Sau 4 ngày xét xử sơ thẩm và nghị án, ngày 18/4 vừa qua, TAND tỉnh Thái Nguyên đã tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Văn Thắng (nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Tiến Mạnh Lai Châu) cùng các đồng phạm trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, liên quan đến những sai phạm khi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Khu dân cư đường Thắng Lợi kéo dài, TP.Sông Công, tỉnh Thái Nguyên.
TAND tỉnh Thái Nguyên đã tuyên phạt 11 bị cáo với mức án cụ thể như sau: Bị cáo Nguyễn Văn Thắng bị tuyên phạt 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đồng thời buộc phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại, với tổng số tiền hơn 342 tỷ đồng. Bị cáo Nguyễn Hữu Bách nhận mức án 36 tháng tù.
Các bị cáo Lê Cường và Phạm Văn Điện mỗi bị cáo bị phạt 30 tháng tù. Các bị cáo Phạm Đào Linh Giang, Nguyễn Thị Hải và Trần Văn Cường mỗi bị cáo bị phạt 24 tháng tù.
Hội đồng xét xử phiên tòa sơ thẩm tuyên án 11 bị cáo trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, liên quan đến những sai phạm khi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Khu dân cư đường Thắng Lợi kéo dài, TP.Sông Công, tỉnh Thái Nguyên
Đối với tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”: Bị cáo Lê Văn Khôi (nguyên Chủ tịch UBND TP.Sông Công) bị tuyên phạt 36 tháng tù giam.
Đối với tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”: Các bị cáo Đào Duy Anh và Lưu Trí Vượng (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.Sông Công) mỗi bị cáo bị phạt 6 tháng tù. Bị cáo Nguyễn Văn Dụng (nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Sông Công) bị tuyên phạt 12 tháng tù.
Vụ án lừa đảo tại Dự án khu dân cư đường Thắng Lợi kéo dài, đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ của dư luận. Số tiền bị chiếm đoạt lên đến gần 343 tỷ đồng từ 277 nạn nhân, phản ánh mối nguy hiểm tiềm ẩn trong lĩnh vực bất động sản khi thiếu sự giám sát chặt chẽ và các thông tin pháp lý không minh bạch.
Theo cáo trạng, vụ án bắt đầu từ năm 2017, khi Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty Tiến Mạnh Lai Châu, cùng các đồng phạm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng trăm người dân thông qua việc rao bán trái phép hàng trăm lô đất tại Dự án khu dân cư đường Thắng Lợi kéo dài.
Dù chưa có quyền sở hữu đất, chưa ký hợp đồng BT với chính quyền, Nguyễn Văn Thắng đã chỉ đạo các nhân viên của mình quảng bá thông tin sai lệch về Dự án. Thắng tự nhận khu đất thuộc sở hữu của Công ty và đang trong quá trình phân lô bán nền theo quy hoạch 1/500 đã được phê duyệt. Lời hứa "chỉ sau 12 tháng, người dân sẽ nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" đã khiến hàng trăm người dân tin tưởng và nộp tiền mua đất.
Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Nguyễn Văn Thắng và các đồng phạm không thực hiện bất kỳ thủ tục pháp lý nào để chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân. Các hợp đồng được lập ra đều là giả mạo và không có giá trị pháp lý. Khi người dân yêu cầu giấy tờ hợp lệ, mọi yêu cầu đều bị phớt lờ.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án
Các nhân viên của Công ty Tiến Mạnh Lai Châu đã trực tiếp tham gia vào việc lừa đảo này, gồm Nguyễn Hữu Bách, Lê Cường, Phạm Đào Linh Giang, Phạm Văn Điện, Nguyễn Thị Hải và Trần Văn Cường. Mỗi người trong số họ đã giúp Nguyễn Văn Thắng chiếm đoạt một số tiền lớn. Đặc biệt, Nguyễn Hữu Bách đã chiếm đoạt hơn 180 tỷ đồng, Lê Cường gần 49,4 tỷ đồng và Phạm Đào Linh Giang hơn 46,6 tỷ đồng.
Đáng chú ý là, hành vi vi phạm này không chỉ có yếu tố từ phía doanh nghiệp mà còn có sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương. Lê Văn Khôi, nguyên Chủ tịch UBND TP.Sông Công, bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điểm c, khoản 3, Điều 360 Bộ luật Hình sự. Lê Văn Khôi không thực hiện công tác kiểm tra, không ngăn chặn kịp thời các hành vi sai trái này, gây thiệt hại hơn 77 tỷ đồng cho người dân. Lê Văn Khôi cũng bị cáo buộc để cấp dưới tự ý giao và chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định, gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Vụ án này cho thấy sự cần thiết phải có cơ chế giám sát chặt chẽ trong các dự án bất động sản, đặc biệt là đối với các dự án công, nhằm ngăn ngừa các hành vi lừa đảo. Luật sư Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thái Nguyên, Trưởng Văn phòng Luật sư Thanh Nghĩa cho biết, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, các bị hại có thể làm đơn yêu cầu thi hành án gửi cơ quan thi hành án có thẩm quyền. Cơ quan thi hành án xác minh tài sản của bị cáo nếu đủ điều kiện thi hành sẽ tiến hành các bước xử lý kê biên, bán đấu giá, thu hồi tiền để trả lại cho bị hại theo quy định của pháp luật.
Vụ án lừa đảo tại Dự án đường Thắng Lợi kéo dài là một bài học cảnh tỉnh cho cả cộng đồng và các chủ đầu tư trong lĩnh vực bất động sản. Những hành vi gian dối, lợi dụng lòng tin của người dân để chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là trong môi trường thiếu thông tin pháp lý rõ ràng là một vấn đề nghiêm trọng cần được xử lý triệt để.
Luật sư Nguyễn Thanh Nghĩa khuyến cáo người dân cần thận trọng khi tham gia vào các giao dịch bất động sản. Những lời hứa về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong thời gian ngắn cần phải được xác minh kỹ lưỡng. Việc này giúp tránh rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Trước khi quyết định mua đất, người dân cần kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng pháp lý của dự án, giấy phép xây dựng, quy hoạch và thông tin về quyền sở hữu đất. Việc tìm hiểu và xác minh thông tin qua các cơ quan chức năng là cách tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của mình.
Nếu dự án chưa hoàn tất thủ tục pháp lý, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ gặp khó khăn và rất khó có thể thực hiện trong thời gian ngắn. Đây là dấu hiệu rõ ràng của các vụ lừa đảo mà người dân cần tránh xa. Việc quyết định giao dịch xảy ra thiệt hại người dân hoàn toàn chịu trách nhiệm với hành vi của mình.
Luật sư Nguyễn Thanh Nghĩa cũng lưu ý các chủ đầu tư cần hoạt động minh bạch và luôn tuân thủ đúng các quy định pháp luật. Việc không tuân thủ quy trình, đặc biệt trong việc cấp phép và phân lô bán đất, không chỉ gây thiệt hại cho khách hàng mà còn có thể dẫn đến sự sụp đổ uy tín của chính công ty.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư cần đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu, thực hiện đúng cam kết với người dân và cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng về dự án. Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng một thương hiệu uy tín và phát triển bền vững.