Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xử trí những tai nạn bất ngờ tại nhà có thể xảy đến với trẻ em

(DS&PL) -

Với bản tính hiếu động, trẻ có nguy cơ bị bỏng nước sôi hoặc bị điện giật nếu cha mẹ không chú ý. Trong những trường hợp này, cha mẹ cần làm gì?

Với bản tính hiếu động, trẻ có nguy cơ bị bỏng nước sôi hoặc bị điện giật nếu cha mẹ không chú ý. Trong những trường hợp này, cha mẹ cần làm gì?

Hỏi: Bác sĩ vui lòng cho em hỏi, khi trẻ chơi đùa không may gặp phải các tai nạn như bỏng, điện giật thì cần phải sơ cứu như thế nào cho đúng cách? Em cảm ơn bác sĩ!

(Minh Ngọc, quận Gò Vấp, TP.HCM)

Thạc sĩ Bác sĩ Đinh Thạc, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, trả lời:  

Trẻ nhỏ vui chơi trong nhà và ngoài trời đều có nguy cơ gặp phải những tai nạn thông thường nếu cha mẹ không chú ý.

Đối với tai nạn bỏng, những trường hợp này thường phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi. Độ tuổi này bé chưa ý thức được vấn đề nguy hiểm. Nhiều bé hiếu động, thậm chí tăng động luôn thích lăng xăng khám phá mọi thứ trong nhà.

Cha mẹ chế biến đồ ăn nóng không chú ý trẻ sẽ vô tình với phải chén, đĩa đựng thức ăn, đổ vô người gây bỏng. Thậm chí, trẻ có thể vơ lấy những ca nước sôi hoặc tô canh vừa nấu. Trẻ cũng có nguy cơ bị bỏng khi chạm tay vào bàn ủi khi cha mẹ vừa ủi xong quần áo.

Trẻ có thể gặp nguy hiểm trong quá trình khám phá các vật dụng gia đình - Ảnh minh họa: Internet

Do đó, để phòng tránh những tai nạn bỏng ở trẻ em, cha mẹ nên chú ý thời gian nấu nướng không để trẻ đến gần khu vực nhà bếp. Những vật dụng sinh nhiệt cha mẹ nên bảo quản cẩn thận, không cho trẻ chạm tay vào.

Trường hợp trẻ vô tình bị bỏng (bỏng nước sôi, bỏng bô xe máy, bỏng bàn ủi…), cha mẹ hãy giúp vết thương của trẻ thoát nhiệt bằng cách đắp khăn nhúng nước mát. Hoặc để vết thương dưới dòng nước chảy để mau chóng hạ nhiệt độ xuống thấp.

Tuyệt đối không đổ nước mắm, bôi kem đánh răng, đắp mật ong… lên vết thương bỏng của trẻ. Hành động sai lầm này không những không giúp bé sơ cứu vết thương mà còn gây ra tình trạng kích ứng, nhiễm trùng.

Sau khi sơ cứu bằng nước mát, nếu vùng da tổn thương nhiều, cha mẹ nên phủ miếng vải mỏng lên, tránh bụi bẩn bám vào và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị các bước tiếp theo.

Ngoài bỏng, điện giật cũng là tai nạn thường gặp ở trẻ em. Trẻ trong độ tuổi biết bò, biết đi lẫm chẫm có thể đến những khu vực có dây điện hoặc ổ cắm điện. Đối với các gia đình có con nhỏ, cha mẹ nên thận trọng khi sử dụng các thiết bị điện trong nhà, để xa tầm với trẻ em.

Để hạn chế trẻ cho tay vào ổ điện, nên sử dụng những phích cắm nhựa giả để con không đụng tay vào.

Cha mẹ nên bình tĩnh xử trí khi trẻ không may bị điện giật - Ảnh minh họa: Internet

Khi sự cố điện giật xảy ra, cha mẹ nên bình tĩnh sơ cứu trẻ bằng cách nhanh chóng cúp cầu dao điện. Nếu muốn đưa trẻ ra khỏi nơi nguy hiểm, cha mẹ phải sử dụng vật không dẫn điện, cây gỗ hoặc cây nhựa dài, đi dép hoặc đứng trên vật không dẫn điện để tách trẻ ra khỏi nơi bị điện giật.

Tiếp đến, cha mẹ động viên, theo dõi trẻ. Nếu trẻ đã trấn tĩnh trở lại, nên hỏi thăm và nhắc nhở con và đưa đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe.

Đối với trường hợp trẻ bị điện giật ngưng tim, ngưng thở, phải tiến hành những biện pháp hồi sinh trẻ như hô hấp nhân tạo, thổi hơi, xoa tim ngoài lồng ngực… và đưa đi cấp cứu ngay lập tức tại cơ sở y tế gần nhất.

Theo Phụ nữ sức khỏe

Tin nổi bật