Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ hổ cắn đứt lìa tay người trong khu du lịch ở Bình Dương: Chủ cơ sở từng lãnh án tù

(DS&PL) -

Tin tức mới nhất liên quan vụ hổ cắn đứt lìa tay người ở Bình Dương, chủ cơ sở nơi xảy ra vụ việc từng bị phạt 36 tháng tù vì vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã

Tin tức mới nhất liên quan vụ hổ cắn đứt lìa tay người ở Bình Dương, chủ cơ sở nơi xảy ra vụ việc từng bị phạt 36 tháng tù vì vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.

Cục Kiểm lâm yêu cầu báo cáo

Khu du lịch xảy ra vụ hổ cắn đứt lìa tay người - Ảnh: TTO

Theo Infonet, Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT) đã có văn bản yêu cầu Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương báo cáo về hiện trạng nuôi nhốt hổ và các loài động vật hoang dã khác trên địa bàn sau vụ hổ nuôi cắn đứt tay người.

Cục Kiểm lâm cũng yêu cầu Chi cục Kiểm lâm Bình Dương tổng kiểm tra, rà soát toàn diện các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã trên địa bàn, trong đó tập trung kiểm tra điều kiện an toàn chuồng trại theo quy định, quy trình tham quan… Trường hợp không đảm bảo các quy định, kiểm lâm kiến nghị cơ quan chức năng xem xét thu hồi giấy phép hoạt động.

Báo cáo về sự việc xảy ra tại khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh và công tác rà soát nuôi nhốt động vật hoang dã trên địa bàn gửi về Cục Kiểm lâm.

Cục Kiểm lâm cũng yêu cầu Chi cục Kiểm lâm Bình Dương tham mưu cho các cơ quan chức năng có liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về nuôi nhốt động vật hoang dã; phối hợp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong đấu tranh, phòng chống các hành vi xâm hại, buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật; bảo vệ các loài động vật hoang dã, nguy cấp.

Liên quan đến vụ việc, VietNamNet thông tin thêm, sau sự việc, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Dương thu hồi giấy phép nuôi hổ với mục đích bảo tồn tại khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh và chuyển giao toàn bộ hổ tại cơ sở này đến trung tâm cứu hộ phù hợp.

Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh (phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An) được Chi cục kiểm lâm Bình Dương cấp phép thí điểm nuôi hổ vào năm 2007 với mục đích bảo tồn.

Vài năm gần đây, khu du lịch này đóng cửa nhưng vẫn nuôi hổ bên trong, ngày 4/6 một con hổ trong chuồng đã cắn đứt 2 cánh tay người khi đứng cạnh song sắt.

Đáng nói, mặc dù được cấp phép nuôi hổ với mục đích bảo tồn, cấm buôn bán, vận chuyển, nhốt hoặc cho, tặng nhưng cơ sở này đã bán 5 cá thể hổ trái phép, hoạt động nuôi nhốt hổ tại cơ sở này cũng không có giá trị bảo tồn và gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người dân.

Năm 2011, chủ cơ sở là ông Huỳnh Văn Hai bị phạt 36 tháng tù, con trai ông Hai là Huỳnh Tấn Đạt cũng bị phạt 30 tháng tù về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.

Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh không đáp ứng được mục tiêu là bảo tồn khi được cấp phép nuôi nhốt, cơ sở vật chất, kỹ thuật của cơ sở không đảm bảo cho hoạt động nuôi nhốt hổ, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân. Hiện nay tại cơ sở này còn 5 cá thể hổ đang được nuôi nhốt.

Chuồng nuôi nhốt hổ, nơi người đàn ông bị hổ vồ đứt 2 cánh tay - Ảnh: Dân trí

Lỗ hổng về quy định pháp lý

Trao đổi trên Lao động, bà Ngô Thị Mai Hương - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Nước Việt cho biết, với loài gấu thì đã có văn bản pháp luật quy định cụ thể về nuôi nhốt, nhưng đối với hổ, ở nước ta vẫn chưa có văn bản pháp lý nào hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng chuồng trại hay trách nhiệm của cơ quan chức năng địa phương trong quản lý trại nuôi hổ.

Về vấn đề an toàn trong quá trình nuôi hổ ở khu vực đông dân cư, bà Ngô Thị Mai Hương cho rằng, việc nuôi hổ trong các cơ sở tư nhân ở gần khu dân cư không đảm bảo yêu cầu an toàn. “Không an toàn cho chủ nuôi, cho cộng đồng xung quanh và cũng không an toàn cho hổ” – bà Hương nói.

Theo bà Hương, những động vật hoang dã thuộc nhóm nguy cấp giống như tài sản quốc gia, cần phải được bảo vệ, hỗ trợ của nhà nước. Những trại tư nhân mà điều kiện nuôi hổ không đảm bảo thì không giúp ích cho việc bảo tồn hay hỗ trợ loài động vật này. Vì vậy nhà nước cần hướng đến cấm các trại tư nhân nuôi nhốt động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng như hổ.

Về trách nhiệm xử lý thiệt hại cho nạn nhân trong vụ hổ cắn đứt hai cánh tay, trao đổi trên Tiền Phong, luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, vụ việc xảy ra tại khu sinh thái Thanh Cảnh nên trách nhiệm thuộc về chủ cơ sở. Theo đó, chủ cơ sở sẽ phải có nghĩa vụ khắc phục hậu quả cho nạn nhân vì để xảy ra vụ việc trên.

Theo Dân trí, khoảng 14h ngày 4/6, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương đã nhận được tin báo của bà Huỳnh Thị M. (chủ trại nuôi thí điểm doanh nghiệp tư nhân Thanh Cảnh) về việc có người đi vào chuồng nuôi hổ và bị hổ cắn đứt 2 cánh tay. Nạn nhân là ông Võ Thành Q. (49 tuổi, quê An Giang).

Được biết do ông Q. quen một số người đang làm việc tại đây nên chiều 4/6, ông Q. trở lại thăm. Khi ra khu vực chuồng nuôi hổ, do sơ ý đứng gần cửa chuồng nên ông Q. bị con hổ chồm tới cào vào tay. Hoảng loạn, ông Q. dùng tay còn lại đẩy con hổ ra thì bị hổ cắn nát cánh tay còn lại.

Theo Tuổi Trẻ, tháng 9/2016, một người dưỡng thú tại một cơ sở nuôi nhốt hổ thuộc phường Bình An, thị xã Dĩ An bị hổ cắn chết khi vào chuồng chăm sóc hổ. Trước đó, tại một khu du lịch thuộc TP Thủ Dầu Một cũng xảy ra vụ hổ xổng chuồng tấn công người.

Cự Giải (T/h)

Tin nổi bật