Trong những ngày qua, clip quay hình ảnh một nhà sư đến cửa hàng bán điện thoại di động để mua iPhone 6 gây xôn xao dư luận. Sự việc lại càng làm mọi người chú ý hơn khi trên Facebook cá nhân của mình, vị sư này đã đăng ảnh đang “đập hộp iPhone 6” cùng với lời giải thích: “"Mới có 5 ngày mà điện thoại iphone 6 đã về đến TP Hải Dương, tại cửa hàng số 5 đường Hoàng Văn Thụ. Được tận tay chạm và mang về 1/9 âm có lộc".
Sau đó, nhà sư lại tiếp tục đăng tải lên trang Facebook cá nhân ảnh chụp cùng chiếc điện thoại Vertu có giá trên 600 triệu đồng. Nhà sư được xác định là Đại đức Thích Thanh Cường, trưởng Ban trị sự Phật giáo huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương), trụ trì chùa Cương Xá.
“Một buổi tụng kinh chỉ từ 50.000-100.000 đồng là đủ"
Trao đổi với phóng viên VOV.VN về việc này, Đại đức Thích Quảng Thuyết, Phó Văn phòng Ban Trị sự, Trưởng Ban truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương cho rằng, thành phần của Tam Bảo có Phật, Pháp và Tăng, tức là cõi Phật có Phật, Pháp thì có các bộ kinh điển Phật; còn Tăng có các vị chư tăng, chư ni, đệ tử xuất gia tu hành. Nếu nhà sư mà nói tài sản của mình do đi cúng, đi độ đám, tự túc sản xuất canh tác mà có, thì họ sẽ trở thành một vị thầy độ đám, không còn là một vị sư nữa.
Ảnh trên Facebook của Đại đức Thích Thanh Cường. |
“Chúng tôi thường nói với nhau là hãy nhìn vào bên ngoài, những người xuất gia chúng tôi, thường thì 11h sáng, 5h chiều đã được ngồi ăn cơm. Trong khi ngoài kia, các tín đồ, người dân còn đang làm việc vất vả. Như vậy là chúng tôi đã sung sướng lắm rồi Một người thợ đi làm thì chỉ được trả tiền công khoảng 200.000 đồng/ngày. Mà bây giờ các sư được cúng lễ rất nhiều. Đây là vì người ta kính Phật, kính Tam Bảo thì cúng cho các sư để nhà chùa làm hộ họ việc công đức Tam Bảo”- Đại đức Thích Quảng Thuyết nói.
Theo Đại đức Thích Quảng Thuyết, nếu trả công cho các sư, thì một buổi tụng kinh chỉ từ 50.000-100.000 đồng là đủ. “Bởi vì chúng tôi đại diện cho Phật, giúp các Phật tử cúng bái, độ đám hay làm các việc công đức… Các Phật tử có thể cúng 1 triệu đồng, 2 triệu đồng hoặc nhiều hơn là vì người ta trọng Phật, trọng đạo pháp của Phật mà cúng Giàng. Đó không thể cho rằng là tiền riêng của các sư, vì các sư là thành phần của Tam Bảo. Phật tử gửi tiền các sư là gửi Tam Bảo thì đúng hơn, đừng nói rằng mình đi độ đám mà có tiền”- Đại Đức Thích Quảng Thuyết nói.
“Chúng tôi không có gì ngoài thân này”
Đại Đức Thích Quảng Thuyết nhấn mạnh, “chúng tôi có quan niệm, người dân cúng dường thì đều là tiền Tam Bảo, hay tiền công đức cũng thế. Đối với các sư tu hành thì Phật dạy trên tinh thần “tam thường bất túc”, nghĩa là khi những việc bình thường hàng ngày như ăn, mặc, ngủ, nghỉ… trên tinh thần biết hưởng và biết thế nào là đủ. Biết đủ là phải trên phương diện của Phật, chứ không suy diễn “biết thế nào là đủ”. Đủ ở đây là trên phương diện của người tu. Bởi vì tiền bạc không phải là tài sản của người tu, mà tiền bạc là tài sản của thế gian, là tài sản chung cúng dường Tam Bảo. Chúng tôi không có gì ngoài thân này. Thân này lúc thác còn phải trả lại, trở về thế giới vô không. Từ 3 tấm cà sa, hay bình bát gọi là tài sản riêng của các sư, cũng chỉ là mượn của Tam Bảo, khi thác chúng tôi còn phải mang trả lại cho chư tăng”.
Thầy Cường khoe ảnh "đập hộp iPhone 6". |
Đại Đức Thích Quảng Thuyết cho rằng, Phật không cấm việc sử dụng phương tiện thuận lợi cho việc tu hành tùy theo từng thời đại, nhưng phải biết sử dụng sao cho phù hợp. “Mặc dù có vertu hay không có vertu, có iphone hay không có iPhone, có ô tô hay không… nhưng việc truyền thông của vị sư này làm cho mất hình ảnh của các vị chư tăng, làm ảnh hưởng đến uy tín Giáo hội”.
Trả lời câu hỏi của PV khi xã hội phát triển, dư luận có quá khắt khe với việc nhà chùa dùng các phương tiện kỹ thuật hiện đại, Đại đức Thích Quảng Thuyết cho rằng: “Tôi không kết luận xã hội có quá khắt khe hay không, nhưng đối với một nhà sư, trên tinh thần của Phật giáo Đại thừa, thì tất cả chỉ là phương tiện để phục vụ đời sống hàng ngày. Khi các sư sử dụng điện thoại, ipad thì đó chỉ là phương tiện hành đạo cho thuận thiện hơn. Ví dụ, ngày xưa không có máy ghi âm nên kinh điển được chép lại trên lá bối. Nhưng thời đại ngày nay, chúng ta có máy tính, máy ghi âm nên thuận tiện hơn nhiều. Nhưng các sư phải sử dụng làm sao trên con mắt của người trí tuệ. Về quan điểm của tôi, qua theo dõi các môn phái, tôi thấy rất phục nhiều nơi có các quy định sử dụng phương tiện hiện đại. Như ở Làng Mai của sư ông Thích Nhất Hạnh, cho phép sử dụng vi tính, nhưng khi vào máy tính phải có 2 người trở lên. Một người không được xem, mà phải có 2 người để cùng nhau kiểm điểm. Phải sử dụng trên tinh thần phải cảnh giác, không mê đắm vào những chuyện thế gian”.