộ lại lên tiếng bảo vệ Trương Thế Vinh. 

Bên cạnh đó, nhiều độc giả cũng thắc mắc về những quy định cụ thể của pháp luật về sử dụng hợp pháp hình ảnh cá nhân. Cụ thể, trường hợp nào được phép sử dụng, trường hợp nào sử dụng phải xin phép và trả phí?

Trương Thế Vinh yêu cầu nhãn hàng sử dụng hình ảnh của anh bồi thường 25 triệu đồng. 

Trả lời PV báo Đời sống & Pháp luật về vấn đề này, luật sư Nghiêm Quang Vinh (Giám đốc công ty Luật TNHH Nghiêm Quang) cho biết, Bộ luật Dân sự đã quy định tại Điều 32 Quyền của cá nhân đối với hình ảnh.

Cụ thể, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Còn nếu dùng với mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Song, với các trường hợp như hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.. thì không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ.

Ngược lại, việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm các quy định nêu trên thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Và để bạn đọc hiểu hơn về quy định bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại, luật sư Vinh cho biết, Điều 592 trong Bộ luật Dân sự đã chỉ rõ: 

Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Điều 51 - Nghị Định 158/2013/NĐ-CP. Vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo:

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định;

b) Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.

Nguyễn Phượng 

Tin nổi bật