Liên quan đến vụ cướp 35 tỷ đồng trên cao tốc, để thực hiện hành vi phạm tội của mình, nhóm nghi phạm đã thuê thám tử tư theo dõi gia đình doanh nhân.
Hiện cơ quan Công an đang tích cực điều tra mở rộng, xử lý vụ án dàn cảnh cướp 35 tỷ đồng trên cao tốc TP.HCM- Dầu Giây. Nạn nhân trong vụ việc là một gia đình doanh nhân ngụ TP.HCM.
Nhóm đối tượng bị bắt, khởi tố gồm: Hồ Ngọc Tài (31 tuổi), Trần Ngọc Hoàng (37 tuổi, cùng quê Đà Nẵng), Mai Xuân Phốt (28 tuổi, quê Quảng Nam), Nguyễn Văn Đức (24 tuổi, quê Đắk Lắk), Trương Chí Hải (31 tuổi), Trịnh Tuấn Anh (35 tuổi) và Bùi Quang Chung (24 tuổi, cùng ở TP.HCM).
7 nghi phạm trong vụ án. Ảnh: VTC News |
Theo kết quả điều tra ban đầu, nhóm nghi phạm từng kinh doanh tiền điện tử và thua lỗ nặng. Cho rằng vị doanh nhân ở TP.HCM là nguyên nhân khiến các đối tượng thất bại nên đã lên kế hoạch bắt cóc để chiếm đoạt tài sản.
Để thực hiện hành vi phạm tội của mình, nhóm đối tượng đã tìm thuê một thám tử tư để theo dõi hành tung của gia đình vị doanh nhân.
Cụ thể, nhóm đối tượng đã thuê Mai Xuân Phốt (28 tuổi, quê Quảng Nam) làm thám tử tư. Phốt trước kia làm cho một công ty thám tử tư, sau đó ra lập công ty làm riêng. Phốt là người rất giỏi công nghệ nên việc theo dõi gia đình nạn nhân không gây khó khăn gì.
Sau khi theo dõi, Phốt đã báo rõ hành tung của gia đình vị doanh nhân cho nhóm nghi phạm gây án.
Sau khi cướp được số tiền trên, nhóm đối tượng trả công cho giang hồ và Phốt trên 1 tỷ đồng, số còn lại chia nhau tiêu xài.
Trả lời báo Vietnamnet, luật sư Phạm Thu Hà cho hay, hành vi của người được thuê thực hiện dịch vụ thám tử, theo dõi tung tích, hành vi của gia đình nạn nhân cũng cần phải xem xét liệu có phải đồng phạm đối với nhóm đối tượng trên hay không?
"Theo nội dung vụ việc, băng nhóm trên đã cướp của ông K. (vị doanh nhân nạn nhân trong vụ án) khoảng 35 tỷ đồng. Số tiền này chúng trả công cho giang hồ và thám tử trên 1 tỷ đồng, số còn lại chia nhau.
Thám tử biết rõ hành vi theo dõi để phục vụ cho kế hoạch cướp tài sản, bắt cóc con tin của các đối tượng thì sẽ là đồng phạm trong các tội trên.
Cần phải có kết luận điều tra của cơ quan công an để khẳng định nhóm này liên quan ở mức độ nào và bị xử lý ra sao", luật sư Thu Hà nói.
Luật sư Hà cho hay, theo Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.
Do đó, mọi hành vi xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là vi phạm pháp luật. Cả người cung cấp thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của người khác và thám tử sử dụng thông tin này để điều tra, theo dõi đều có thể bị xử lý theo quy định hiện hành.
Hoàng Yên (T/h)