Hôm nay (ngày 21/1), Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp rút nước này khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ông Trump cho rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã "ứng phó sai với COVID-19" và "không thông qua các cải cách cần thiết" để xử lý đại dịch này. Ông nhận định WHO yêu cầu Mỹ "trả những khoản chi phí quá cao một cách bất công", trong khi mức chi trả của Trung Quốc ít hơn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Theo Washington Post, động thái này không nằm ngoài dự đoán. Ông Trump đã chỉ trích WHO kể từ năm 2020, không đồng tình với cách tiếp cận của tổ chức này đối với COVID-19 và đe dọa sẽ ngừng khoản viện trợ của Mỹ. Tháng 7/2020, ông Trump chính thức thực hiện các bước để rút khỏi WHO. Nhưng sau khi thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng, tiến trình này bỏ ngỏ. Vào ngày đầu tiên nhậm chức, 20/1/2021, cựu Tổng thống Joe Biden đã ngăn chặn sắc lệnh này.
Việc rời khỏi WHO đồng nghĩa Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) sẽ không có quyền truy cập vào dữ liệu toàn cầu mà tổ chức cung cấp.
Các chuyên gia y tế công cộng cho rằng động thái này sẽ làm suy yếu vị thế của Mỹ với tư cách là nước dẫn đầu về y tế toàn cầu.
Ngoài ra, việc Mỹ khỏi WHO gây ra bốn tác động tiêu cực chính, gồm thiếu hụt tài chính, gián đoạn chương trình, khoảng trống lãnh đạo trong lĩnh vực y tế toàn cầu, và ảnh hưởng an ninh y tế của Mỹ.
Mỹ đóng góp khoảng 20% tổng ngân sách của WHO và lên tới 50% ngân sách dành cho các trường hợp khẩn cấp y tế. Việc rút khỏi WHO sẽ tạo ra một lỗ hổng tài chính lớn, có thể cản trở khả năng phản ứng trước các tình huống khẩn cấp và duy trì các chương trình y tế hiện có của tổ chức này.
Việc giảm nguồn tài trợ có thể buộc WHO phải thu hẹp hoặc ngừng các sáng kiến quan trọng như giám sát dịch bệnh, chiến dịch tiêm chủng và ứng phó khẩn cấp, ảnh hưởng xấu đến kết quả y tế toàn cầu.
Theo đó, quyết định này được cho sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng đối với hoạt động của WHO cũng như sức khỏe cộng đồng toàn cầu, làm suy yếu nỗ lực ứng phó các tình huống khẩn cấp về y tế, làm giảm hợp tác y tế quốc tế…
Trụ sở WHO. Ảnh minh họa
Được thành lập vào năm 1948 với sự giúp đỡ của Mỹ, WHO là cơ quan của Liên Hợp Quốc. Nhiệm vụ của tổ chức là "đối mặt với những thách thức y tế lớn nhất trong thời đại và cải thiện đáng kể sức khỏe của người dân trên thế giới".
WHO viện trợ cho các khu vực bị chiến tranh tàn phá như Gaza, theo dõi các dịch bệnh mới nổi như Zika, Ebola và Covid-19. Ngân sách hàng năm của WHO là khoảng 6,8 tỷ USD, trong đó Mỹ đóng góp một phần lớn.
WHO chưa bình luận về động thái này.
Theo nghị quyết của Quốc hội năm 1948, Mỹ có thể rút khỏi WHO nhưng phải thông báo trước một năm và phải trả các khoản phí còn thiếu.