Liên quan đến vụ 3 người thương vong ở Bình Thuận, luật sư Hải cho rằng, đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe tài tài sản của nhiều bị hại. Đối tượng gây án có dấu hiệu cấu thành nhiều tội danh khác nhau.
Vụ án mạng xảy ra tại chùa Quảng Ân (thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) khiến sư thầy Thích Nguyên Lộc (57 tuổi) và nữ phật tử Nguyễn Bảo Yến (19 tuổi) tử vong, nữ phật tử Nguyễn Thị Phượng (43 tuổi, mẹ của nạn nhân Yến) đang khiến dư luận xôn xao.
Hiện cơ quan đã bắt giữ được nghi phạm gây án là Nguyễn Thanh Tâm (31 tuổi, trú tại khu phố 5, thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân, Bình Thuận).
Liên quan đến vấn đề pháp lý của vụ án mạng, trả lời PV báo Đời sống & Pháp luật, luật sư Phạm Ngọc Hải (Công ty Luật AMI) cho hay, đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe tài tài sản của nhiều bị hại. Đối tượng gây án có dấu hiệu cấu thành nhiều tội danh khác nhau.
"Đối với hành vi giết 02 người là sư thầy Thích Nguyên Lộc cùng nữ phật tử Nguyễn Bảo Yến có dấu hiệu cấu thành tội phạm tội “Giết người” theo quy định tại Khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với tình tiết định khung tăng nặng “Giết 02 người trở lên” và “Để thực hiện hoặc che dấu tội phạm khác”, tùy tình tiết vụ án còn có thể áp dụng thêm tình tiết “Có tính chất côn đồ”. Hình phạt có thể được áp dụng là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm", luật sư Hải cho hay.
Đối với hành vi tấn công mẹ của nạn nhân Yến bị thương nặng cần xem xét ý chỉ chủ quan và cách thức gây án của đối tượng nếu nhằm mục đích tước đoạt mạng sống của nạn nhân nhưng vì các lý do khác nên nạn nhân chỉ bị thương nặng mà không chết thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội “Giết người” theo điều khoản đã dẫn ở trên. Nếu ý chí của đối tượng chỉ nhằm mục đích gây thương tích để bỏ trốn mà không muốn tước đoạt mạng sống của nạn nhân thì có dấu hiệu cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức hình phạt tù từ 06 tháng đến tù chung thân tùy thuộc vào tỷ lệ tổn thương cơ thể được giám định.
Nghi phạm Tâm tại cơ quan công an. Ảnh: Báo Bình Thuận |
Theo luật sư Hải, đối với hành vi đột nhập vào chùa Quảng Ân để trộm cắp tài sản của nghi phạm thì cần làm rõ thêm tình tiết vụ án để xác định có dấu hiệu cấu thành tội phạm tội “Trộm cắp tài sản” hay tội “Cướp tài sản”, cụ thể:
Nếu đối tượng chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng bị phát hiện và bị bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ, sau đó có hành vi chống trả nhằm tẩu thoát thì có dấu hiệu cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” theo Điều 173 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với tình tiết định khung tăng nặng tại Khoản 2: “Hành hung để tẩu thoát”. Mức phạt tù được áp dụng là từ 02 đến 07 năm, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Nếu đối tượng chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại mà tiếp tục dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản thì có dấu hiệu cấu thành tội “Cướp tài sản” theo quy định tại Khoản 1 Điều 168 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trong khi đó, luật sư Mai Quốc Việt (Công ty Luật FDVN) cho rằng, hiện tại thông tin vẫn chỉ là lời khai ban đầu của Tâm, vậy nên để xác định chính xác Tâm có thực hiện hành vi phạm tội hay không, cũng như hành vi đã thực hiện sẽ phạm vào tội danh nào thì Cơ quan điều tra sẽ tiến hành khám nghiệm hiện trường, thu thập lời khai, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ án.
Ngoài ra, việc điều tra sẽ làm rõ được chính xác động cơ, mục đích phạm tội của đối tượng để từ đó áp dụng tội danh xử lý cho đúng với quy định của pháp luật như việc hình thành ý định ban đầu là đi ăn trộm, bị phát hiện rồi mới thực hiện hành vi giết người; hay là hành vi chủ đích ban đầu là vào giết người, còn việc lấy tài sản chỉ để đánh lạc hướng cơ quan điều tra,…..
Tuy nhiên, với những hậu quả, diễn biến sự việc, nếu xác định được là do đối tượng Tâm thực hiện thì tội danh mà Tâm có thể phải chịu là Tội Giết người và Tội Cướp tài sản.
Theo đó, tại điểm a khoản 1 Điều 123 Bộ Luật hình sự 2015 về Tội Giết người thì với hành vi sát hại, gây tử vong cho hai nạn nhân thì đối tượng Tâm có thể chịu hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Luật sư Mai Quốc Việt |
Đối với hành vi lấy 3 chiếc điện thoại di động sau khi gây án thì đối tượng Tâm có thể bị xử lý về Tội Cướp tài sản theo quy định tại Điều 168 Bộ Luật Hình sự 2015, với mức phạt tù có thể từ 07 năm đến 15 năm nếu giá trị tài sản chiếm đoạt từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
Như vậy, nếu cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được hành vi phạm tội của Tâm thì với tính chất và mức độ nguy hiểm mà Tâm đã thực hiện thì có khả năng sẽ phải chịu hình phạt cao nhất là tử hình.
Khoảng 16h ngày 23/3, người thân nhận được điện thoại của bà Nguyễn Thị Phượng báo tin đang nguy kịch tại chùa Quảng Ân nên trình báo cơ quan công an. Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện Thượng tọa Thích Nguyên Lộc nằm chết trên võng, cách đó khoảng 2m là thi thể của nữ phật tử Nguyễn Bảo Yến. Cả hai tử vong do vật cứng đánh vào đầu, tổn thương sọ. Riêng bà Phượng bị nhiều vết thương vào đầu và người nhưng may mắn sống sót. Vào cuộc điều tra, cơ quan công an đã tiến hành bắt giữ khẩn cẩp nghi phạm Nguyễn Thanh Tâm. Bước đầu Tâm khai 0h ngày 23/3 đã đột nhập vào chùa Quảng Ân để trộm cắp. Bị phát hiện, Tâm đã sát hại 2 nạn nhân, đánh trọng thương bà Phượng rồi bỏ trốn. |
Hoàng Yên