Nguồn gốc của tục xông đất đầu năm
Phong tục xông đất đầu năm xuất phát từ mong muốn của mọi người về một năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc, không gặp những điều xui xẻo. Theo quan niệm của người Việt, mùng 1 là ngày đầu tiên của một năm, nếu mọi việc đều suôn sẻ thì cả năm cũng sẽ may mắn, thuận lợi. Do đó, người đầu tiên đến thăm gia đình vô cùng quan trọng, được coi là người đại diện mang tới cho chủ nhà một năm nhiều vận may và an lành.
Chủ nhà thường tìm người có tuổi hợp với chủ nhà hoặc tuổi tốt của năm đó và mời đến xông nhà. Tuy nhiên, cũng có gia đình, người thân trong nhà tự xông đất lấy để tránh nghĩ ngợi về những phiền phức, rủi ro khi có người khác đến xông nhà.
Trong trường hợp này, gia đình chọn một người dễ vía ra đi từ lúc chưa hết giờ trừ tịch và dự lễ tại đình chùa, sau đó xin hương hái lộc. Lúc trở về đã bước sang năm mới, người này tự xông đất, mang điều tốt lành quanh năm về cho gia đình theo quan niệm của ông bà xưa.
Thời điểm xông đất tính từ thời khắc Giao thừa cho đến sáng ngày mùng 1 Tết Nguyên đán. Người xông đất thường chỉ đến nhà trong khoảng 5 - 10 phút để cầu chúc gia chủ gặp nhiều may mắn, bình an.
Theo tục lệ, người xông đất cần chuẩn bị trang phục tươm tất, gọn gàng. Khách đến nhà cũng nên mang theo một chút quà Tết để biếu chủ nhà như mứt Tết hay bánh chưng. Xông đất xong còn mừng tuổi, chủ yếu là cho trẻ con trong nhà.
Sau đó, chủ nhà hoan hỉ chuc tụng lại người xông nhà, thiết đãi một vài món ăn, thức uống. Việc ăn uống thực chất chỉ mang tính tượng trưng cho có lệ, như ăn vài miếng bánh, miếng mứt, uống một ly rượu hay chén trà.
Phong tục xông đất đầu năm xuất phát từ mong muốn của mọi người về một năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc, không gặp những điều xui xẻo. Ảnh minh họa
Mọi người sẽ cùng nhau tận hưởng không khí đầu xuân năm mới đầm ấm và tràn trề hy vọng. Gia đình nào đã có người đến xông đất thì việc tiếp khách trong ngày mùng 1 Tết không ảnh hưởng đến chủ nhà, kể cả người đến vía tốt hay xấu.
Ý nghĩa của tục xông đất đầu năm
Theo quan niệm của người xưa, việc xông đất ảnh hưởng rất lớn đến vận mệnh, tài lộc của chủ nhà trong năm đó. Nếu tìm được người xông đất tốt, hợp tuổi thì làm ăn nên làm ra, mọi chuyện tốt lành. Trái lại, nếu gặp người xông đất không hợp với chủ nhà thì cả năm đó sẽ khó khăn, không may mắn.
Với người đi xông đất, họ sẽ có được niềm vui vì đã làm việc phước. Tục xuông đất đầu năm là nét văn hóa đặc trưng của người Việt, ở một khía cạnh nào đó mang ý nghĩa gắn chặt tình cảm và mang đến cho nhau những lời chúc may mắn tốt lành nhất trong ngày đầu năm mới.
Bên cạnh đó, phong tục này cũng cũng thể hiện khát vọng thịnh vượng, an khang, hạnh phúc của mỗi gia đình khi Tết đến xuân về. Theo thời gian, những phong tục tập quán xa xưa, trong đó có tục xông đất đầu năm, dẫn trở nên mờ nhạt giữa nhiều sự thay đổi trong cuộc sống hiện đại.
Hiện tại, tục xông đất đầu năm không còn đặt nặng về sự may mắn, hậu vận, cũng không còn nhiều quy tắc như trước nên cả người xông đất và nhà được xông đất đều thoải mái, nhẹ nhàng.
Mọi người chỉ coi đây là một niềm vui nho nhỏ mỗi dịp Tết đến xuân về. Tuy nhiên, có một điều không thay đổi, chính là chúng ta vẫn đi xông đất nhà bà con bạn bè với niềm vui và cầu một năm bình an may mắn đến với chủ nhà.
Một số lưu ý khi chọn người xông đất
Khi chọn người xông đất đầu năm, bạn nên ưu tiên những người có nhân cách tốt, tính tình hài hòa, có công việc tốt, ngoại hình sáng, gia đình hạnh phúc để đảm bảo sẽ mang "vía" tốt lành, sự may mắn và thịnh vượng đến cho gia đình bạn.
- Người xông đất cần hợp tuổi, hợp mệnh với chủ nhà, gia đình không có tang tóc, luôn vui vẻ, xởi lởi, khỏe mạnh, làm ăn phát đạt.
- Nên lựa chọn nam giới để xông đất, đặc biệt là những người có sức khỏe tốt, mặt mũi sáng sủa, có chí làm ăn, hòa đồng, vui vẻ.
- Chọn người có cuộc sống hôn nhân viên mãn, công danh phát đạt, tài lộc đủ đầy, có địa vị và danh vọng trong xã hội thì càng tốt.
- Chọn người có tên hay, tên đẹp và mang ý nghĩa tốt lành đến xông đất như Phúc, Thọ, An, Khang, Cát Tường, Lộc, Phát...
- Tránh chọn những người hợp tuổi nhưng nhà đang có tang, kinh doanh thua lỗ hoặc có chuyện đau buồn như chia ly, đổ vỡ đến xông đất.
- Không nhờ những người có đạo đức không tốt, có tiền án, công danh chậm tiến hoặc vướng vào chuyện kiện cáo, tranh chấp đến xông nhà.
Một số lưu ý khi đi xông đất đầu năm
- Người đến xông đất đầu năm không nên mặc đồ trắng hoặc đồ đen.
- Nam giới xông đất được cho là tốt hơn vì có nhiều dương khí hơn, năm mới cần có dương khí vào nhà. Nếu cả hai vợ chồng cùng đến xông nhà thì chồng nên bước vào trước.
- Những người đang có tang, có việc buồn, không được khỏe mạnh, có tuổi xung khắc với chủ nhà nên tránh đến nhà người khác vào ngày đầu năm mới.
- Kiêng thuê người xông đất
- Khi đến xông đất, chỉ nên nói tới những câu chuyện vui vẻ, tránh kể lể chuyện cũ, chuyện buồn.
- Phụ nữ có thai nên kiêng không đi xông đất trong năm mới.
* Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo
Đinh Kim (T/h)