Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ MC bị tố bạo hành em vợ: Lời tố cáo trên mạng xã hội có được pháp luật thừa nhận?

(DS&PL) -

Liên quan đến vụ nam MC bị tố bạo hành em vợ nhiều năm, luật sư cho rằng, thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng vẫn có đủ căn cứ để cơ quan chức năng can thiệp

Luật sư cho rằng, luật Tố cáo hiện hành chỉ thừa nhận hình thức gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Tuy nhiên, thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng (mạng xã hội) vẫn có đủ căn cứ để cơ quan chức năng can thiệp...

Ngày 25/5, tài khoản Facebook có tên T.D. nhận mình là em vợ của một MC/BTV của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV). Nữ sinh lên tiếng tố cáo nam MC/BTV đánh mình rách môi, cũng như bạo hành trong suốt 5 năm.

Vụ việc khiến dư luận bất bình, tranh cãi. Hiện chưa có kết luận chính thức về vụ việc này từ các cơ quan chức năng nhưng sau những gì đã xảy ra trước hết có thể thấy cuộc sống của chính những người trong cuộc bị đảo lộn, ảnh hưởng.

Liên quan đến những vấn đề pháp lý của vụ việc, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Đặng Thành Trí, đoàn Luật sư TP.HCM, văn phòng luật sư Đặng Thành Trí cho biết: “Hiện nay, khi áp dụng luật Tố cáo năm 2011 thì lời tố cáo của nữ sinh T.D. thông qua mạng xã hội không được thừa nhận là hình thức tố cáo đúng theo quy định. Luật Tố cáo hiện hành chỉ thừa nhận hình thức gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.

Hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội

Song, luật sư Trí cũng khẳng định, thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng (mạng xã hội) vẫn có đủ căn cứ để cơ quan chức năng can thiệp. “Cơ quan có thẩm quyền có thể xác định dấu hiệu tội phạm dựa theo thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng theo hình thức tin báo về tội phạm”, luật sư Trí cho hay.

Với hình thức tố cáo qua mạng xã hội, luật sư Trí cũng nhận định về tính chính xác của lời tố cáo có ảnh hưởng không nhỏ đến các cá nhân, tổ chức bị tố cáo.

Theo luật sư Trí: “Việc đưa ra thông tin không đúng sự thật trên phương tiện thông tin đại chúng có thể được xem là hành vi đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, cá nhân với mức xử phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, nếu người bị hại làm đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự thì cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án về tội Làm nhục người khác hoặc tội Vu khống theo quy định”.

“Đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, cá nhân thì chỉ có thể xử lý bằng biện pháp hành chính với hình thức phạt cảnh cáo được quyết định bằng văn bản”, luật sư Trí nhận định.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi trên Tri thức trực tuyến, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định, chưa thể kết luận vụ việc này, bởi thông tin các bên còn chưa thống nhất, cần cơ quan chức năng điều tra, kết luận. Tuy nhiên, ở góc độ pháp luật, ông Thơm cảnh báo nếu người lớn đánh trẻ em sẽ bị xem xét xử lý theo quy định, thậm chí bị phạt tù.

Luật sư Thơm dẫn điều 1, Luật Trẻ em 2016 quy định: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”. Luật này nghiêm cấm hành vi bạo lực trẻ em và không cung cấp hoặc che giấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.

Mọi hành vi sử dụng vũ lực xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe người khác trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm.

Nếu người bị tố tát, đánh rách môi trẻ em, có thể bị xem xét tội hành hạ trẻ em theo điều 140 Bộ luật Hình sự; bị phạt tù từ một đến 3 năm (nếu nạn nhân dưới 16 tuổi).

Cụ thể, với tội hành hạ người khác, người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại điều 185 của bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Người nào phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến 3 năm: Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên; Đối với 2 người trở lên.

Trường hợp khác, người bị tố bạo hành trẻ em trong thời gian dài có thể bị xem xét tội hành hạ người khác và cố ý gây thương tích. Khi đó, tội phạm và hình phạt được quy định tại điều 140 và điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.

Điều 134 quy định người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; Đối với người dưới 16 tuổi...

Cũng theo luật sư Thơm, nếu trẻ có những ứng xử chưa đúng mực trong sinh hoạt khi ở chung nhà, người lớn cần khuyên bảo hoặc thông báo cho bố mẹ, hoặc nếu cần thiết thì đưa cho bố mẹ chăm lo, dạy bảo, không được bạo hành trẻ.

Luật sư Thơm cũng cho hay, khi có dấu hiệu trẻ bị bạo hành, cần có sự can thiệp của công an để điều tra, xử lý. Các hội bảo vệ quyền trẻ em cũng chỉ hỗ trợ tìm hiểu nội dung sự việc, chứ không có chế tài xử lý.

Thông tin tố cáo trên mạng xã hội cũng là căn cứ cho các cơ quan pháp luật xử lý. Trường hợp cháu T.D. đã thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, có thể xem xét theo điều 144 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Còn trao đổi trên Tiền Phong, luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Cty Luật Minh Bạch cho rằng, khi xem hình ảnh chia sẻ trên báo chí, nếu sự việc đúng như tố cáo của bị hại thì việc này có dấu hiệu của hành vi xâm phạm đến sức khỏe của người khác.

"Trong trường hợp tỉ lệ tổn thương cơ thể thỏa mãn các dấu hiệu được quy định tại Điều 134 BLHS năm 2015 thì người thực hiện hành vi nêu trên có thể bị xử lý về tội Cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, để xử lý được theo khoản 1 Điều 134 BLHS thì phải có Đơn yêu cầu khởi tố của người bị hại hoặc người giám hộ của người bị hại - Người giám hộ đương nhiên trong trường hợp này là bố, mẹ của người dưới 18 tuổi.

Trong trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người thực hiện hành vi cũng có thể bị xử lý vi phạm hành chính liên quan đến hành vi xâm phạm đến sức khỏe của người khác theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP”- luật sư Tuấn Anh cho biết.

Ngoài ra, luật sư Tuấn Anh khẳng định, nếu chứng minh được quan hệ “lệ thuộc” giữa người thực hiện hành vi và người tố bị đánh thì không cần có tỉ lệ tổn thương cơ thể, người thực hiện hành vi có thể bị xử lý về tội Hành hạ người khác theo quy định tại Điều 140 BLHS năm 2015.

Cự Giải (T/h)

Tin nổi bật