Ngày 22/8, trong khi đi hái măng tại khu vực rừng thuộc xã Đak Rong (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), giáp ranh xã Hiếu, người dân phát hiện 2 thi thể đã phân hủy hoàn toàn, chỉ còn trơ bộ xương khô.
Tại hiện trường, 1 thi thể ở trên võng, 1 thi thể ở dưới đất. Trong đó, thi thể nằm trên võng là người khoảng 10-15 tuổi, thi thể ở dưới đất là người khoảng 30-50 tuổi. Hai thi thể đã bị phân hủy hoàn toàn, chỉ còn bộ xương khô, quần áo đã mục nát. Lực lượng chức năng cũng phát hiện nhiều vật dụng như vali, ba lô, quẹt lửa, dao, nồi và một số tư trang cá nhân. Đáng nói, tại hiện trường còn có một số hiện vật mang tính tâm linh là tượng thần tài màu đỏ và tượng tỳ hưu màu xanh ngọc được đặt cố định trên nền đất cao.
Quanh khu vực phát hiện thi thể có một đống lửa đã tàn và xoong nồi nấu ăn. Hiện trường còn gọn gàng, không lộn xộn.
Khu vực phát hiện 2 bộ xương khô ở trong khu rừng rậm rạp, trên sườn dốc, gần suối nước, cách đường Trường Sơn Đông 1,5km. Vị trí này hầu như không có người qua lại.
Sau khi hoàn tất các công tác khám nghiệm, cơ quan công an đã bàn giao cho xã Đak Rong tổ chức mai táng, chôn cất 2 thi thể này tại nghĩa trang huyện Kbang, tối 24/8.
Trong quá trình điều tra, lực lượng chức năng phát hiện chiếc xe máy được cho là của nạn nhân để lại trong khu vực rừng thuộc xã Đak Rong (huyện Kbang). Qua rà soát từ số khung, số máy, xác định chiếc xe máy có nguồn gốc đăng ký tại tỉnh Đắk Lắk.
Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng phát hiện một căn phòng trọ ở TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) được cho là nơi ở của nạn nhân trước đó. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện nhiều hiện vật như tượng tỳ hưu, tượng thần tài, tương tự như các vật tâm linh đã được tìm thấy ở hiện trường nơi phát hiện 2 bộ xương khô.
Bước đầu công an xác định được danh tính 2 người chết mà thi thể đã phân hủy chỉ còn bộ xương khô này, là anh H.Q.B (SN 1985) và con trai là H.Q.K (SN 2011) - thường trú tại đường An Dương Vương, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lắk).Ngày 28/8, Công an tỉnh Gia Lai đã liên hệ và mời bà N.T.T.H. (SN 1965, trú tại tỉnh Đồng Nai) lên làm việc. Bà N.T.T.H được cho là mẹ anh H.Q.B và là bà nội cháu H.Q.K.
Tại buổi làm việc, bà N.T.T.H và những người thân đi cùng đã nhận dạng phần răng cửa của anh H.Q.B bị gãy và một số vật dụng tại hiện trường như va li, ba lô, mũ bảo hiểm, giày, áo khoác, khăn quàng cổ, xe máy... Qua đó, bà N.T.T.H khẳng định đây chính là con trai và cháu nội của mình.
Công an tỉnh Gia Lai đã lấy mẫu để tiến hành giám định ADN bà N.T.T.H. và 2 bộ xương nói trên để xác định chính xác danh tính nạn nhân.Theo báo VTC News, chị Đinh Thị Thuật (29 tuổi, trú xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) là người đầu tiên phát hiện 2 bộ xương khô trong rừng ở Gia Lai.
Chị Thuật kể sáng sớm 22/8, chị chuẩn bị các vật dụng, sau đó cùng con gái là Y Mai (10 tuổi), chị Đinh Thị Nhăk (28 tuổi) và một nhóm 7 người khác, vào rừng giáp ranh giữa 2 tỉnh Gia Lai - Kon Tum để tìm lan.
Đường khó đi, lan thường nằm sâu trong rừng nên cả nhóm dừng lại 1-2 lần nghỉ ngơi. Đến khoảng 15h ngày 22/8, nhìn xa xa, chị Thuật và chị Nhăk thấy chiếc lán bỏ hoang giữa rừng. Họ cùng cháu Mai đến gần để xem.
"Ban đầu, mình thấy cũng không có gì bất thường nên định quay đi. Nhưng vì tò mò, mình tiến gần hơn thì giật thót tim khi thấy 2 bộ xương người. Ngay lúc đó hồn tiêu phách tán, mình đứng bất động khoảng mấy giây. Sau khi hoàn hồn, tụi mình dẫn con rồi chạy một mạch ra khỏi rừng, báo ngay với chính quyền xã", chị Thuật nhớ lại.
Trong khi đó, chị Nhăk cho hay, bao nhiêu năm đi vào rừng, nhưng đây là lần đầu tiên gặp sự việc.
"Hình ảnh về 2 bộ xương khô cứ ám ảnh tôi mãi, đêm trằn trọc, khó ngủ", chị Nhăk cho hay.
Theo chị Thuật và chị Nhăk, đường trong rừng rất hiểm trở, chủ yếu là đường mòn, lối nhỏ. Ít ai lường trước được những gì mình sẽ gặp phải trong rừng. Với những người chưa đi rừng thành thạo, vô tình uống nước suối thôi cũng sẽ có nguy cơ bị trúng độc. Hay lỡ va vào những cây như cây sơn, toàn thân sẽ bị lở loét, ngứa ngáy.
"Lúc vào rừng, mọi người phải mang theo nước uống và thức ăn của riêng mình. Tuyệt đối không được tò mò ăn thử các loại cây, quả hay nấm khi chưa biết đó là gì và có ăn được không. Khi đi rừng, mọi người cũng nên đi theo nhóm đông người để trường hợp lỡ xảy ra tai nạn còn có thể giúp đỡ lẫn nhau", chị Thuật chia sẻ.
Nội dung: Hoàng Yên (T/h)
Ảnh: VTC News, Dân Trí, Lao động, Thanh Niên
DOISONGPHAPLUAT.COM |