Theo thông tin từ Báo Tin tức, trưa ngày 7/5, Sở Y tế TP.HCM khẳng định, không phát hiện ngộ độc thực phẩm tập thể tại 2 trường Tiểu học Linh Chiểu (TP.Thủ Đức) và trường Tiểu học Đặng Trần Côn (Quận 4). Trước đó, có thông tin học sinh ở Quận 4 và TP.Thủ Đức nghi bị ngộ độc, có trường cùng lúc 82 học sinh nghỉ học
Liên quan vấn đề này, Sở Y tế TP.HCM cho biết, tối ngày 4/5, Sở nhận được thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng 2 về hai trường hợp nhập viện có triệu chứng nghi ngờ ngộ độc thực phẩm, có địa chỉ tại thành phố Thủ Đức và Quận 4. Ngay trong đêm, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố phối hợp với các trung tâm y tế địa phương tiến hành điều tra dịch tễ và đánh giá nguy cơ tại cộng đồng.
Tổ công tác ghi nhận cả 2 trẻ nhập viện đều là học sinh tiểu học. Điều tra tại cả 2 trường học không ghi nhận dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm tập thể, bữa trưa bán trú của 2 trường được cung cấp bởi 2 công ty khác nhau.
Bệnh nhi điều trị tại khoa Tiêu hoá Bệnh viện Nhi Đồng 2. Ảnh: Báo Tin tức.
Sự trùng hợp ngẫu nhiên là tại thời điểm ngày 4/5, trường tiểu học Linh Chiểu có 82 trẻ nghỉ học. Qua tìm hiểu, HCDC cho hay có 50 trẻ nghỉ học có lý do không liên quan đến vấn đề sức khoẻ như đi thi tiếng Anh, đi du lịch cùng gia định, do việc nhà. Số học sinh còn lại thì nghỉ học, vì các lý do thông thường như ho, cảm, mệt, không có triệu chứng rối loạn tiêu hoá.
Ngoài 2 học sinh nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 2, nhà trường khẳng định không ghi nhận thêm học sinh nào đi khám bệnh hoặc nhập viện vì nhiễm trùng tiêu hóa.
Trước đó, vào trưa ngày 4/5, khoa Tiêu hoá bệnh viện tiếp nhận học sinh 9 tuổi (trú tại Quận 4, TP.HCM), được chuẩn đoán lúc nhập viện nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn, không mất nước, viêm họng cấp, theo dõi ngộ độc thực phẩm.
Theo ghi nhận bệnh sử, ngày 3/5 bé sốt cao, ói 8 lần, tiêu lỏng, không đau bụng. Người nhà cho biết, trong trường có 6 bé cũng bị sốt, ói sau ăn trưa cùng ngày với mỳ ý sốt cà ở trường.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, sau nhập viện, bệnh nhi tỉnh, không sốt, không ói thêm, tiêu lỏng 10 lần, phân vàng nước lợn cợn, không nhầy máu, CRP tăng nhẹ 49,5 mg/L, siêu âm các quai ruột nhiều dịch, tăng nhu động, soi phân đại thể không bất thường…
Theo Báo Sức khỏe và Đời sống, trường hợp thứ hai là bé gái sinh năm 2013 (trú tại TP.Thủ Đức). Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng đau bụng, nôn ói, tiêu lỏng.
Không phát hiện ngộ độc thực phẩm tập thể tại 2 trường tiểu học Linh Chiểu (TP.Thủ Đức) và trường tiểu học Đặng Trần Côn (quận 4). Ảnh: Báo Tin tức.
Người nhà bệnh nhân cho biết, ngày 3/5 trẻ có ăn mỳ Ý sốt cà ở trường (học bán trú), tới tối trẻ bắt đầu có các triệu chứng bất thường như đau bụng quanh rốn, nôn ói ra thức ăn cũ từ trưa. Ngày 4/5, trẻ vẫn tiếp tục ói ra thức ăn và dịch xanh 5 lần, chưa đi tiêu nên người nhà đã cho trẻ nhập Bệnh viện Nhi đồng 2 lúc 17h.
Xét nghiệm CRP tăng nhẹ, siêu âm các quai ruột nhiều dịch và hơi, xét nghiệm bệnh phẩm tìm tác nhân chưa có kết quả. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi ói cấp, theo dõi viêm dạ dày ruột và ngộ độc thực phẩm. Hiện bệnh nhi tỉnh, không sốt, không ói, không đau bụng thêm, không mất nước và đang được điều trị với kháng sinh và bù nước.
Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn trong việc mua thức ăn đảm bảo vệ sinh cho con em ăn nhanh trước khi đi học, nhất là trong tình hình thời tiết nắng nóng hiện nay là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa do ngộ độc thực phẩm tăng cao.
Theo đó, để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho trẻ trong thời gian tới, phụ huynh nên chọn lựa sử dụng thực phẩm tươi, sạch, an toàn, nấu chín kỹ thức ăn. Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn là bảo đảm nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt tới trên 70°C, ăn ngay sau khi nấu vì thức ăn càng để lâu thì càng nguy hiểm, bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín. Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ liên tục nóng trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.
Đồng thời, nấu lại thức ăn thật kỹ, các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng nhất thiết phải được đun kỹ lại. Tránh gây ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác. Nếu bạn bị nhiễm trùng ở bàn tay, hãy băng kỹ và kín vết thương nhiễm trùng đó trước khi chế biến thức ăn.