Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xác động vật vứt đầy sông hồ: Dân "nếm" đủ hậu quả

(DS&PL) -

Ở nhiều địa phương, tình trạng người dân vứt xác động vật ra sông, ao hồ còn phổ biến. Với hành vi này, mức phạt sẽ như thế nào?

Ở nhiều địa phương, tình trạng người dân vứt xác động vật ra sông, ao hồ còn phổ biến. Với hành vi này, mức phạt sẽ như thế nào?

Theo người dân địa phương ở lưu vực hai bên sông Châu Giang, tỉnh Hà Nam thì những năm trước đây khi con sông Châu Giang chưa ô nhiễm, nước sông rất trong người dân có thể sử dụng nước sông cho sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ dân còn làm đăng nuôi cá cho thu lợi nhuận cao. Tuy nhiên vài năm trở lại đây sông ô nhiễm hết sức nghiêm trọng khiến cá chết hàng loạt, nhiều hộ nuôi cá phá sản bỏ nghề. Nước sông thì bốc mùi hôi thối nồng nặc vô cùng khó chịu.


Đoạn sông Châu Giang

Theo Sở Tài Nguyên - Môi trường tỉnh Hà Nam thì nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm nước mặt tại sông Châu Giang chủ yếu là do nguồn nước thải từ Hà Nội chảy về, cùng với nguồn gây ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt/đô thị, nguồn gây ô nhiễm từ nước thải từ các hộ chăn nuôi…

Một trong những nguyên nhân khiến sông Châu Giang ô nhiễm là do người dân tự ý vứt xác động vật ra sông.

Còn tại xã Hòa An, huyện Phú Hòa, Phú Yên, sau khi đàn gia cầm 900 con của bà Nguyễn Thị Thanh chết liên tục vào những ngày cuối tháng 10 vừa qua. Thay vì tiêu hủy hoặc chôn, bà lại gom đưa lên các xe chở rác hoặc vứt ra sông. Đến khi biết đàn gia cầm gần 2.000 con nhà bên cạnh chết do mắc cúm A/H5N6 phải tiêu hủy và có thể lây bệnh sang người, bà Thanh mới bắt đầu gom số gia cầm chết còn lại đem chôn.

Tại huyện Phú Hòa, nơi đang có 2.900 con gia cầm mắc dịch cúm vừa mới tiêu hủy, không khó nhìn thấy những cảnh gia cầm chết vứt ra môi trường. Tại những địa phương khác, nhiều người dân cũng bức xúc trước tình trạng gia cầm chết thả trôi trên mương, cột bao và thậm chí là bỏ ven đường.

Quanh khu vực cống Ùn (hay còn gọi là cống cây Phượng, xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An), từ xa đã ngửi thấy mùi hôi tanh rất khó chịu. Khi đến gần, một lớp rác đủ các loại đang ùn ứ dày đặc trước miệng cống. Không khí nơi đây trở nên “nghẹt thở” bởi mùi hôi tanh của rác bẩn, trong đó có nhiều xác động vật đang trong giai đoạn phân hủy mạnh.

Ảnh: Công an Nghệ An

Người dân xã Lăng Thành cho biết, tình trạng rác bẩn và xác động vật hôi thối trôi về đây diễn ra từ lâu và xuất hiện nhiều hơn trong những năm gần đây. Trong số xác động vật có chó, mèo, gà, vịt…, thậm chí là cả những con lợn trọng lượng lớn đã chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Ai đi qua khu vực này cũng đều phải nín thở, bịt mũi.

Trước thực trạng môi trường nông thôn bị ô nhiễm, PGS.TS. Phạm Công Nhất, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đưa ra vài giải pháp giúp bảo vệ môi trường.

Một là, cần phải có các kế hoạch và biện pháp đánh giá toàn diện về thực trạng ô nhiễm môi trường tại các khu vực nông thôn nước ta hiện nay. Tuy nhiên, do đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương khác nhau nên mức độ ô nhiễm môi trường khác nhau nên việc cần kíp hiện nay là phải lập được bản đồ về ô nhiễm môi trường tại các khu vực nông thôn, qua đó xác định các vùng ô nhiễm trọng tâm, trọng điểm để từng bước đề ra các biện pháp khắc phục phù hợp.

Hai là, chú trọng công tác quy hoạch phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề tại các khu vực nông thôn, đảm bảo tính khoa học cao, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, toàn diện các xu thế phát triển, từ đó có chính sách phù hợp; tránh tình trạng quy hoạch tràn lan, thiếu đồng bộ, chồng chéo. Đối với các khu công nghiệp đang đóng trên các địa bàn nông thôn hiện nay cần có quy định bắt buộc các công ty đầu tư hạ tầng phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung hoàn chỉnh mới được phép hoạt động, đồng thời thường xuyên có báo cáo định kỳ về hoạt động xử lý nước thải, rác thải tại đó.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT), trong đó những chế tài xử phạt (cưỡng chế hành chính và xử lý hình sự) phải thực sự đủ mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Về lâu dài, cần ban hành và thể chế hóa các luật lệ có liên quan đến công tác BVMT tại các khu vực nông thôn, tiến tới xây dựng bộ luật riêng về lĩnh vực này.

Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật BVMT, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và BVMT; xây dựng ý thức sinh thái, làm cho mọi người nhận thức một cách tự giác về vị trí, vai trò, mối quan hệ mật thiết giữa tự nhiên - con người - xã hội. Đi đôi với công tác tuyên truyền, giáo dục cần tăng cường hơn nữa vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này trên các địa bàn nông thôn, như các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý và BVMT, các cơ sở y tế, các tổ chức đoàn thể có liên quan để đảm bảo cho công tác tuyên truyền, giáo dục và thực thi các biện pháp BVMT, bảo vệ và nâng cao sức khỏe, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn có hiệu quả hơn.

Để giảm thiểu những tác động xấu của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe của người dân nông thôn hiện nay cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ cơ chế, chính sách, nguồn tài chính hỗ trợ đến công tác tuyên truyền cho người dân về ý thức bảo vệ chính môi trường mình đang sinh sống. Về lâu dài, cần có các giải pháp về kiểm tra, kiểm soát môi trường chặt chẽ, trong đó cần quan tâm hơn đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý môi trường tại các khu vực nông thôn hiện nay.

Về mặt luật pháp, hành vi vứt xác động vật gây ô nhiễm môi trường là một trong những hành vi bị cấm theo quy định tại khoản 7 Điều 13 Luật Thú y 2015.

Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính hành vi vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung như sau:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Để rác, chất thải, xác động vật hoặc bất cứ vật gì khác mà gây ô nhiễm ra nơi công cộng hoặc chỗ có vòi nước, giếng nước ăn, ao, đầm, hồ mà thường ngày nhân dân sử dụng trong sinh hoạt làm mất vệ sinh.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hành vi quy định; Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu”.

Như vậy, hành vi vứt xác động vật gây ô nhiễm môi trường công cộng như bạn nói sẽ bị xử phạt hành chính từ 1 triệu đến 2 triệu đồng.

Căn cứ vào Điều 67 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người có thẩm quyền xử phạt hành chính hành vi trên là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn.

Nam Anh (T/h)

Tin nổi bật