Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xác minh 10 cán bộ xã chủ chốt, lộ... 9 người dùng bằng giả (!)

(DS&PL) -

Mấy ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin 3 lãnh đạo xã Pờ Tó, 3 lãnh đạo xã Chư Răng, 3 lãnh đạo xã Kim Tân ở huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai bị cho là dùng bằng THPT giả

Mấy ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin 3 lãnh đạo xã Pờ Tó, 3 lãnh đạo xã Chư Răng, 3 lãnh đạo xã Kim Tân ở huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai bị cho là dùng bằng THPT giả để thăng tiến. Nhiều ý kiến cho rằng, cần xử lý mạnh tay với những cán bộ dùng bằng giả để qua mặt tổ chức, thậm chí để “chui sâu, leo cao”…

Vấn đề học giả, bằng thật đang gây nhức nhối trong xã hội hiện nay (Ảnh minh họa)

Rà soát bằng cấp, chấn chỉnh hoạt động giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ

Trao đổi với báo chí, ông Lê Duy Định, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cho biết, Sở không cấp Bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông cho 9 cán bộ là công chức các xã tại huyện Ia Pa như bằng cấp các cán bộ này hiện có trong hồ sơ lưu trữ tại cơ quan. Qua rà soát, Huyện ủy Ia Pa phát hiện, nghi ngờ 9 cán bộ lãnh đạo cấp xã là Chủ tịch xã, Phó Bí thư Đảng ủy xã, Chỉ huy trưởng ban Chỉ huy quân sự xã dùng bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông giả.

Trước đó, ban Tổ chức Huyện ủy Ia Pa có văn bản số 49 gửi sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đề nghị các phòng chuyên môn của Sở rà soát, kiểm tra, xác minh bằng cấp của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện, xã. Hoạt động nhằm phục vụ cho công tác nhân sự bầu cử đại biểu HĐND các cấp; đồng thời tránh trường hợp cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hồ sơ, bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông giả.

Đơn cử như trường hợp ông T.Đ.V (SN 1980), hiện giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Pờ Tó (Ia Pa) nộp bằng Tốt nghiệp THPT hệ bổ túc cấp ngày 18/10/2005. Trong văn bằng của ông V. ghi: Học sinh trường THPT Phan Bội Châu đã tốt nghiệp bổ túc THPT ngày thi 6/6/2005. Qua kiểm tra, phát hiện bằng tốt nghiệp THPT của ông V. không có trong hồ sơ cũng như tàng thư lưu trữ của Sở. Có thể kết luận, bằng cấp này là giả.

Cụ thể 9 trường hợp trên gồm: Xã Pờ Tó có 3 người (Chủ tịch UBND xã, Phó Chủ tịch HĐND xã, Chỉ huy trưởng ban Chỉ huy quân sự); xã Chư Răng có 3 người (Phó Bí thư xã, Chỉ huy trưởng ban Chỉ huy quân sự, Chủ tịch hội Nông dân xã); xã Kim Tân có 3 người (Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Phó Chủ tịch HĐND xã, Phó Bí thư đoàn).

Ngay sau khi nắm được sự việc, đại diện Huyện ủy Ia Pa cho biết: "Tinh thần của Thường trực Huyện ủy là không bao che, dung túng cho tiêu cực, nhất là việc gian lận bằng cấp".

Theo đó, ban Tổ chức Huyện ủy Ia Pa đã đề nghị sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai xác minh 10 hồ sơ của cán bộ xã. Qua kiểm tra, phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đã phát hiện 9 trường hợp có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông giả, không hợp pháp.

Chín cán bộ này không được Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cấp bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông; tuy nhiên, trong bằng cấp giả của họ lại có tên của Giám đốc Sở, Phó Giám đốc Sở ký, cấp.

Theo đại diện Huyện ủy Ia Pa, việc rà soát bằng cấp lãnh đạo cấp xã là việc làm chủ động phát hiện của Thường trực Huyện ủy nhằm chấn chỉnh hoạt động giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ tại địa phương.

Muốn dẹp nạn bằng giả, phải xử lý nghiêm

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV ĐS&PL, ông Lê Như Tiến, nguyên phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, cần xử lý nghiêm cán bộ dùng bằng giả để tiến thân.
Ông Lê Như Tiến nhận định, hiện tượng cán bộ công chức dùng bằng giả để tiến thân xảy ra tương đối nhiều trong thời gian qua, khi tổ chức đưa ra tiêu chuẩn ở vị trí này, ở vị trí khác phải có bằng cấp, thế này, thế kia. Đó là thực trạng xã hội phải lên án, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải phanh phui xử lý.

Thời gian qua, nhất là khi có các văn bản chỉ đạo của Trung ương như: Quy định số 47 về các điều cấm đảng viên không được làm, quy định số 102/QĐ- TW ngày 15/11/2017 của ban chấp hành Trung ương, nhiều trường hợp sử dụng bằng giả hoặc bằng không được công nhận đã được xử lý nghiêm khắc không ngoại trừ bất kỳ đối tượng nào khi bị phát hiện.

“Tôi cho rằng trước tình hình báo chí và dư luận của nhân dân quan tâm lên tiếng về bằng cấp của 9 cán bộ ở huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai thì trước hết các cơ quan chức năng của Gia Lai phải vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm khắc và trả lời công khai, minh bạch trước cử tri, trước nhân dân”, ông Tiến nói. 

Đồng quan điểm, LS. Phan Xuân Xiểm, nguyên Vụ trưởng vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu quan điểm, việc cán bộ sử dụng bằng Trung học phổ thông ở Gia Lai không phải là hiếm gặp mà diễn ra ở nhiều địa phương. Thực trạng này cho thấy, không chỉ với những người có nhu cầu văn bằng giả để xin việc làm mà với cả những cán bộ “nguồn” muốn có thêm văn bằng, chứng chỉ để cạnh tranh, leo lên các chức vụ cao hơn nhưng lại không muốn thi hoặc không có thời gian đi học... Những trường hợp này đã lừa dối tổ chức. Vì vậy, cần xử lý nghiêm để răn đe.

“Ngoài cách chức, xử lý kỷ luật, cán bộ dùng văn bằng, giấy tờ giả còn vi phạm hình sự chứ không chỉ vi phạm hành chính. Bởi vì sử dụng bằng giả là một trong nhóm tội về sử dụng văn bằng, giấy tờ giả gây hậu quả nghiêm trọng. Văn bằng, chứng chỉ giả đó đã giúp cán bộ “chui sâu leo cao” gây ra hậu quả không chỉ về trật tự quản lý của Nhà nước, mà nguy hại hơn với những người không đủ năng lực, trình độ nhưng vẫn đảm đương chức vụ quan trọng thì không thể đưa ra quyết định đúng đắn trong công tác quản lý được”, LS. Phan Xuân Xiểm thẳng thắn nói.

Hương Lan

Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí in Đời sống& Pháp luật số Chủ nhật (12)

Tin nổi bật