(ĐSPL) - Liên quan đến vụ 5 triệu Yen bị bỏ quên trong loa thùng cũ, bà Ngọt cho biết chỉ nghe ông Afolayan Caleb kể chứ chưa bao giờ thấy.
Liên quan đến vụ 5 triệu yên nhặt được, báo Thanh Niên đưa tin, việc bà Phạm Thị Ngọt (40 tuổi, ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM) bất ngờ gửi đơn đến Công an Q.Tân Bình xin nhận lại 5 triệu yen của “tỉ phú ve chai” nhặt trước đó có rất nhiều điểm mâu thuẫn.
Cụ thể, bà Ngọt nghi ngờ số tiền 5 triệu yen của chị Hồng nhặt được là của ông Afolayan Caleb (48 tuổi, quốc tịch Nam Phi), người bà gọi là chồng, đã bỏ quên trong thùng loa.
Tuy nhiên, bà Ngọt không có giấy tờ gì hợp pháp chứng minh ông Afolayan Caleb là chồng của bà. Trong khi những người thân của bà Ngọt đều không biết về mối quan hệ vợ chồng giữa bà Ngọt và ông Afolayan Caleb.
[mecloud]C09mw6KY96[/mecloud]
Video: Diễn biến mới vụ 5 triệu Yen bị bỏ quên.
Việc 5 triệu yen bị bỏ quên, bà Ngọt chỉ nghe ông Afolayan Caleb kể chứ chưa thấy bao giờ. Hiện tại, bà Ngọt cũng không nhớ rõ bà cho ông Hòa (anh họ của bà) là máy nghe nhạc hay loa nghe nhạc, nơi nghi ngờ có số tiền 5 triệu yen bỏ quên.
Cũng theo nguồn tin này, ông Hòa cho biết, đã bán ve chai cái thùng loa tại quận Bình Tân cho một người đi xe đạp và nói giọng bắc. Trong khi đó, chị Hồng khẳng định chưa bao giờ đi mua ve chai bằng xe đạp.
Trước thông tin cho rằng Công an quận Tân Bình sẽ chuyển hồ sơ vụ chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (người nhặt ve chai) nhặt được 5 triệu Yen Nhật trong thùng loa cũ, cho tòa giải quyết, trao đổi trên báo Người lao động, ông Nguyễn Văn Trí, chánh án TAND Tân Bình cho biết đến thời điểm hiện tại, TAND quận Tân Bình chưa nhận bất kỳ hồ sơ, tài liệu hay chứng cứ liên quan đến vụ việc tranh giành quyền sở hữu 5 triệu Yen, ngoại trừ 1 công văn của cơ quan CSĐT. Công văn này cho rằng do diễn biến sự việc phát sinh tranh chấp nên cơ quan CSĐT sẽ chuyển hồ sơ sang tòa án để giải quyết.
Liên quan đến vụ việc, trao đổi với Tuổi Trẻ, chị Hồng cho biết trưa cùng ngày, luật sư Hà Hải và chị đã trao đổi nhiều thông tin và chị đồng ý để luật sư Hải hỗ trợ pháp lý.
Như tin tức đã đưa, sát ngày giải quyết quyền sở hữu 5 triệu Yen Nhật cho vợ chồng chị Hồng (ngày 28/4)) thì bà Phạm Thị Ngọt bất ngờ xuất hiện, nộp đơn trình báo với Công an Q.Tân Bình cho rằng tài sản này là của chồng bà.
Vụ 5 triệu Yen trong loa thùng cũ: Xuất hiện tình tiết lạ.
Theo lời bà Ngọt, sau khi chồng về nước, tháng 11/2013 bà dọn nhà và cho ông anh họ bộ loa mà ông Afolayan Caleb hay sử dụng gắn vào máy tính xách tay để nghe nhạc mà không biết trong đó có tiền. Người anh họ này sau đó đã bán bộ loa cho một người mua ve chai...
Tuy nhiên, nhiều luật sư cho rằng, người xuất hiện ở phút 89 không đủ tư cách nhận tiền, số tiền 5 triệu Yen nên cho chi Hồng được hưởng.
Theo luật gia Đặng Văn Sơn (Hội Luật gia Việt Nam), người nộp đơn yêu cầu muốn nhận tài sản phải chứng minh số tiền trên là thuộc sở hữu hợp pháp. Người phụ nữ cho rằng số tiền này là của chồng mình thì phải chứng minh được nguồn gốc cũng như phương thức gửi tiền. Nếu gửi qua ngân hàng phải có chứng từ của ngân hàng, nếu gửi bằng các phương thức khác cũng phải có đầy đủ chứng từ hợp pháp.
Theo luật sư Sơn, nếu vận chuyển bất hợp pháp số tiền lớn như vậy qua biên giới thì người chuyển tiền có thể bị khởi tố theo Điều 154 Bộ luật hình sự về tội "Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới".
“Không thể nhận bừa!” -đó là khẳng định của luật sư Trần Đức Hùng (Trưởng văn phòng luật sư Đức Hùng). Luật sư Hùng cho biết, nếu bây giờ bà Ngọt đứng ra nhận số tiền thì buộc phải trong thời hạn 1 năm không có ai nhận số tiền đó, đồng thời bà Ngọt phải chứng minh được mình là chủ sở hữu thực sự.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, ông Quách Hữu Thái, Phó chánh tòa Dân sự TAND TP.HCM, cũng cho rằng giữa bà Ngọt và ông Caleb chỉ đăng ký kết hôn tại Nigeria mà chưa thực hiện thủ tục ghi chú tại Sở Tư pháp TP.HCM nên quan hệ hôn nhân giữa bà và ông Caleb chưa được công nhận tại VN. Do đó, vấn đề tài sản chung vợ chồng là không được công nhận.
MAI NGUYÊN (Tổng hợp)