Việc chủ nhãn hàng thời trang tự ý đăng tải hình ảnh Trương Thế Vinh nhằm mục đích thương mại khi chưa được đồng ý, là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị phạt lên đến 30 triệu đồng.
Hình ảnh Trương Thế Vinh khi tham gia chương trình truyền hình bị phía thương hiệu sử dụng để quảng cáo. |
Những ngày gần đây, cộng đồng mạng xôn xao vì lùm xùm showbiz giữa diễn viên Trương Thế Vinh và một nhãn hàng thời trang. Câu chuyện bắt đầu khi Trương Thế Vinh nêu thẳng tên nhãn hiệu thời trang để chỉ trích vì hành vi sử dụng hình ảnh không xin phép.
Để đòi quyền lợi cho bản thân, Trương Thế Vinh đã trực tiếp nhắn tin cho thương hiệu này để yêu cầu gỡ ảnh và đồng thời bồi thường chi phí tổn thất về mặt hình ảnh cho riêng anh, con số được nam diễn viên đưa ra là 25 triệu đồng.
Trước đó, Trương Thế Vinh mặc một chiếc áo là thiết kế của nhãn hiệu nói trên để ghi hình cho một chương trình truyền hình. Sau đó, nhãn hiệu lấy hình của Trương Thế Vinh khi xuất hiện trên chương trình nói trên để quảng cáo cho sản phẩm.
Việc đôi bên lời qua tiếng lại căng thẳng lập tức nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Nhiều người đồng tình với cách giải quyết của nam ca sĩ và khẳng định phía nhãn hàng sai luật khi sử dụng hình ảnh chưa xin phép.
Một số người khác lại cho rằng, việc sử dụng hình ảnh người nổi tiếng trên các chương trình truyền hình để quảng cáo sản phẩm là bình thường, Trương Thế Vinh đã phóng đại sự việc và cố ý “làm tiền” trong khi nhãn hàng đã lên tiếng xin lỗi, chấp nhận tháo gỡ hình ảnh.
Được biết, chiếc áo gây ra lùm xùm tranh cãi giữa Trương Thế Vinh và nhãn hàng là quà mà nam nghệ sĩ "Tình yêu hoa gió" được tặng. Phía nhãn hàng lấy hình ảnh Trương Thế Vinh đang mặc chiếc áo trên từ 1 trang báo mạng chứ không phải là Facebook cá nhân hay ảnh độc quyền. Hai bên đều giữ quan điểm của mình và chưa đi đến bất cứ thỏa thuận nào.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, luật sư Đặng Thị Tâm, Công ty luật Asem, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, cho biết, việc nhãn hàng sử dụng hình ảnh ca sĩ, diễn viên Trương Thế Vinh dù trước đó được đăng tải lên bất cứ phương tiện truyền thông nào khác, để đăng tải lên mạng xã hội nhằm mục địch thương mại nhưng chưa được sự đồng ý là hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình được quy định tại Khoản 1 Điều 32 Bộ luật dân sự 2015: “Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”
Tức là người đó phải có sự đồng ý thông qua thoả thuận miệng hoặc bằng văn bản, trừ các trường hợp sử dụng hình ảnh không cần xin phép tại khoản 2 (các trường hợp được sử dụng hình ảnh mà không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ).
Như vậy, trong trường hợp này, hành vi của nhãn hàng đã vi phạm quy định của pháp luật khi tự ý lấy hình ảnh của Trương Thế Vinh khi chưa được đồng ý và đưa lên trang bán hàng nhằm sử dụng vào mục đích thương mại.
Luật sư Tâm cũng phân tích thêm, mặc dù nhãn hàng lấy hình ảnh của Trương Thế Vinh khi tham gia chương trình giải trí (biểu diễn nghệ thuật) trên trang báo mạng, nhưng không phải nhằm mục đích vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng hay quảng bá hình ảnh, phục vụ các hoạt động công cộng hay hoạt động nghệ thuật nói trên mà nhằm phục vụ lợi ích cá nhân, mục đích thương mại thì vẫn cần có sự đồng ý của Trương Thế Vinh.
Trong trường hợp này, nam ca sĩ Trương Thế Vinh có quyền yêu cầu người/tổ chức có hành vi xâm phạm quyền nhân thân của mình chấm dứt hành vi vi phạm. Khởi kiện người có hành vi vi phạm yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường các thiệt hại về vật chất/tinh thần nếu có.
Thậm chí, yêu cầu hoặc khởi kiện yêu cầu cá nhân/tổ chức có hành vi xâm phạm trả thù lao cho việc sử dụng hình ảnh của cá nhân trong trường hợp việc sử dụng hình ảnh nhằm mục đích thương mại.
Theo chuyên gia pháp lý, khoản 3 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực, hành vi sử dụng hình ảnh cá nhân trong quảng cáo mà không có sự đồng ý của người đó có thể bị xử phạt tới mức từ 20.000.000 – 30.000.000 đồng vì vi phạm "Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép”.
Luật sư Tâm bày tỏ, qua vụ việc này, chúng ta cần có nhận thức đúng đắn hơn về quyền hình ảnh của người khác theo quy định của pháp luật, tránh việc sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác nhằm một mục đích nào đó để phải chịu những hậu quả pháp lý cũng như trở thành tiêu điểm cho công đồng mạng lên án.
Đồng thời, cá nhân mỗi người cũng cần có ý thức tìm hiểu các quy định pháp luật về quyền hình ảnh để tự bảo vệ hình ảnh, uy tín và danh dự bản thân theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 32 - Bộ luật dân sự 2015. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh 1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. 2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. 3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật. Điều 51 - Nghị Định 158/2013/NĐ-CP. Vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo 3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định; b) Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép. |
Bạch Hiền