Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên: Thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao

(DS&PL) -

Sáng qua, (ngày 12/1/2022), Viện kiểm sát Nhân dân tối cao (VKSNDTC) ra bản kiến nghị số 02/KN-VKS-HNGĐ về việc xem xét lại Quyết định giám đốc thẩm số 01/2021/HNGĐ-GĐT ngày 11/3/2021 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC). Đây là một thủ tục đặc biệt trong tố tụng dân sự.

Đến ngày xét xử, kết quả thẩm định giá tài đều hết hiệu lực

Theo VKSNDTC, các chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá của Công ty TNHH thẩm định giá Sài Gòn đối với Công ty Cổ phần tập đoàn Trung Nguyên (phát hành ngày 25/6/2018), Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên (phát hành ngày 25/6/2018) và Chi nhánh Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên tại Bắc Giang (phát hành ngày 25/6/2018), Công ty Cổ phần cà phê Trung Nguyên (phát hành ngày 12/6/2018), Công ty cổ phần Trung Nguyên Fanchising (phát hành ngày 15/6/2018), Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Đặng Lê (phát hành ngày 15/6/2018), Công ty TNHH Vũ Nguyên Đắk Nông (phát hành ngày 12/6/2018) đều có hiệu lực trong thời gian 6 tháng, kể từ ngày ký phát hành. Đến ngày xét xử sơ thẩm (20/2/2019), các chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định nêu trên đều hết hiệu lực.

Theo điểm a, tiểu mục 1.2, mục 1, phần II, Thông tư 122/2017 của Bộ Tài chính, thì báo cáo tài chính được sử dụng thẩm định giá danh nghiệp bao gồm: Báo cáo tài chính năm, báo cáo tài chính được kiểm toán, báo cáo tài chính giữa niên độ, báo cáo tài chính giữa niên độ được rà soát xét, báo cáo tài chính tại thời điểm thẩm định giá được kiểm toán”. Các chứng thư và báo cáo kế quả thẩm định giá của Công ty TNHH thẩm định giá Sài Gòn đối với các doanh nghiệp nói trên đều căn cứ vào Thông tư 122/2017. 

Tuy nhiên, VKSNDTC đã chỉ ra, khi tiến hành thẩm định giá, thì báo cáo tài chính trong nhiều năm của các công ty nói trên chưa được kiểm toán. Ngoài ra, chưa thẩm định giá trị quyền sở hữu trí tuệ (giá trị thương hiệu) của các công ty nêu trên.

Do vậy, trong bản kiến nghị số 02, VKSNDTC cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm sử dụng kết quả thẩm định giá trên để làm cơ sở chia tài sản chung của bà Thảo và ông Vũ là không đúng…

Vi phạm quyền được kinh doanh của nguyên đơn

Quá trình giải quyết vụ án, doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo luôn yêu cầu được chia (nhận) tài sản bằng hiện vật đối với cổ phần và phần vốn góp tại các công ty để tiếp tục thực hiện việc kinh doanh. Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm không xem xét, đánh giá toàn diện về số cổ phần, phần góp vốn và nhu cầu sử dụng của đương sự, mà chỉ chia toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho ông Vũ, giao cho bà Thảo giá trị số cổ phần, phần vốn góp trong các công ty bằng tiền là vi phạm quyền được kinh doanh của bà Thảo theo quy định của pháp luật.

Kiến nghị của VKSNDTC chỉ rõ: “Việc làm chấm dứt hoạt động kinh doanh bình thường của bà Thảo trong 7 công ty là không phù hợp với quy định về quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng nam, nữ theo quy định tại khoản 2. Điều 14, Điều 26, Điều 33 Hiến pháp năm 2013 và nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi đưa vào kinh doanh theo quy định tại khoản 3, Điều 59, Điều 64 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Cần tăng tỷ lệ % tài sản được chia cho bà Thảo 

VKSNDTC viện dẫn, theo quy định tại khoản 2 và Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, về nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người vợ khi ly hôn, thì việc Tòa án các cấp xác định ông Vũ đóng góp công sức nhiều hơn và chia cho ông Vũ được hưởng 60%, bà Thảo 40% giá trị cổ phần và phần vốn góp trong các công ty, tài sản tại các ngân hàng là chưa phù hợp… Do đó, cần tăng tỷ lệ % tài sản bà Thảo được chia trong khối tài sản chung nêu trên để bảo đảm công bằng quyền lợi cho bà Thảo.

Vì những lẽ trên, Viện trưởng VKSNDTC đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình theo hướng hủy Quyết định giám đốc thẩm số 02/2021 (ngày 11/3/2021); hủy bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 39/2019 (ngày 5/12/2019) của TAND cấp cao tại TP. HCM và bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 291/2019 (ngày 27/3/2019) của TAND TP. HCM về phần chia tài sản chung; Giao hồ sơ cho TAND TP. HCM xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Để bạn đọc hiểu rõ hơn về thủ tục tố tụng đặc biệt này, PV ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Văn An - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang.  

PV: Ông suy nghĩ gì khi VKSNDTC ra kiến nghị xem xét lại Quyết định giám đốc thẩm số 01/2021 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã có hiệu lực pháp luật?

LS Trần Văn An: Ở nước ta, Hội đồng Thẩm pháp TANDTC là cơ quan xét xử cao nhất. Về nguyên tắc, các quyết định giải quyết vụ án dân sự đã có hiệu lực pháp luật của Hội đồng Thẩm phán TANDTC không thể xem xét lại.

Thực tiễn hoạt động giám đốc thẩm của TANDTC đã phát hiện một số quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có sai lầm nghiêm trọng.  Để khắc phục vấn đề này, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 đã dành chương XXII quy định thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. 

Điều 358 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định về yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC như sau: “1. Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng thẩm phán TANDTC, đương sự đã không thể biết được khi ra quyết định đó, nếu có yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng VKSNDTC hoặc đề nghị của Chánh án TANDTC thì Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét lại quyết định đó”.

Trong trường hợp này, VKSNDTC ra kiến nghị thể hiện sự dân chủ, công bằng, văn minh, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được bảo vệ đến cùng. Theo tôi đây là bước tiến quan trọng của nền tư pháp nước nhà, thể hiện tinh thần công cuộc cải cách tư pháp.

Luật sư Trần Văn An- Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang

PV: Trong bản kiến nghị số 02, Viện trưởng VKSNDTC đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình theo hướng hủy Quyết định giám đốc thẩm số 02/2021 ngày 11/3/2021; hủy bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 39/2019 ngày 5/12/2019 của TAND cấp cao tại TP. HCM và bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 291/2019 ngày 27/3/2019 của TAND TP. HCM về phần chia tài sản chung; Giao hồ sơ cho TAND TP HCM xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật. Ông có đồng quan điểm với kiến nghị của VKSNDTC không?

LS Trần Văn An:  Tôi nhận thấy kiến nghị của VKSNDTC có căn cứ pháp lý, đã chỉ rõ, viện dẫn cụ thể quy định Hiến pháp, pháp luật có liên quan làm căn cứ đưa ra kiến nghị. Theo khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Hiến pháp quy định trong mọi trường hợp quyền công dân chỉ bị hạn chế khi được quy định trong một văn bản luật cụ thể, các văn bản dưới luật, văn bản điều hành hoặc khi áp dụng pháp luật thì không được đặt thêm các trường hợp hạn chế quyền công dân khi chưa có luật quy định cụ thể. 

Điều 26 Hiến pháp năm 2013 quy định: Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới; Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.

Hội đồng xét xử đã nhận định: “Nếu để bà Thảo tiếp tục là cổ đông cùng quản lý, điều hành các công ty của Tập đoàn Trung Nguyên sẽ dẫn đến những khó khăn cho sự tồn tại, ổn định và phát triển của Tập đoàn…”. Từ đó giao toàn bộ cổ phần vốn góp của bà Thảo trong các công ty cho ông Vũ đã làm hạn chế quyền sở hữu cổ phần, quyền kinh doanh của bà Thảo và đi ngược lại tinh thần của Hiến pháp, đi người lại tinh thần bình đẳng giới Đảng, Nhà nước ta đang thực hiện. Mặt khác, bà Thảo là người đang điều hành và tham gia các hoạt động kinh doanh góp phần mang lại thành công của Trung Nguyên với tư cách cổ đông sáng lập.

Điều 33 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. 

Bà Thảo cùng ông Vũ đều là cổ đông của các công ty, đều trực tiếp đứng tên sở hữu lượng vốn góp trong các công ty của Tập đoàn Trung nguyên. Điều 5, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định, việc bảo đảm của Nhà nước đối với doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp. Theo đó, Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, quyền và lợi ích hợp pháp khác của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp. Việc bản án giao toàn bộ số cổ phần của vợ chồng (bao gồm cả cổ phần bà Thảo đứng tên góp vốn, số cổ phần ông Vũ đứng tên góp vốn) là không phù hợp quy định Điều 5 Luật Doanh nghiệp về bảo đảm của Nhà nước với chủ sở hữu doanh nghiệp.

Quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản đầu tư vào doanh nghiệp, quyền bình đẳng giới… của bà Lê Hoàng Diệp Thảo được pháp luật bảo vệ và không bị pháp luật ngăn cấm, hạn chế. Bản thân bà Thảo là cổ đông góp vốn trong nhiều công ty của hai vợ chồng và trực tiếp tham gia điều hành hoạt động công ty.

Do vậy, việc Tòa án đưa ra nhận định, giao toàn bộ tài sản, phần góp vốn của bà Thảo cho ông Vũ, buộc bà Thảo phải nhận giá trị là không phù hợp với quy định tại khoản 2, Điều 14, Điều 26, Điều 33 Hiến pháp năm 2013. Một bản án không phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật nên cần phải hủy bỏ theo đúng quy định của pháp luật. Do vậy, việc VKSNDTC kiến nghị là phù hợp pháp luật và cần thiết để đảm bảo công lý, công bằng.

PV

Tin nổi bật