Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ trưởng Giáo dục tiểu học: "Bỏ chấm điểm vì lợi ích của HS"

(DS&PL) -

"Chấm điểm gây nhiều áp lực cho học sinh và phụ huynh. Đã có trường hợp học sinh tự tử vì điểm mà báo chí đăng. Dù là một hay hai trường hợp cũng cần phải suy nghĩ".

"Chấm điểm gây nhiều áp lực cho học sinh và phụ huynh. Đã có trường hợp học sinh tự tử vì điểm mà báo chí đăng. Dù là một hay hai trường hợp cũng cần phải suy nghĩ", Vụ trưởng Giáo dục tiểu học Phạm Ngọc Định chia sẻ.

Vụ trưởng giáo dục tiểu học Phạm Ngọc Định.

- Qua một tuần triển khai Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học, trong đó đánh giá thường xuyên không dùng điểm số, Bộ đã tiếp nhận những phản ánh gì?

- Để triển khai Thông tư 30, Bộ GD&ĐT đã tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán tất cả các tỉnh trên cả nước. Các Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn tới từng giáo viên đứng lớp và thành lập tổ công tác đến các trường tiểu học để hỗ trợ. Theo báo cáo các Sở tại đợt tập huấn, tuyệt đại đa số thầy cô giáo được thực hành và giải đáp để hiểu rõ quan điểm đánh giá của thông tư. Đó là tính nhân văn trong đánh giá, sự tiếp cận với xu thế đánh giá hiện đại. Bên cạnh đó, các thầy cô cũng hiểu được đánh giá thường xuyên thực ra là việc bình thường giáo viên vẫn làm trong quá trình dạy học, vấn đề chỉ là bây giờ làm bài bản, làm tốt hơn.

Qua một tuần triển khai, có giáo viên nói: "Em nghĩ rằng không có gì to tát so với trước đây, chỉ có hồ sơ giáo viên bộ môn hơi nhiều. Nhưng thực chất của việc này là chuyển từ sổ điểm cá nhân hay sổ nhật ký cá nhân sang sổ theo dõi chất lượng".

Về đánh giá thường xuyên không dùng điểm số, có giáo viên băn khoăn là những thầy cô dạy các môn chuyên biệt như âm nhạc, mỹ thuật, thể dục sẽ phải viết nhận xét nhiều, mất thời gian. Còn một số khác thì băn khoăn về nhận thức, chưa muốn đổi mới về đánh giá. Một bộ phận nhỏ giáo viên làm đối phó, sợ kiểm tra nên nghĩ ra việc khắc dấu gỗ để đóng cho tiện…

- Là người đề xuất việc này, quan điểm của ông như thế nào về những phản ánh trên?

- Các băn khoăn này đã được cán bộ quản lý cấp Sở giải thích và chỉ đạo. Chúng tôi xin chia sẻ để các thầy cô hiểu, khái niệm "đánh giá" cũ chỉ quy định đánh giá kết quả cuối cùng mà học sinh đạt được trong từng giai đoạn nên tác dụng giúp đỡ học trò rất hạn chế. Thông tư 30 mới coi trọng đánh giá ngay trong quá trình học tập, biết được học sinh đạt kết quả bằng cách nào, vận dụng kết quả đó ra sao. Từ đó giáo viên tư vấn, hướng dẫn để học sinh hoàn thành nội dung học tập và có phương pháp học tốt hơn.

Như vậy, khái niệm "đánh giá" theo thông tư mới có nhiều nội dung hơn so với thông tư cũ, đặc biệt là việc yêu cầu giáo viên phải giúp đỡ kịp thời để học sinh đạt được chất lượng giáo dục tốt hơn, hướng dẫn các em biết tự đánh giá mình và nhận xét, góp ý bạn, khuyến khích phụ huynh tham gia đánh giá học sinh.

Thực ra, trước đây đã quy định giáo viên phải nhận xét đánh giá thường xuyên học sinh, nhưng do ta chưa làm hết trách nhiệm công việc này nên ta tưởng đây là việc mới phải làm.

- Vậy cách đánh giá mà Bộ Giáo dục kỳ vọng là như thế nào, thưa ông?

- Để đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, giáo viên cần vận dụng linh hoạt, có thể bằng "lời nói" hoặc là “viết”. Điều quan trọng là thầy cô phải dựa vào mục tiêu nội dung bài học, đối chiếu sản phẩm đạt được của học sinh với yêu cầu của hoạt động, với chuẩn kiến thức, kỹ năng; xem xét cả đặc điểm tâm sinh lý, hoàn cảnh… của học sinh để có nhận xét xác đáng, kịp thời, làm sao khích lệ, tạo hứng thú học tập cho các các em. Đồng thời, giáo viên tư vấn, hướng dẫn các em biết được những hạn chế và biết tự mình khắc phục.

Việc viết nhận xét cũng vận dụng linh hoạt như viết vào vở hoặc phiếu học tập, hoặc bài kiểm tra của học sinh sao cho thuận tiện để giáo viên phối hợp với học sinh và phụ huynh cùng đánh giá, rút kinh nghiệm, hướng đến sự tiến bộ. Sổ theo dõi chất lượng giáo dục sẽ thay thế sổ ghi điểm trước đây và cũng được coi như sổ nhật ký về đánh giá học sinh. Sổ này chỉ dành cho giáo viên ghi nhận xét, theo dõi giúp đỡ học sinh.

Thông tư 30 yêu cầu học sinh nào cũng được quan tâm đánh giá, tuy nhiên thầy cô chỉ cần ghi những điểm nổi bật, hoặc những điều cần thiết về học sinh để theo dõi và có biện pháp cụ thể, riêng biệt giúp đỡ kịp thời. Không bắt buộc phải ghi nhận xét tất cả học sinh hằng tháng. Giáo viên hiểu đúng quy định như vậy sẽ không còn thấy việc ghi nhận xét nặng nề quá tải, đương nhiên sẽ mất thêm thời gian so với trước đây.

Theo cách đánh giá của Thông tư 30, một giáo viên dù dạy một hay nhiều môn, có thể chỉ cần thiết kế một cuốn sổ (sổ bằng giấy hoặc sổ điện tử) theo dõi chất lượng giáo dục, do giáo viên quản lý sử dụng. Sổ này có thể để tại lớp học hoặc tại trường, hoặc mang về nhà, không yêu cầu mỗi giáo viên phải thực hiện một số sổ sách quá lớn.

Mẫu sổ theo dõi chất lượng giáo dục do Bộ hướng dẫn chỉ là gợi ý, không bắt buộc giáo viên phải thực hiện theo mẫu đó. Mặt khác, giáo viên có thể dùng sổ điện tử thay cho sổ bằng giấy.

- Việc bỏ chấm điểm thường xuyên xuất phát từ những lý do nào?

- Việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, không chấm điểm là xuất phát từ thực tiễn. Trước khi triển khai Thông tư 30, việc đánh giá thường xuyên chưa khuyến khích, chưa tạo cơ hội để giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy học. Nhiều học sinh, phụ huynh chịu áp lực về điểm số, chưa khuyến khích học sinh tự tin học tập, đặc biệt là những em gặp khó khăn. Nhiều em còn học vì điểm số, chưa ý thức học và chưa hiểu học là để phát triển năng lực, phẩm chất cho chính mình… Đã có trường hợp học sinh tự tử về điểm mà báo chí đăng, dù là một hay hai trường hợp cũng cần phải suy nghĩ.

Thứ hai, triển khai Thông tư 30 là một trong những việc góp phần thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó, yêu cầu phải đổi mới kiểm tra, đánh giá, thi cử để nâng cao chất lượng giáo dục.

Thứ ba, đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, không chấm điểm là tiếp cận với xu thế hiện đại của các nước phát triển. Khi thực hiện đánh giá thường xuyên đối với học sinh tiểu học, nhiều nước trên thế giới đã không dùng điểm số. Có thể xem báo cáo gần đây của các nước OECD về việc đánh giá học sinh để thấy được rõ điều này. Học sinh tiểu học của Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Hà Lan, Bắc Ai-Len… không nhận được điểm số trong đánh giá thường xuyên trên lớp từ giáo viên. Thay vào đó các em nhận được phản hồi từ giáo viên về sản phẩm học tập, biện pháp để các em vượt qua khó khăn. Tại các nước như Anh, Mỹ cũng vậy, rất nhiều học sinh Việt Nam đã trải nghiệm cách đánh giá của giáo viên nước bản địa (trong đó có tôi). Một câu hỏi đặt ra là tại sao họ lại làm như vậy? Họ làm có dựa trên cơ sở khoa học nào không?

Trong bài viết The case against grades trên tạp chí Educational Leadership (11/2011), tác giả Alfie Kohn đã đi đến kết luận từ việc tổng kết rất nhiều nghiên cứu về vấn đề cho điểm trên thế giới: Điểm số có xu hướng làm mất đi sự quan tâm của học sinh vào những gì các em học. Điểm số tạo nên việc thích chọn những nhiệm vụ học tập dễ hơn có thể; và điểm số có khuynh hướng làm giảm đi chất lượng (quality) suy nghĩ của học sinh.

- Với những vướng mắc trong việc triển khai thông tư 30, Bộ có định hướng như thế nào?

- Những vướng mắc nêu trên hầu hết là do chưa hiểu đúng, chưa quyết tâm làm, chưa biết cách làm, chứ không phải về quan điểm, đường lối chưa đúng. Vì vậy, chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục truyền thông, giải thích, hướng dẫn các địa phương, chỉ đạo, giúp đỡ, hỗ trợ giáo viên về kỹ thuật để họ có thể hiểu đúng và làm tốt việc đánh giá học sinh theo tinh thần của Thông tư 30. Việc đổi mới đánh giá sẽ thường xuyên được trao đổi trên mạng: tieuhoc.moet.gov.vn. Bộ GD&ĐT chỉ đạo việc thực hiện hồ sơ sổ sách hợp lý, nếu làm để đối phó, hình thức thì kiên quyết bỏ, việc nào làm thực chất có lợi cho học sinh thì tiếp tục làm.

Tin nổi bật