Ngày 9/7, UBND phường Bồ Đề đã có báo cáo gửi Sở GD&ĐT Hà Nội về vụ việc phụ huynh tố giáo viên bạo hành trẻ xảy ra tại Trường Mầm non Gia Thụy (phường Bồ Đề, Hà Nội).
Tạp chí Tri thức dẫn nội dung báo cáo cho hay, 2 giáo viên liên quan đến vụ việc là cô T.T.V. (46 tuổi) và N.T.T.H. (35 tuổi), cùng là giáo viên lớp C2, Trường Mầm non Gia Thụy; trình độ đại học, chuyên ngành Giáo dục mầm non.
Tối 8/7, gia đình chị Hà Kiều T. (phường Bồ Đề) là mẹ đẻ của cháu T.K.L. (4 tuổi) đến công an phường trình báo sự việc. Cụ thể, chiều ngày 5/7, chị T. đón cháu L. tại Trường Mầm non Gia Thụy.
Khi về đến nhà, chị thấy cháu L. có biểu hiện buồn, qua kiểm tra chị phát hiện cháu bị bầm tím ở lưng, nghi bị bạo hành nên đưa đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung Ương (Hà Nội).
Qua kiểm tra, bác sĩ xác định cháu L. tỉnh táo, không phù, da niêm mạc hồng; không khó thở, phổi không rale; tim đều, mạch rõ, bụng mềm, không chướng, gan lách không to... Tuy nhiên, 1/2 phần lưng có đám da có tổn thương xuất huyết rải rác bên trong.
Hình ảnh bé gái 4 tuổi trên cơ thể xuất hiện nhiều vết bầm tím. Ảnh: VTC News
Sau khi tiếp nhận tin báo, Công an phường Bồ Đề đã thiết lập hồ sơ, phối hợp với Phòng Kỹ thuật hình sự, Viện Kiểm Sát Nhân dân khu vực 5 tiến hành khám nghiệm hiện trường, tổ chức điều tra, xác minh làm rõ sự việc.
Cùng với đó, công an phường đã đưa cháu L. đi giám định thương tích, kết quả đang chờ cơ quan có thẩm quyền kết luận.
UBND phường đã yêu cầu ban giám hiệu Trường Mầm non Gia Thụy báo cáo tường trình sự việc, ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác đối với hai giáo viên T.T.V. và N.T.T.H. để phục vụ công tác xác minh, điều tra của các cơ quan có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, nhà chức trách cũng yêu cầu nhà trường họp toàn thể hội đồng sư phạm, nghiêm túc rút kinh nghiệm và quán triệt đạo đức nhà giáo, tuân thủ quy chế chuyên môn của ngành đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.
Chia sẻ trên báo VietNamnet, anh T. (bố của bé L.) cho biết, trong buổi chiều 8/7 khi làm việc với Ban Giám hiệu Trường Mầm non Gia Thụy, gia đình anh yêu cầu phải được xem trích xuất camera mới tiếp tục làm việc. Đến lúc này, gia đình “sốc nặng” khi biết con bị đánh thô bạo, không chỉ bị đánh một, hai cái như giáo viên thừa nhận.
“Theo clip ghi lại, khi đó tất cả các bé đang nằm nhưng chưa bạn nào ngủ, còn hai cô đang ngồi ăn cơm. Sau đó, cô V. đứng dậy chỉ chỏ, tay cầm một vật dài (theo lời cô giáo giải thích, đó chỉ là miếng xốp) đánh vào người con tôi. Cô xách cháu lên đánh, đấm, ném bé đập vào tường rồi văng xuống đất.
Sau đó, cô V. tiếp tục quay sang tóm hai cổ chân một bạn khác nằm cạnh con, dốc ngược lên và ném xuống giường. Đến đây, cô V. vẫn chưa dừng lại và tiếp tục quay ra đá con tôi. Bé chỉ biết khóc để cho cô đánh, trong khi cô giáo còn lại có mặt trong lớp cũng chỉ thờ ơ không can thiệp, xem như chuyện bình thường”, anh T. kể lại.
Theo chia sẻ của Ban Giám hiệu với gia đình, bé L. bị cô giáo đánh do bé không chịu ngủ, nói chuyện gây ồn, làm ảnh hưởng đến các bạn xung quanh.
Sau sự việc, anh T. cho biết nữ giáo viên này cũng nhiều lần nhắn tin xin gia đình tha thứ, đồng thời thừa nhận hành động bạo hành trẻ xảy ra trong lúc nóng giận, không kiểm soát được hành vi.
Tuy nhiên, người bố cho hay, đây không phải lần đầu con mình bị đánh như vậy. Song lần này, khi thương tích rõ ràng trên thân thể, gia đình mới kịp thời phát hiện và can thiệp. Gia đình anh ngay lập tức đã trình báo sự việc lên cơ quan chức năng.
Hiện vợ chồng anh tạm thời để cả hai con (học cùng trường) nghỉ ở nhà vì con sợ, không dám đến trường. Dự kiến, gia đình sẽ cho hai bé chuyển sang một ngôi trường mới.
Trao đổi trên VTC News thông tin liên quan sự việc trên, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, hành vi bạo hành trẻ trong môi trường học đường là điều không thể dung thứ và trách nhiệm không chỉ thuộc về cá nhân mà nằm ở toàn bộ hệ thống giáo dục.
Theo ông, để xử lý tận gốc tình trạng này, điều quan trọng đầu tiên là phải siết chặt và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên.
"Ngay từ các trường sư phạm, cần giúp sinh viên hiểu rõ sứ mệnh của nghề dạy học, chú trọng xây dựng phẩm chất đạo đức và năng lực ứng xử phù hợp. Sinh viên cần được rèn luyện kỹ năng thực tế, được chuẩn bị tâm thế để đối diện với những tình huống trong lớp học một cách có trách nhiệm và nhân văn”, TS Lâm nêu.
Ông cũng lưu ý, vai trò của các cơ sở giáo dục không chỉ dừng lại ở đào tạo chuyên môn mà còn phải thường xuyên giám sát, nhắc nhở đội ngũ giáo viên về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.
Khi xảy ra vi phạm, người đứng lớp phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Trong trường hợp tái phạm hoặc không đáp ứng được tiêu chuẩn đạo đức, cần đình chỉ hành nghề để bảo vệ học sinh.
“Giáo viên không chỉ là người dạy chữ, mà còn là hình mẫu về phẩm chất, lối sống cho học sinh noi theo. Nếu không làm được điều đó, thì không thể tiếp tục đảm nhiệm vai trò trong lớp học", TS Lâm nhấn mạnh.