Nhà máy hoá chất Azot đang trở thành một địa điểm quan trọng tại "điểm nóng" giao tranh Severodonetsk ở miền Đông Ukraine khi các lực lượng Nga tiến vào khu vực này. Tình hình trên mặt đất trong những ngày qua đã thay đổi một cách nhanh chóng và sự an toàn của người dân trong khu vực đã trở thành mối quan tâm hàng đầu.
Một thủ lĩnh phe ly khai Luhansk cho biết, các lực lượng Nga dự kiến sẽ mở một hành lang nhân đạo, tạo điều kiện sơ tán người dân khỏi nhà máy này. Tuy nhiên, ông Serhiy Haidai, thống đốc Ukraine ở Luhansk, đã bày tỏ hoài nghi về những ý định của Nga.
Tình hình tại nhà máy Azot
Nhà máy hoá chất Azot là nhà máy lớn nhất ở thành phố Severodonetsk, thành phố công nghiệp Ukraine cách biên giới Nga khoảng 130km. Đến thời điểm hiện tại, Severodonetsk là thành phố lớn cuối cùng ở vùng Luhansk vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát của Ukraine. Sau Mariupol, Severodonetsk đã trở thành mục tiêu tấn công mới nhất của Nga tại miền Đông Ukraine.
Trước khi chiến dịch quân sự đặc biệt nổ ra, nhà máy Azot từng hoạt động như một nhà sản xuất amoniac chính, được sử dụng trong nông nghiệp làm phân bón. Có thời điểm, nhà máy này có tới 7.000 người làm việc tại đó. Hiện tại, Ukraine ước tính có hơn 500 người dân, bao gồm 38 trẻ em, đang trú ẩn bên trong nhà máy này.
Severodonetsk là thành phố lớn cuối cùng ở Luhansk còn nằm dưới tầm kiểm soát của Ukraine. Ảnh: AFP
Theo ông Leonid Pasechnik, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng, lực lượng ly khai đã tiến vào nhà máy nhưng không thể đánh bại các binh sĩ Ukraine đang trú ẩn bên trong. Được biết, người ta vẫn có thể nghe thấy tiếng súng nổ và pháo kích nổ từ phía trong nhà máy nhưng không chắc các boongke có thể giữ được an toàn cho họ trong bao lâu.
Các nhà chức trách Ukraine thông tin ít nhất 70% Sievierodonetsk hiện đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga.
Ông Haidai cho biết tuần trước, các cuộc pháo kích của Nga đã gây ra một đám cháy lớn tại nhà máy Azot. Ông thông tin ngọn lửa bắt đầu bùng lên sau khi dầu rò rỉ từ các bộ tản nhiệt bị hỏng của nhà máy và bốc cháy.
Không rõ liệu có thương vong trong vụ hoả hoạn này hay không.
Tình hình ở nhà máy Azot đang diễn biến vô cùng phức tạp. Trong khi đó, khả năng sơ tán người dân ngày càng bị thu hẹp. Thông tin mới nhất về vấn đề này ngày 16/6, ông Haidai nói rằng việc mở một cuộc sơ tán gần như "không khả thi" do các cuộc pháo kích và giao tranh diễn ra liên tục.
Ông cho biết thêm rằng lực lượng Nga đã phá huỷ cả 3 cây cầu nối với Severodonetsk khiến việc di chuyển qua đó rất khó khăn. Theo ông Haidai, lối vào thành phố vẫn còn nhưng cơ sở hạ tầng bị hư hại nghiêm trọng đã cản trở các phương tiện tiếp cận thành phố, bao gồm cả những xe tải cứu trợ.
Tối 16/6, hãng tin Interfax đưa tin, các lực lượng ly khai sẽ mở lại hành lang nhân đạo để đưa người dân rời khỏi nhà máy hóa chất Azot.
Vì sao khu vực này lại quan trọng?
Severodonetsk và Lysychasnk là 2 khu vực cuối cùng còn nằm dưới tầm kiểm soát của Ukraine ở Luhansk. Theo đó, nếu Nga thành công giành quyền kiểm soát Severodonetsk, sau đó là Lysychasnk, Moscow sẽ giành được toàn bộ khu vực Luhanks, một trong 2 tỉnh miền Đông Ukraine.
Theo đó, đây sẽ là chiến thắng đặc biệt quan trọng với Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt của họ. Một phần vì Donbas là nơi sinh sống của một lượng lớn người dân tộc nói tiếng Nga.
Trong nhiều năm, một phong trào ly khai thân Nga đã diễn ra trong khu vực. Trong đó, các lực lượng thân Nga đã tự mình tuyên bố rằng Luhansk và Donetsk là "các nước cộng hòa nhân dân" độc lập. Bản thân Nga hồi cuối tháng 2, trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, cũng đã công nhận độc lập của 2 khu vực này bất chấp sự phản đối từ quốc tế và Ukraine.
Khu vực nhà máy thép Azovtsal từng là "thành trì" quan trọng của lực lượng Ukraine cố thủ tại Mariupol. Ảnh: Reuters
Việc kiểm soát Donbas sẽ tăng cường ảnh hưởng của Nga trong khu vực và có thể thúc đẩy Tổng thống Vladimir Putin mở rộng lợi ích ở miền Nam.
Hình ảnh nhà máy hoá chất Azot đã gợi nhắc nhiều người về nhà máy thép Azovstal, "thành trì" kiên cố nhất của Ukraine tại thành phố cảng Mariupol trước đây.
Bên trong nhà máy Azovstal, hàng trăm binh sĩ Ukraine đã cố thủ suốt nhiều tuần ở các đường hầm và nhà kho lớn dưới lòng đất với nỗ lực bảo vệ người dân ẩn náu tại đó. Các cuộc giao tranh cuối cùng tại Azovstal kết thúc vào giữa tháng 5 khi những binh sĩ Ukraine cuối cùng hạ súng đầu hàng và bị Nga đưa đi.
Dù 2 nhà máy có nhiều điểm chung vẫn có sự khác biệt đáng kể. Trong đó, khác với nhà máy thép Azovstal, nhà máy hoá chất Azot không có một hệ thống phức tạp dưới lòng đất. Ngoài ra, nhà máy Azot cũng nhỏ hơn nhiều và không có nhiều nơi để ẩn náu.
Ngoài ra, khu vực nhà máy Azot cũng không được bảo vệ kỹ như nhà máy Azovstal. Theo ông Haidai, quân đội Ukraine đã không tăng cường phòng thủ tại nhà máy do lo ngại các nguy cơ rò rỉ hóa chất.
Minh Hạnh (Theo ABC News)