Phục hồi theo đà tăng chung của thị trường tiền điện tử thế giới, lúc 16h ngày 10/4, giá trị của tiền số Pi Network (Pi) giao dịch ở mức 0,59 USD; tăng 4,22% sau 24h qua. Ở mức giá này, vốn hóa thị trường của Pi đạt 4 tỷ USD, khối lượng giao dịch là 282 triệu USD.
Trên các hội nhóm của "Pi thủ" đang xôn xao trước sự xuất hiện của một ví Pi mới tạo nhưng nắm giữ tới 1 tỷ Pi. Ví này sau đó đã thực hiện nhiều giao dịch di chuyển Pi lên các sàn giao dịch.
Pi Network đang giao dịch ở mức giá 0,59 USD.
Động thái "lạ" của một số địa chỉ ví sở hữu hàng tỷ Pi khiến cộng đồng "Pi thủ" đặt ra nhiều câu hỏi về mục đích của các giao dịch này. Nhiều khả năng đây là địa chỉ ví của chính nhóm phát triển Pi Network (PCT).
Theo thống kê từ nền tảng dữ liệu PiScan, hiện đội ngũ phát triển Pi Network (PCT) đang sở hữu một lượng token không hề nhỏ. Cụ thể, nền tảng này thống kê có ít nhất 8 ví của PCT, trong đó ví nhiều nhất đang nắm 59 tỷ Pi, ví ít nhất là 1,9 triệu Pi.
"Ngoài ra, có khoảng 10.000 ví được cho là của đội ngũ phát triển Pi chưa được thống kê cụ thể do những ví này thực hiện rất ít giao dịch. Mỗi ví này có khoảng 2 triệu Pi", Pi Scan cho biết. Tính tổng cộng, nền tảng Pi Scan thống kê có khoảng 73,1 tỷ Pi đang nằm trong tay đội ngũ phát triển.
Hiện giá trị của Pi đang ở mức thấp so với kỳ vọng của cộng đồng "Pi thủ". Dù vậy, sau cú phục hồi mạnh gần 75%, từ mức giá 0,4 USD lên vùng 0,7 USD đã khiến các "Pi thủ" xôn xao. Một số nhà đầu tư vốn dĩ đã mất niềm tin vào loại tiền số này, nay lại nhen nhóm hy vọng Pi sẽ trở lại đỉnh cũ ở vùng giá 3 USD.
"Giá Pi càng giảm mình càng mừng. Mong nó giảm để mua thêm, tin tưởng giá trị 5, 10 năm nữa của Pi", một "Pi thủ" chia sẻ, đồng thời kỳ vọng Pi sẽ đạt mức giá cao hơn trong tương lai.
Cảnh báo rủi ro khi đầu tư tiền số Pi
Công an Thành phố Hà Nội đã phát đi cảnh báo về rủi ro khi đầu tư vào tiền số Pi Network. Theo đó, những ngày gần đây, trên các trang, hội nhóm mạng xã hội Facebook, Instagram, TikTok,… chia sẻ nhiều các bài viết, bình luận về đồng tiền ảo Pi Network. Đặc biệt sau khi Pi được niêm yết giao dịch trên một số sàn tiền ảo như: OKX, MEXC, GATE, BITGET, ONUS vào ngày 20/2/2025 gây ra tâm lý phấn khích của cộng đồng những người “đào” đồng tiền ảo Pi, kỳ vọng về việc mức giá sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, đồng thời gây sức hút đối với những người mới chưa biết đến đồng tiền ảo Pi.
Công an Thành phố Hà Nội khẳng định theo quy định của pháp luật tại Việt Nam, hiện nay tiền ảo nói chung và đồng tiền ảo Pi nói riêng chưa được coi là tài sản.
Những vụ việc, vấn đề phát sinh, tranh chấp liên quan đến các hoạt động giao dịch đồng tiền ảo, tiền số Pi rất rủi ro, khó được pháp luật bảo vệ, xử lý. Đồng thời theo quy định của Ngân hàng nhà nước, tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán.
Do đó, bất kỳ cá nhân, tổ chức nào sử dụng tiền ảo nói chung, đồng tiền ảo Pi nói riêng vào hoạt động thanh toán thì sẽ bị xử phạt theo khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, được sửa đổi tại điểm d khoản 15 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP (mức phạt từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng) hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 206 Bộ luật Hình sự về “Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.
Cơ quan chức năng nhấn mạnh tiền số Pi hiện nay chưa có tính ứng dụng thực tế, giá trị hiện nay là tự định giá và làm nhiều người bị hiểu lầm về giá trị thật của đồng tiền ảo này.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ lâu đã cảnh báo việc sở hữu, mua bán, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.