(ĐSPL) - Liên quan đến vụ nổ súng làm 18 người thương vong ở Đắk Nông, công an đã khởi tố, bắt tạm giam Nghiêm Xuân Thiên Sửu, GĐ Công ty TNHH TM&ĐT Long Sơn để điều tra về hành vi hủy hoại tài sản, phá rừng.
Theo báo Thanh niên, trưa nay, 24/12, thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45), Bộ Công an cho biết vừa ký quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu, Giám đốc Công ty TNHH thương mại - đầu tư Long Sơn (Đắk Nông) để điều tra về hành vi hủy hoại tài sản, phá rừng.
Vũ khí của nhóm người thuộc Công ty Long Sơn mang theo khi san ủi rẫy của người dân. Ảnh: báo Vnexpress |
Báo Tuổi trẻ thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thu thập chứng cứ, thông tin để làm rõ việc Công ty Long Sơn có hành vi san ủi cây trồng của nhiều hộ dân.
Về diện tích rừng bị phá cũng như vấn đề tranh chấp đất đai công ty Long Sơn với người dân, ông Tiến cho biết cơ quan công an đã làm việc với công ty, với chính quyền địa phương và người dân để củng cố hồ sơ điều tra.
Trước đó, ngày 23/10, xảy ra vụ nổ súng tại huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông làm 3 người chết, 15 người bị thương.
Vị trí vụ nổ súng được xác định tại khu vực tranh chấp đất đai giữa người dân và doanh nghiệp.
Nguyên nhân của vụ việc là do công ty Long Sơn đưa hàng chục bảo vệ cùng máy móc vào rừng san ủi để thực hiện dự án nông lâm.
Khu vực rừng này đang có tranh chấp đất đai, hàng trăm người dân đã tập trung ở đây để phản đối từ trước, khi công ty Long Sơn đưa bảo vệ đến đã bị người dân dùng súng đạn hoa cải bắn làm 3 người tử vong.
Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009: 1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: A) Có tổ chức; B) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; C) Gây hậu quả nghiêm trọng; D) Để che giấu tội phạm khác; Đ) Vì lý do công vụ của người bị hại; E) Tái phạm nguy hiểm; G) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: A) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; B) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: A) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; B) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)