(ĐS&PL) Rác thải nhựa đang là hiểm họa môi trường toàn cầu; vấn nạn “ô nhiễm trắng”này tại nhiều địa danh nổi tiếng đã tăng cao đến mức báo động. Theo thống kê, Việt Nam hiện đứng thứ 4 thế giới về khối lượng rác thải nhựa phát thải hàng năm.
Cùng với các quốc gia, Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm rác thải nhựa với mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm 65% lượng túi nilon phân hủy dùng tại các siêu thị và các trung tâm thương mại. Thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy và tìm kiếm những giải pháp tái sử dụng chất thải nhựa là những việc làm cần thiết.
Thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ về “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông”, cùng phong trào“Chống rác thải nhựa” với sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, hiệp hội ngành nghề và người tiêu dùng; nhiều doanh nghiệp đã vận dụng giải pháp công nghệ để tái sử dụng nguồn chất thải gây độc hại. Trong những giải pháp có nhiều triển vọng, công ty Dow* và DEEP C** đã hợp tác thử nghiệm thành công xây dựng đoạn đường giao thông bằng rác thải nhựa đầu tiên ở Việt Nam. Thành công đạt được mở ra hướng mới trong xử lý rác thải độc hại để phát triển bền vừng đất nước.
Thực trạng rác thải nhựa toàn cầu và ở Việt Nam
Sự ra đời của nhựa và nilon đã mang lại nhiều tiện ích, nhưng cũng chính là tác nhân gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe con người. Ngày nay, sản phẩm nhựa và túi nilon là những vật dụng phổ biến đã trở nên quen thuộc trong đời sống, sinh hoạt của con người. Cứ mỗi phút, trên thế giới có khoảng 1 triệu chai nhựa được bán ra và mỗi năm chừng 5.000 tỷ túi nilon được tiêu thụ. Ở Việt Nam, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng. Riêng Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày, trong lượng rác thải ra môi trường có khoảng 80 tấn nhựa và nilon. Điều đáng quan ngại là để phân huỷ được hêt những chất này phải mất hàng trăm, thậm chí đến hàng nghìn năm. Hậu quả này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đe dọa các hệ sinh thái và sự phát triển bền vững quốc gia.
Chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam chiếm khoảng 8%-12% lượng chất thải rắn sinh hoạt (khoảng 2,5 triệu tấn/năm), nhưng chưa được tái sử dụng mà thải bỏ ra môi trường với khối tăng dần theo từng năm. Đây là một "gánh nặng" cho môi trường, thậm chí dẫn đến những thảm họa mà các chuyên gia thường gọi là "ô nhiễm trắng" (Bộ Tài nguyên và Môi trường 2019).
Bộ Tài nguyên và Môi trường (2019) Chung tay hành động chống rác thải nhựa vì một Việt Nam xanh
http://www.monre.gov.vn/Pages/chung-tay-hanh-dong-chong-rac-thai-nhua-vi-mot-viet-nam-xanh aspx 07/06/2019
Rác thải nhựa không được xử lý thải ra biển “bức tử” sinh mạng sống của nhiều loài sinh vật
Phần lớn chất thải nhựa và túi nilon khó phân hủy đang được chôn, lấp, đốt hoặc nằm chờ trên những bãi rác. Một phần được thả trôi ra các đại dương, giết chết hàng nghìn loài cá và sinh vật biển. Những cái chết rất thương tâm của hàng loạt sinh vật biển khi nuốt phải chai, lọ, vật dụng bằng nhựa hoặc những túi nilon đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều loài động vật hiện có.
Hàng năm, nhân loại phải đối mặt với từ 4,8triệu đến 12,7 triệu tấn chất thải nhựa đổ vào các đại dương. Theo các kết quả nghiên cứu, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về lượng rác thải nhựa với 0,28 - 0,73 triệu tấn đổ ra biển hàng năm. Tại diễn đàn Davos (Thụy Sĩ), báo cáo toàn cầu, ước tính lượng rác thải nhựa thải xuống biển đến năm 2050 sẽ lớn hơn lượng cá tính theo trọng lượng, là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các hệ sinh thái và môi trường đại dương (MONRE 2019).
Rác thải nhựa đang hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Nếu không có giải pháp hữu hiệu, khắc phục kịp thời thì những tác động tiêu cực sẽ rất nghiêm trọng. Những chất thải nhựa, túi nilon còn lại “nằm chờ” ở những bãi rác, gây ô nhiễm môi trường. Các hoạt động chôn lấp, đốt không thể giúp phân hủy chúng mà còn gây ra các khí thải độc ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Việc chôn lấp, gây ô nhiễm nguồn nước, làm chết các loài vi sinh vật có lợi dưới lòng đất, tác động bất lợi đến hoạt động nuôi trồng ở nhiều vùng sẽ góp phần vào hủy diệt nhanh môi trường sống và môi trường tự nhiên.
Giải pháp tái chế rác thải nhựa thành nguồn tài nguyên có giá trị, bước khởi đầu hứa hẹn của các doanh nghiệp Việt Nam.
Là quốc gia đang phát triển, Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và đặc biệt là ô nhiễm do rác thải nhựa. Với lượng chất thải ngày một gia tăng, nếu không có các giải pháp khắc phục kịp thời thì tác động tiêu cực từ rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng.
Nhận thức rõ vấn đề này, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chính sách, chiến lược để kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa trong sinh hoạt, quản lý chất thải rắn; đồng thời với thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, trong đó chú trọng giảm thiểu, tăng cường tái chế và tận dụng tối đa giá trị của rác thải nhựa cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Đến nay, phong trào “Chống rác thải nhựa” được cộng đồng quan tâm, hưởng ứng, tạo sự đồng thuận cao. Đặc biệt, các Bộ, ngành và địa phương, toàn xã hội đã cùng chung tay tham gia, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về biện pháp giảm thiểu sử dụng túi nilon và ô nhiễm từ chất thải nhựa
Trong thông cáo báo chí phát đi từ Hải Phòng ngày 01 tháng 10 năm 2019, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam, công ty Dow* và Deep C** trong cụm công nghiệp Hải phòng cho biết, họ đã hoàn tất việc xây dựng đoạn đường giao thông được gia cố bởi nhựa tái chế đầu tiên tại khu công nghiệp DEEP C, Hải Phòng,
Đoạn đường dài 200m hoàn tất đầu tiên này được khánh thành dưới sự chứng kiến của Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, Paul Jansen, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng và đại diện của các sở, ban ngành liên quan.Đây là kết quả hợp tác giữa Dow và DEEP C nhằm mang lại những giải pháp đổi mới, sáng tạo nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam.
Phát biểu nhân sự kiện này, Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc Khu công nghiệp DEEP C, cho biết “Việc triển khai đoạn đường đầu tiên từ rác thải nhựa này là dấu mốc quan trọng trong tiến trình trở thành khu công nghiệp sinh thái hàng đầu tại Việt Nam của DEEP C. Con đường mới, bền và an toàn hơn này không chỉ đem lại lợi ích cho DEEP C và các doanh nghiệp tại khu công nghiệp Hải Phòng mà còn phát đi thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ môi trường khi mà quản lý rác thải nhựa trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.”
Cắt băng khánh thành con đường từ rác thải nhựa đầu tiên tại Việt Nam.
Thay mặt Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững (VBCSD) Việt Nam, Phó Chủ tịch Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh “Dự án này là một ví dụ tiêu biểu cho sự đồng hành giữa doanh nghiệp và Chính phủ trong chiến lược phát triển bền vững và cũng là sự hưởng ứng kịp thời lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về chống rác thải nhựa.”
Trước ngày trải nhựa toàn đoạn đường, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã thực hiện những thí nghiệm trên đoạn đường thử nghiệm với kết quả đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật và an toàn của Việt Nam. Theo chương trình dự kiến, giai đoạn tiếp theo của dự án sẽ được hoàn thành trong tháng 11 năm 2019. Khi hoàn thành, đoạn đường có tổng chiều dài 1.4 km sẽ chuyển hóa số lượng nhựa thải tương đương với hơn 1.7 triệu bao bì nhựa dẻo. Nguồn thải nhựa tái chế chủ yếu là bao bì nhựa dẻo như màng polyethylen, do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị (URENCO) Hải Phòng cung cấp. Rác thải nhựa sẽ được làm sạch, phơi khô và nghiền nhỏ trước khi trộn với nhựa đường asphalt ở nhiệt độ từ 1500C đến 1800C. Ở nhiệt độ này, nhựa bị nóng chảy hoàn toàn để hòa với nhựa đường, giúp nâng cao độ bền cho con đường.
Trải nhựa đường từ rác thải nhựa ngày 27.9.2019
Thành công bước đầu của công trình thử nghiêm đã mở ra triển vọng tốt đẹp trong việc xử chất thải nhựa độc hại. Hy vọng sau kết thúc dự án này, các nhà khoa học sẽ cùng cộng đồng doanh nghiệp tổng kết, hoàn thiện công nghệ để mở rộng diện áp dụng, xây dựng nhiều con đường sử dụng rác thải nhựa tái chế hơn nữa trên địa bàn cả nước.
TS. Lê Thành Ý