Đóng

Xâm hại tình dục trẻ em: Cảnh tỉnh về trách nhiệm bảo vệ trẻ từ gia đình, xã hội

  • Việt Hương (T/h)
(DS&PL) -

Xâm hại tình dục trẻ em không chỉ để lại nỗi ám ảnh tột cùng cho các nạn nhân nhỏ tuổi, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh về trách nhiệm của gia đình, xã hội.

Xâm hại tình dục trẻ em không chỉ là tội ác tàn nhẫn tước đoạt sự trong sáng và an toàn của những sinh linh yếu ớt, mà còn là vết thương nhức nhối in hằn trong tâm lý, thể chất và tương lai của trẻ.

Vụ việc bé gái 3 tháng tuổi bị xâm hại tình dục mới đây khiến dư luận bàng hoàng. Vụ việc là hồi chuông cảnh tỉnh về trách nhiệm bảo vệ trẻ em từ gia đình và xã hội.

Cần tạo môi trường sống an toàn cho trẻ

Ông Đặng Hoa Nam, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết trên VOV2, đây là vụ việc “hết sức nghiêm trọng”.

Ông Nam cho rằng, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, nhìn thẳng vào những khoảng trống, những hạn chế trong công tác bảo vệ trẻ em để rút ra bài học sâu sắc và hành động khẩn trương, quyết liệt hơn.

“Trẻ em có năng lực tự bảo vệ rất hạn chế, vì vậy rất cần được chăm sóc, che chở và tạo một môi trường sống an toàn từ cha mẹ, gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương đến các tổ chức xã hội”, ông Nam nói.

Ông cũng chỉ rõ, trẻ càng nhỏ tuổi thì sự non nớt về thể chất và trí tuệ càng đòi hỏi sự chăm sóc, bảo vệ kịp thời, kỹ lưỡng và chu đáo hơn nữa.

Theo ông Nam, không có bất kỳ ngoại lệ nào về nguy cơ xâm hại, dù là bé gái hay bé trai, dù ở thành thị hay nông thôn, ngay cả trong gia đình, trường học hay các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Những đối tượng thường xuyên gần gũi với trẻ chính là những người cần được chú ý và kiểm soát chặt chẽ hơn cả.

Đừng nghĩ rằng con còn nhỏ là an toàn. Bởi đôi khi, chỉ một chút chủ quan cũng có thể dẫn đến hậu quả không thể bù đắp. (Ảnh minh họa)

Xử lý nghiêm minh hành vi xâm hại tình dục trẻ em

Luật sư Đinh Đức Duy (Văn phòng Luật sư Kết Nối, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) thông tin trên Tiền phong, khoản 5 Điều 4 Luật Bảo vệ trẻ em 2016 quy định cụ thể về hành vi xâm hại trẻ em như sau: “Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác”.

Đây là hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 3 Điều 6 Luật này.

Đối với nạn nhân là người dưới 10 tuổi, hành vi giao cấu được xác định là đã thực hiện không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập.

Theo luật sư Duy, hành vi trên có thể cấu thành tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Trong vụ việc trên, nạn nhân là cháu bé 3 tháng tuổi, nên theo quy định đối tượng xâm hại có thể bị xử lý từ 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Cần xây dựng môi trường an toàn, nơi mà mọi hành vi xâm hại đều bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh, để không một đứa trẻ nào phải lớn lên trong sợ hãi và tổn thương. (Ảnh minh họa)

Bảo vệ và trang bị kỹ năng tự báo vệ cho trẻ

Từ vụ việc đau lòng của bé gái 3 tháng tuổi bị người thân xâm hại, một lần nữa cho thấy trẻ em - những mầm non tương lai của đất nước cần được sống trong một môi trường an toàn, yêu thương và được bảo vệ một cách toàn diện.

Chính vì vậy, việc phòng ngừa và bảo vệ trẻ em bị xâm hại đòi hỏi những giải pháp đồng bộ, lâu dài, cùng sự chung tay của cộng đồng.

Đối với gia đình, đặc biệt cha mẹ cần luôn quan tâm, lắng nghe và trò chuyện với trẻ để nhận biết sớm những thay đổi về tâm sinh lý. Đồng thời cần trang bị cho trẻ kỹ năng tự bảo vệ và kiến thức cơ bản để nhận diện nguy cơ xâm hại.

Đối với cộng đồng và xã hội cần nâng cao nhận thức về vấn đề xâm hại trẻ em, đẩy mạnh tuyên truyền, phát hiện sớm và kịp thời lên tiếng khi thấy dấu hiệu bất thường.

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường, đặc biệt là chảy máu vùng kín, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất hoặc Bệnh viện Nhi Trung ương để được can thiệp và hỗ trợ kịp thời.

Tin nổi bật