Thông tin từ Công an tỉnh Điện Biên cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa xảy ra vụ án mạng trọng. Cụ thể vụ án mạng xảy ra vào khoảng 8h ngày 2/12, tại bản Hát Hẹ, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Nghi phạm bị bắt giữ. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ.
Nạn nhân tử vong được xác định là ông Đặng Văn L. (59 tuổi). Nghi phạm sát hại ông L. bước đầu được xác định là Đặng Thị Thanh T. (31 tuổi) - con gái ruột của ông L.
Theo các nhân chứng, thời điểm xảy ra án mạng, ông L. và con gái đã xảy ra cãi vã lớn. Trong lúc cãi vã, T. đã dùng hung khí chém vào đầu bố đẻ khiến ông L. tử vong.
Thông tin từ người dân tại xã Núa Ngam cũng cho biết, hung thủ là một phụ nữ có biểu hiện bị bệnh thần kinh từ nhiều năm nay.
"Cô ấy thường đi lang thang ở ngoài đường và có biểu hiện hiện của người mắc chứng bệnh tâm thần", một người dân cho hay.
Thực tế, nhiều vụ án mạng đau lòng xảy ra mà hung thủ là người mặc bệnh tâm thần. Câu hỏi đặt ra, người bị tâm thần giết người có phải chịu trách nhiệm?
Giải đáp vấn đề này, Luật sư Đỗ Ngọc Anh – Giám đốc Công ty Luật Đỗ Gia Việt (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện...
Như vậy, trách nhiệm hình sự chỉ được đặt ra với người có năng lực trách nhiệm hình sự.
Luật sư Đỗ Ngọc Anh – Giám đốc Công ty Luật Đỗ Gia Việt.
Tại Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự như sau:
“Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Chiếu theo quy định trên, Luật sư Ngọc Anh cho hay: Như vậy, có 3 trường hợp có thể xảy ra khi một người mắc bệnh tâm thần thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội:
Thứ nhất, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần làm mất hoàn toàn khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi gây thiệt hại cho xã hội mà họ đã thực hiện.
Thứ hai, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần làm hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi thì vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Và cuối cùng, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội khi đang mắc bệnh tâm thần nhưng vẫn có khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi thì người bị tâm thần vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi gây thiệt hại cho xã hội mà họ đã thực hiện.
Cùng trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thị Kim Ngân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Để xác định chính xác người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có mắc bệnh tâm thần hay không, có mất khả năng nhận thức và điều khiến hành vi hay không, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 yêu cầu đây là một trong những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định.
“Bản kết luận giám định là căn cứ để các cơ quan tố tụng xem xét trách nhiệm hình sự của người có hành vi gây thiệt hại cho xã hội”, Luật sư Ngân nói.
Quan điểm của nữ Luật sư đồng tình với ý kiến của đồng nghiệp khi cho rằng: Với hành vi giết bố dã man, nếu thời điểm phạm tội, đối tượng không bị mất năng lực trách nhiệm hình sự có thể phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.