Ngày 12/3, sở Y tế tỉnh Bình Thuận đã báo cáo cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, bộ Y tế về tình hình hoạt động của "thần y" Võ Hoàng Yên cũng như quy trình cấp phép hành nghề của ông trên địa bàn.
"Thần y" Võ Hoàng Yên hoạt động ở Bình Thuận như thế nào?
Trả lời với báo chí, ông Đặng Thức Anh Vũ, Phó Giám đốc sở Y tế tỉnh Bình Thuận cho biết, ngày 10/3, đoàn công tác Sở này đã đi kiểm tra 2 cơ sở mà ông Võ Hoàng Yên (SN 1975, quê Cà Mau, tạm trú tỉnh Bình Thuận) đã từng về công tác khám chữa bệnh sau vụ “lùm xùm” ông này bị tố cáo lừa đảo.
“Nội dung kiểm tra toàn diện, gồm tất cả các nội dung xoay quanh vụ việc lùm xùm người dân phản ánh. Sở đã giao phòng Thanh tra phối hợp với địa phương xác minh, có kết quả sẽ báo cáo sở Y tế và thông tin với báo chí”, ông Vũ cho hay.
Cũng theo Phó Giám đốc sở Y tế tỉnh Bình Thuận, ông Võ Hoàng Yên chỉ được sở Y tế cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh y học cổ truyền từ tháng 11/2018. Với chứng chỉ này, ông Yên chỉ được giúp việc chuyên môn, chưa đủ điều kiện hoạt động tại các phòng khám.
Quá trình cấp chứng chỉ hành nghề của ông Võ Hoàng Yên được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 109/2016/NĐ- CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ về Quy định cấp Chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp Giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, ông Yên tốt nghiệp trung cấp Y sĩ y học cổ truyền do trường trung cấp Tuệ Tĩnh Thanh Hóa đào tạo và cấp bằng ngày 14/7/2017.
Sau đó, từ ngày 20/9/2017 đến 20/9/2018, ông đến trung tâm Y tế Hàm Tân (Bình Thuận) thực hành khám bệnh, chữa bệnh tại khoa Y học cổ truyền do bác sĩ Lê Trung Nhật hướng dẫn. Kết thúc thời gian thực hành, ông Yên được trung tâm Y tế huyện Hàm Tân xác nhận quá trình thực hành với năng lực chuyên môn: Khám bệnh, chữa bệnh bằng phương pháp Y học cổ truyền.
Ông Võ Hoàng Yên trong một lần chữa bệnh cho người dân huyện Tiên Phước (Quảng Nam). Ảnh: L.Đ |
Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cũng xác minh quá trình hành nghề, ông Võ Hoàng Yên có tham gia khám, chữa bệnh tại hai cơ sở ở Bình Thuận và không đăng ký hành nghề tại cơ sở khám, chữa bệnh khác trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Trước đó, bà Nguyễn Phương Hằng, vợ của ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng "lò vôi") cũng đã gửi đơn đến cơ quan Công an TP.HCM tố cáo ông Võ Hoàng Yên lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bà và chiếm dụng tiền bà Hằng giao cho để đi cứu trợ đồng bào lũ lụt ở miền Trung. Tổng giá trị mà bà Hằng tố cáo ông Yên lừa đảo, chiếm đoạt khoảng 135 tỷ đồng.
Xác nhận với báo chí, một lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ngay sau khi ông Võ Hoàng Yên bị tố cáo có những dấu hiệu vi phạm và có những hoạt động nghề không có tính hiệu quả, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Công an huyện Bình Sơn điều tra, xác minh lại những người từng được ông Yên khám, chữa bệnh vào tháng 7/2020.
"Mục đích điều tra, xác minh việc khám, chữa bệnh của ông Yên xem có hiệu quả hay không? Ngoài ra, qua nắm bắt tình hình, trong tháng 3/2021 có một số tổ chức, cá nhân lên kế hoạch từ trước sẽ mời ông Võ Hoàng Yên tiếp tục về Quảng Ngãi khám chữa bệnh nên Công an tỉnh Quảng Ngãi đã tham mưu cho UBND tỉnh, chỉ đạo tạm dừng việc này, để xác minh tính hiệu quả, khoa học trong khám chữa bệnh của ông Yên", lãnh đạo này nói.
Theo thông tin từ Công an huyện Bình Sơn, hiện Công an huyện Bình Sơn đã đến 12 hộ gia đình trên địa bàn có con, cháu từng được ông Võ Hoàng Yên khám, chữa bệnh teo cơ, câm điếc bẩm sinh, bị bệnh viêm xoang... Tất cả các gia đình này đều cho rằng việc chữa bệnh của "thần y" Võ Hoàng Yên không mang lại hiệu quả.
Cần cảnh giác trước vấn nạn “thần y” tự xưng
Về phương pháp chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên dùng các kỹ thuật xoa bóp, kéo lưỡi để chữa câm, điếc, bác sĩ Nguyễn Văn Lĩnh, Giám đốc bệnh viện Hồng Hà (Hà Tĩnh) khẳng định là phản khoa học, không có kết quả.
Chiều 12/3, trao đổi với PV ĐS&PL, Tiến sĩ Vũ Thế Khanh Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ Tin học ứng dụng (UIA) nhận định: Hiện nay, tình trạng “thần y” tự xưng diễn ra khá phổ biến. Nhiều người tự huyễn hoặc khả năng của bản thân, thổi phồng sự thật để qua mặt người bệnh.
“Bất kỳ một cá nhân nào khi đến UIA, chúng tôi đều yêu cầu thực hành với sự giám sát hội đồng các giáo sư ngành y của UIA quản lý. Những người có khả năng thực sự, họ không ngại cơ chế “tets thử” mà UIA đưa ra. Tôi nhớ, ông Võ Hoàng Yên từng đến UIA nhưng khi chúng tôi đưa ra tiêu chuẩn thực hành tại UIA 100 ca bệnh thì ông này không thực nghiệm”.
Cũng theo TS. Vũ Thế Khanh, UIA từng vạch mặt hàng chục thần y rởm, không có khả năng chữa bệnh như tự xưng như cô H., cô Tr. ở Vĩnh Phúc... “Chúng tôi có hợp tác với bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện E... để lấy ý kiến chuyên môn về những trường hợp đến thực nghiệm và chịu trách nhiệm với trường hợp mà đơn vị công bố. Chính vì vậy, người dân cần cảnh giác với thực trạng “thần y” tự xưng tránh tiền mất tật mang, cần tìm hiểu kỹ lưỡng xem trường hợp đó đã được cơ quan khoa học, hội đồng y khoa thẩm định hay chưa thì mới gửi gắm niềm tin”.