Nghị định nêu rõ hợp đồng vận tải bằng văn bản phải được đàm phán và ký kết trước khi thực hiện vận chuyển giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng với người thuê vận tải, bao gồm cả thuê người lái xe.
Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) hoặc ô tô có thiết kế, cải tạo với số chỗ ít hơn 8 chỗ từ xe lớn hơn 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) phải có hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải thuê cả chuyến xe, bao gồm cả người lái xe.
Xe hợp đồng không được gom, đón khách lẻ từ 1/1/2025. Ảnh minh hoạ
Đặc biệt, nghị định cũng quy định, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe ngoài hợp đồng đã ký kết; không được bán vé; không được thu tiền ngoài hợp đồng đã ký kết; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau.
Lái xe chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận tải đã ký kết; không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp; không được đón, trả khách tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh, trên các tuyến đường phố.
Ngoài hoạt động cấp cứu người, phục vụ các nhiệm vụ khẩn cấp như thiên tai, địch họa theo yêu cầu của lực lượng chức năng, ô tô vận chuyển hành khách theo hợp đồng không được đón, trả khách ngoài các địa điểm ghi trong hợp đồng.
Nghị định cũng nêu rõ, khi vận chuyển hành khách, ngoài các giấy tờ phải mang theo theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, lái xe còn phải thực hiện các quy định sau:
Mang theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giấy của đơn vị kinh doanh vận tải đã ký kết (trừ trường hợp sử dụng hợp đồng điện tử).
Mang theo danh sách hành khách có dấu xác nhận của đơn vị kinh doanh vận tải (trừ trường hợp sử dụng hợp đồng điện tử).
Trường hợp sử dụng hợp đồng điện tử, lái xe phải có thiết bị để truy cập được nội dung của hợp đồng điện tử và danh sách hành khách kèm theo do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp.
Lái xe không phải áp dụng quy định trên trong trường hợp thực hiện hợp đồng vận tải phục vụ đám tang, đám cưới.
Đáng lưu ý, nghị định quy định đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng lưu trữ hợp đồng vận chuyển kèm theo danh sách hành khách tối thiểu 3 năm.
Theo các chuyên gia, bản chất của xe hợp đồng dưới 8 chỗ là phục vụ khách mà điểm đi và điểm đến là 2 đầu khác nhau, không trùng lặp trong cùng một địa phương, không tính tiền bằng bản đồ, lộ trình có thời gian tối đa, tối thiểu.
Do đó, việc cho phép xe hợp đồng dưới 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) được gom khách lẻ liệu có là kẽ hở để “xe hợp đồng trá hình” có thể lợi dụng quy định này để lách luật, đón trả khách trên các tuyến phố, gây náo loạn giao thông đô thị và chèn ép xe khách tuyến cố định về tính linh hoạt, chủ động trong đón, đưa khách ở điểm đến, điểm đi.
Luật sư Phạm Hồng Kiên, Giám đốc Công ty luật Cán Cân Việt, đoàn luật sư TP.Hà Nội
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Phạm Hồng Kiên (Giám đốc Công ty luật Cán Cân Việt, đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, Luật Đường bộ 2024 cũng quy định rõ hơn về khái niệm của các loại hình kinh doanh vận tải khác.
Trong đó quy định kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) để vận tải hành khách, có xác định bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến với lịch trình, hành trình xác định.
Kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) để vận tải hành khách, có xác định điểm đầu, điểm cuối, các điểm dừng xe để đón, trả khách với lịch trình, hành trình xác định; bao gồm tuyến xe buýt nội tỉnh, tuyến xe buýt liên tỉnh.
Cụ thể, tuyến xe buýt nội tỉnh là tuyến xe buýt có phạm vi hoạt động trên địa bàn của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tuyến xe buýt liên tỉnh là tuyến xe buýt có phạm vi hoạt động trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người dưới 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) để thực hiện vận tải theo yêu cầu của hành khách.
Tiền cước chuyến đi do hành khách lựa chọn theo một trong các phương thức như: Tiền cước được tính thông qua đồng hồ tính tiền; Tiền cước được tính qua phần mềm tính tiền có kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử; Tiền cước theo thoả thuận với đơn vị kinh doanh vận tải.