Cháu bé 3 tuổi bị viêm sưng bất thường ở mắt và chưa đầy 14 giờ nhập viện cháu bé đã tử vong, bác sĩ kết luận viêm mắt do vi khuẩn.
Bệnh nhi viêm mắt tử vong sau 1 ngày nằm viện: Gia đình cần một lời xin lỗi
Nhập viện chưa đầy 14h, cháu bé 3 tuổi bị viêm sưng ở mắt bất ngờ tử vong ở Bệnh viện Nhi Quảng Nam khiến gia đình bức xúc. Dù Bệnh viện đã đưa ra kết luận nhưng gia đình cần một lời xin lỗi để cháu bé ra đi thanh thản.
Bác sĩ Nguyễn Đình Thoại – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Quảng Nam trao đổi với phóng viên về cái chết của cháu Triết |
Sau cái chết của cháu Ngô Minh Triết (3 tuổi trú tại thôn Tân Bình Trung, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, Quảng Nam), ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam đã yêu cầu Bệnh viện Nhi Quảng Nam nhanh chóng làm rõ, báo cáo.
Bệnh viện Nhi Quảng Nam sau đó cũng tổ chức kiểm thảo tử vong, xem lại toàn bộ quá trình chẩn đoán, điều trị, xử lý… Ngày 11/7, bệnh viện đã có kết luận cuối cùng về nguyên nhân tử vong của cháu Triết.
Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi Quảng Nam, lúc 14h ngày 10/7, bệnh viện đã tổ chức họp hội đồng chuyên môn, kiểm thảo tử vong toàn viện và đưa ra kết luận.
Theo đó, bệnh nhân khởi bệnh cách ngày nhập viện 3 ngày với sốt cao, mắt trái đỏ, chảy ghèn, sau đó sưng, nóng, đỏ, đau mi trên mắt trái, có tự điều trị tại nhà nhưng không đỡ nên nhập viện vào lúc 8h15 ngày 6/7.
Từ lúc nhập viện, trẻ sốt cao liên tục, mắt trái chảy mủ xanh, bụng chướng, nôn mửa nhiều lần, cháu được chuyển Khoa Hồi sức trung tâm lúc 20h30 cùng ngày.
Tại khoa Hồi sức trung tâm, bệnh diễn biến nặng dần, có dấu hiệu sốc nhiễm trùng nên được xử trí tích cực với bù dịch, thuốc kháng sinh, thuốc vận mạch, đặt nội khí quản, bóp bóng qua nội khí quản và ép tim ngoài lồng ngực.
Trẻ được hồi sức tích cực liên tục, đến 1h10 ngày 7/7, trẻ tử vong hẳn. 1 ngày sau tử vong, có kết quả cấy máu và cấy mủ mắt dương tính Proteus spp.
Theo kết luận cuối cùng của bệnh viện, bệnh diễn biến nhanh và nặng nhưng đã được thăm khám, chẩn đoán, tiên lượng và xử trí kịp thời, chính xác, đầy đủ và đúng các quy chế chuyên môn.
Chẩn đoán cuối cùng, sau khi có kết quả cấy máu và mủ mắt, cháu Triết bị nhiễm trùng huyết do Proteus spp. Bệnh kèm Abscess mi trên mắt trái do Proteus spp, viêm phổi. Biến chứng: Sốc nhiễm khuẩn - trụy hô hấp và tuần hoàn không hồi phục.
Chị Nguyễn Thị Thúy Vy – mẹ cháu Triết rất đau buồn vì cái chết của con mình chỉ mong một lời xin lỗi |
Ở khía cạnh khác, trao đổi với PV, chị Nguyễn Thị Thúy Vy cho hay chị đã đến bệnh viện và được bệnh viện thông báo bệnh của con mình bị nhiễm trùng máu và bệnh phụ viêm phổi… Đây là nguyên nhân dẫn đến tử vong.
Còn trước đó, theo trình bày của anh Ngô Minh Thiện, bố cháu Triết, gia đình rất bức xúc trước cái chết của con mình.
Theo đó, khoảng hơn 7h30 ngày 6/7, gia đình đưa cháu Triết nhập Bệnh viện Nhi Quảng Nam (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) do cháu bị viêm sưng ở mắt. Sau đó bác sĩ cho nhập viện điều trị ở khoa Ngoại.
Đến khoảng 8h30, điều dưỡng tiêm thuốc cho cháu. Sau khi tiêm thuốc cháu có biểu hiện sốt nhẹ nhưng vẫn bình thường. Đến 17h cùng ngày, cháu được tiếp tục tiêm thuốc, bác sĩ có làm siêu âm, xét nghiệm máu.
Tuy nhiên đến khoảng 19h cùng ngày cháu sốt cao, bác sĩ đã đưa cháu lên phòng hồi sức cấp cứu. Từ 21h thì cháu Triết sốt cao hơn (khoảng 39,5-40 độ C), chân bị tê cứng. Sau khi bác sĩ chích thêm thuốc thì tay chân cháu bị tê cứng, mắt lờ đờ, thở hổn hển, người sốt cao… Mặc dù các bác sĩ đã cố gắng nhưng đến khoảng 1h ngày 7/7, cháu Triết tử vong.
Khi gia đình hỏi nguyên nhân vì sao cháu tử vong nhanh như vậy thì các bác sĩ ở bệnh viện giải thích là do cháu Triết có nhiều bệnh biến chứng.
Trước giải thích trên của bác sĩ, gia đình rất bức xúc. Vì khi nhập viện các sĩ chẩn đoán cháu Triết chỉ bị áp-xe mi mắt trái, nhưng khi cháu tử vong lại giải thích cháu bị nhiều bệnh biến chứng.
Tuy nhiên, sau khi nghe bệnh viện thông báo, mẹ bé Triết bày tỏ: “Dù sao cháu cũng đã tử vong, nhưng gia đình mong muốn bệnh viện Bệnh viện Nhi Quảng Nam cần đưa ra một lời xin lỗi về sự tắc trách trong khâu khám bệnh cho con tôi để cháu ra đi được thanh thản”.
Viêm kết mạc ở trẻ: Phát hiện và chữa thế nào?
Bệnh viêm kết mạc ở trẻ nhỏ ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và học tập của trẻ. Ðây lại là nhóm bệnh về mắt phổ biến nhất nên rất cần sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ và thầy cô giáo.
Bệnh viêm kết mạc ở trẻ nhỏ ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và học tập của trẻ. Ðây lại là nhóm bệnh về mắt phổ biến nhất nên rất cần sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ và thầy cô giáo. Bệnh thường gặp vào mùa xuân do thời tiết ấm và ẩm rất thuận lợi cho vi khuẩn, virut phát triển và có nhiều phấn hoa.
Các thể VKM ở trẻ nhỏ
Viêm kết mạc (VKM) là tình trạng viêm nhiễm của kết mạc, đây là lớp màng trong suốt bao bọc quanh củng mạc và bên trong mí mắt, lớp màng này tiết ra chất nhờn để bôi trơn bề mặt của mắt. Khi kết mạc bị viêm, mắt sẽ bị đỏ, chảy nhiều nước mắt và ngứa. Hầu hết bệnh xảy ra ở một mắt trước rồi mới lây sang mắt bên kia.
Có 3 thể viêm kết mạc: Một là, VKM nhiễm khuẩn, do virut hay vi khuẩn gây ra. Trong đó VKM do virut là phổ biến nhất, thường xảy ra sau khi trẻ bị cảm lạnh hoặc nhiễm khuẩn tai. VKM do vi khuẩn ít gặp hơn, bệnh gây tiết dịch màu trắng giống như mủ, mắt đỏ rõ hơn.
Hai là, VKM kích ứng: xảy ra khi trẻ bị một chất kích ứng, chẳng hạn chất clo trong nước máy hay bị lông mi, bụi hoặc côn trùng bay vào mắt gây đỏ mắt. Ba là, VKM dị ứng: khi có sự tiếp xúc với chất gây dị ứng như phấn hoa, bụi hữu cơ khiến hệ miễn dịch của trẻ phản ứng bất thường.
Bệnh VKM thường gặp ở những trẻ hơn 3 tháng tuổi, vì từ độ tuổi này trẻ thường dụi tay vào mắt và miệng nhiều hơn, do đó dễ dàng làm bệnh dễ lây lan. Khi đến lứa tuổi mẫu giáo, bệnh lại càng phổ biến hơn do sự tiếp xúc thường xuyên của trẻ trong lớp học. Vi khuẩn có thể lây lan từ mũi, miệng, họng và dịch tiết từ mắt do tiếp xúc trực tiếp.
Mặt khác vi khuẩn cũng có thể lây nhiễm vào khăn mặt, từ đây lây nhiễm vào mắt nếu trẻ tiếp xúc với khăn mặt và khăn tay đã bị nhiễm khuẩn.
Phát hiện trẻ bị VKM
Cha mẹ, người bảo mẫu hay thầy cô giáo có thể phát hiện bệnh VKM ở trẻ nhỏ nhờ các triệu chứng như: trẻ có triệu chứng khô mắt, tròng trắng mắt bị đỏ, tiết dịch giống như mủ, khi đó tác nhân gây bệnh là vi khuẩn, hoặc chảy nước nhiều do tác nhân gây bệnh là virut hay dị ứng. Trẻ hay dụi mắt do ngứa và sưng trên mí mắt, sau một đêm ngủ dậy, mắt trẻ có một lớp vảy cứng đóng lại.
Tuy bệnh VKM không gây đau mắt nghiêm trọng, không dẫn đến mất thị giác hay nhạy cảm với ánh sáng, nhưng khi con bạn có bất cứ triệu chứng nào trong các triệu chứng nêu trên, hãy nhanh chóng đưa bé đi khám bệnh.
Kỹ năng chăm sóc trẻ bị VKM
Khi bạn nghi con mình bị VKM, cách tốt nhất là hãy đưa bé đến gặp bác sĩ để được khám và chỉ định có dùng thuốc kháng sinh nhỏ mắt hay không. Nếu là VKM do vi khuẩn thì bác sĩ có thể kê đơn với thuốc nhỏ mắt kháng sinh. Trường hợp VKM do dị ứng thì con bạn sẽ được chỉ định dùng thuốc nhỏ mắt và sirô kháng histamin để điều trị.
Bệnh VKM do virut có thể tự khỏi, thường là sau 3 - 4 ngày mà không cần dùng thuốc, nhưng thay vào đó, bạn cần cho con ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để trẻ có sức đề kháng tốt với bệnh. Có thể dùng khăn bông riêng, thấm nước đun sôi để hơi ấm tay lau mắt cho con một cách nhẹ nhàng mỗi khi thấy trẻ ngứa ngáy hay khó chịu vì dịch tiết ở mắt. Để tránh làm lây lan bệnh hoặc tái nhiễm khuẩn, hãy thường xuyên rửa tay cho bé và cho bạn, đặc biệt là sau khi lau chùi vùng mắt bị nhiễm khuẩn. Không nên dùng chung khăn tắm, khăn lau mặt, lọ thuốc nhỏ mắt.
Tổng hợp