Chuyến du lịch Singapore vừa rồi có lẽ đáng quên với Kim Ngân khi một lúc cô chứng kiến vài câu chuyện khá xấu hổ về ý thức đi máy bay của người Việt. Và ám ảnh nhất với Ngân là câu nói của vị khách Tây ngồi cạnh. Dù ngắn thôi nhưng gợi trong cô nhiều suy nghĩ.
Trong chuyến bay này, có hai vị khách đồng hành làm Ngân chú ý. Một người phụ nữ đi cùng bé gái 2 tuổi và một bác gái lớn tuổi.
Từ lúc máy bay bắt đầu cất cánh, đứa bé - con của chị người Việt liên tục la khóc, giãy giụa và quấy phá, người mẹ đành để bé nằm thẳng. Thấy vậy, nữ tiếp viên hàng không lịch sự đến gần và hơn 3 lần đề nghị chị đặt bé ngồi lên và thắt dây an toàn. Tuy nhiên, đáp lại yêu cầu đó, chị ta chỉ ậm ừ nhưng không thực hiện.
“Tôi nhìn thấy cái lắc đầu ngao ngán của chị tiếp viên chỉ vì bất lực không biết làm sao trước tình huống này”, Ngân chia sẻ.
Nhiều hành khách vẫn sử dụng điện thoại trên máy bay. |
Hành xử của người mẹ kia trở nên “xấu xí” hơn nữa khi máy bay hạ cánh, chị để con mình trèo lên người và trong lúc mọi người gấp bàn ăn thì chị lại mở cho bé chơi.
Thậm chí, lúc máy bay chuẩn bị chao nghiêng, chuẩn bị đáp, chị vẫn chưa đặt con vào vị trí và thắt dây an toàn cho bé.
Lo lắng, Ngân mở miệng nhắc bằng tiếng Việt nhiều lần "Máy bay sắp đáp xuống rồi chị ơi. Chị cho bé ngồi lên ghế và cài dây an toàn kẻo bé bị té".
Thế nhưng chị này vẫn thờ ơ với lời Ngân nói rồi tiếp tục chơi với con, ngay cả khi bé vùng chạy ra khỏi lối đi, chị cũng không can ngăn.
Một điều bất ngờ đáng xấu hổ mà Ngân nhận được là câu nói nhẹ nhàng nhưng thâm thúy của anh chàng người nước ngoài ngồi kế bên. Anh nhìn Ngân rồi bảo: “It’s ok. It’s Vietnamese”.
Ngân bộc bạch, lúc đó cô vô cùng ngại ngùng và “chỉ muốn có cái mo cau để che mặt lại”. Cô không ngờ ấn tượng về người Việt Nam của người khách Tây này lại định kiến đến như vậy. Cô thất vọng vì không biết giải thích với vị khách Tây ra sao.
Một sự việc nữa khiến Ngân bức xúc là sự “hồn nhiên” của một bác ngồi gần cô khi bác không hề tắt điện thoại trong suốt cả chuyến bay. Cô nhẹ nhàng nhắc thì bác cự cãi: “Bác để trong túi chứ có mở ra đâu”.
Ngẩn người vì sự phản hồi ngô nghê đó, cô suy tư về tình huống có thể gặp phải nếu lúc máy bay nhiễu sóng, bị va chạm hay sự cố gì đó, không biết sẽ ra sao. “Chẳng nhẽ, thảm họa nào cũng đổ lỗi cho ngành hàng không, thật không công bằng”, Ngân chia sẻ.
Văn hóa đi máy bay đã được nhắc rất nhiều với hành khách, tuy nhiên thực hiện hay không lại là vấn đề khác. Theo Ngân, người Việt với nhau nhìn thấy thì có thể nhắc nhở và bỏ qua, còn với người nước ngoài, họ sẽ nghĩ gì, hay chỉ chép miệng lắc đầu rồi đánh đồng tất cả người Việt đều như thế?
Câu chuyện của Ngân nhận được nhiều lượt chia sẻ, nhiều người cũng tham gia bình luận và kể những tình huống mà họ gặp phải.
Trên một chuyến bay vào Sài Gòn gần đây, Hồng My kể, cô gặp một đám trẻ con khóc ầm ĩ: “Đành rằng trẻ con thì khó kiểm soát nhưng vấn đề là bố mẹ và ông bà không nhắc con hay cháu mình lấy một câu. Đến khi nhiều người ý kiến thì họ lại dỗ dành bằng kiểu nói to, nói át tiếng con cả mấy chục phút. Hành khách cảm giác như bị bạo hành tinh thần.
Một tình huống “cười ra nước mắt” nữa là của chị Mỹ Uyên, câu chuyện xảy ra trong một chuyến du lịch tại Phú Quốc.
Lúc ở sân bay Tân Sơn Nhất, Uyên gặp một cô gái rất xinh, dáng đẹp, da trắng, ăn mặc rất sành điệu.
Khi máy bay đi qua biển, cô gái này vô tư mở điện thoại rồi nói rất to: “Alo, em đang bay. Đang bay qua biển anh nhé”.
Ngay lập tức, tất cả hành khách trên máy bay quay lại nhìn cô như người ngoài hành tinh, nhiều người bấm bụng cười. Cũng có người chọc quê: “Hú hồn may mà máy bay hạ cánh an toàn chứ như em nói, máy bay đi qua biển mà rớt là toi cả đám đó nha”.
Vận tải hàng không vẫn được coi là một phương tiện xa xỉ, nhiều người mới chỉ đi lần đầu nên có thể còn bỡ ngỡ. Nhưng nếu đã vậy, Ngân chỉ mong họ chịu nghe hướng dẫn của tiếp viên trước khi bay và thực hiện đầy đủ là hành khách VN cũng bớt tạo định kiến xấu cho du khách nước ngoài.