Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ Khaisilk bán khăn lụa "made in China": Cần phải có các chế tài xử lý chứ không chỉ là câu chuyện xin lỗi

(DS&PL) -

Theo luật sư, việc ông chủ thương hiệu Khaisilk thừa nhận công ty này bán khăn "made in China" nhưng lại mang thương hiệu Khaisilk, trường hợp này cần được nhìn nhận là đ

Theo chuyên gia pháp lý, việc ông chủ thương hiệu Khaisilk thừa nhận công ty này bán khăn "made in China" nhưng lại mang thương hiệu Khaisilk, trường hợp này cần được nhìn nhận là điều không thể chấp nhận đối với một doanh nghiệp. Các hành vi đó đã có các dấu hiệu vi phạm pháp luật khác nhau và cần phải có các chế tài xử lý chứ không chỉ là câu chuyện xin lỗi.

Sau khi thông tin một khách hàng tại Hà Nội “tố” sản phẩm khăn của Khaisilk là hàng được sản xuất tại Trung Quốc được gắn mác hàng sản xuất tại Việt Nam, mới đây doanh nhân Hoàng Khải, ông chủ của Tập đoàn Khaisilk đã thừa nhận những sản phẩm trên là hàng nhập từ Trung Quốc. Ông này cúi đầu xin lỗi khách hàng và hứa bồi thường thiệt hại.

Trao đổi về vụ việc đang được dư luận quan tâm trên, chuyên gia pháp lý Trần Thị Hậu, Công ty Luật Hợp danh FDVN nhận định, bỏ qua các khía cách về cách thức kinh doanh, lợi nhuận; xét về góc độ pháp lý trường hợp này cần được nhìn nhận là điều không thể chấp nhận đối với một doanh nghiệp. Các hành vi đó đã có các dấu hiệu vi phạm pháp luật khác nhau và cần phải có các chế tài xử lý chứ không chỉ là câu chuyện xin lỗi.

Chuyên gia pháp lý Trần Thị Hậu dẫn quy định tại Khoản 2 Điều 8 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010 có quy định một trong các quyền của người tiêu dùng là “Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa cũng như các thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng”.

Khăn lụa của thương hiệu Khaisilk có hai nhãn "Khaisilk - Made in Vietnam" và "Made in China". Ảnh: FB Dang Nhu Quynh

Trường hợp thương hiệu Khaisilk có hành vi bán lụa tờ tằm có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, sau đó có dấu hiệu cắt mác “Made in China”, tiếp đó dán mác “Made in Viet Nam” để kinh doanh trong nhiều năm liên tiếp mà không có bất cứ giải thích nào về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; chưa đề cập đến chất lượng hàng hóa, có phải hàng giả hay không thì đã là một hành vi gian dối; làm sai lệch khiến người tiêu dùng nhầm lẫn, nắm bắt thông tin không chính xác về hàng hóa mình đang có nhu cầu hướng đến. Đây là một hành vi bị cấm theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010 “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp”. Xét về khía cạnh quản lý Nhà nước, thương hiệu Khaisilk đã vi phạm các quy định pháp luật về việc trưng bày, bán sản phẩm không đúng nhãn hàng hóa nhập khẩu.

Trong trường hợp này, theo quy định tại Điều 11 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010 thì “Tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà vị xử lý vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Nghị định 185/2013/NĐ-CP, ngày 15/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Điều 66 cũng đã quy định: Thương nhân có hành vi che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng theo quy định bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 06 tháng hoặc đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 06 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm và buộc phải cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn. Trường hợp người tiêu dùng bị thiệt hại xuất phát từ hành vi sai phạm của thương hiệu khaisilk có quyền yêu cầu bồi thường dân sự theo quy định pháp luật.

Chuyên gia pháp lý Trần Thị Hậu phân tích thêm, ngoài ra, theo khoản 1, Điều 11 Luật bảo vệ người tiêu dùng thì người vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng có thể phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này, theo quy định tại Điều 162 Bộ luật hình sự năm 1999 thì hành vi đánh tráo hàng hóa là thủ đoạn được xem là vi phạm pháp luật hình sự. Theo quy định tại Điều này, Người nào trong việc mua, bán mà đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Phạm tội nhiều lần hoặc thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Hơn nữa, cũng cần điều tra làm rõ thêm các hành vi buôn bán hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam có được phép không, tại sao khai báo gian dối thành hàng Việt mà bao năm qua không bị phát hiện, có dấu hiệu của các vi phạm pháp luật khác không, chẳng hạn có hành vi buôn lậu hàng hóa không, có hành vi buôn bán hàng giả không. Nếu có thì có thể xem xét liên quan đến các tội như buôn lậu hoặc buôn bán hàng giả theo quy định của Bộ luật hình sự.

“Như thế, các hành vi lừa dối khách hàng trong câu chuyện về Khaisilk không chỉ biểu hiện về đạo đức kinh doanh mà còn là vấn đề liên quan đến sai phạm pháp luật. Chúng tôi cho rằng, từ sự thú nhận, có thể cần thiết phải xem xét điều tra các vấn đề liên quan để đảm bảo một môi trường kinh doanh lành mạnh, tránh cho người tiêu dùng tiếp tục bị lừa dối” - chuyên gia pháp lý Trần Thị Hậu nhấn mạnh.

Tiểu Phương (ghi)

Tin nổi bật