Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov cho biết vũ khí do Mỹ cung cấp sẽ hỗ trợ Kiev trong việc giành lại tất cả vùng lãnh thổ bị Nga kiểm soát bao gồm cả bán đảo Crimea, theo RT.
Ông Reznikov nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn tại Brussels (Bỉ): “Chúng tôi sẽ giành lại cả các vùng lãnh thổ của mình, bao gồm cả Crimea".
Theo Washington, chính quyền Kiev trước đó đã “đảm bảo” rằng họ sẽ không sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công vào bên trong nước Nga, vì Mỹ lo ngại điều này có thể làm leo thang căng thẳng giữa Moscow và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tuy nhiên, Ukraine sau đó đã tuyên bố rằng họ sẽ sử dụng các hệ thống tên lửa do Mỹ cung cấp để tấn công lãnh thổ của nước láng giềng nếu họ cho rằng các cuộc tấn công như vậy là cần thiết.
Quân đội Ukraine ngồi trên một chiếc xe bọc thép. Ảnh: AFP.
Bán đảo Crimea, được bỏ phiếu áp đảo trong cuộc trưng cầu dân ý thống nhất với Nga năm 2014, “là một mục tiêu chiến lược với Ukraine vì đó là lãnh thổ của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiến lên từng bước", ông Reznikov nói.
Theo đó, giai đoạn đầu tiên trong kế hoạch của Kiev là ổn định tình hình trên thực địa. Trong giai đoạn thứ hai, các lực lượng Nga sẽ bị đẩy lùi về phòng tuyến mà họ đã chiếm đóng trước khi cuộc tấn công quân sự đang diễn ra.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nhấn mạnh rằng chỉ sau đó, các cuộc đàm phán mới có thể bắt đầu với các đối tác nước ngoài của Ukraine về “cách giải phóng các vùng lãnh thổ”.
Người Nga “sẽ thấy điều đó ở Kherson, Zaporizhzhia và cũng sẽ thấy ở Mariupol… đây là những vùng đất của Ukraine, và Crimea cũng là đất của Ukraine, cho dù thế nào đi nữa", ông Reznikov cho biết.
Đầu tuần này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng tuyên bố sẽ "giải phóng" Crimea và các nước Cộng hòa Donetsk (DPR), Lugansk (LPR), được Nga công nhận là các quốc gia độc lập.
Cho đến nay, các lực lượng Nga, những người có ưu thế vượt trội về pháo binh và các loại vũ khí khác, đang dần chiếm được lãnh thổ ở Donbass.
Quân đội Ukraine đã lên tiếng về việc thiếu vũ khí để lật ngược tình thế trong trận chiến và đang chịu tổn thất nặng nề về nhân lực. Trong cuộc phỏng vấn của mình, ông Reznikov từ chối đưa ra con số chính xác người Ukraine đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh, nhưng nói rằng ông "hy vọng" con số này là dưới 100.000.
Hôm 15/6 (giờ địa phương), Washington thông báo thêm gói hỗ trợ quân sự 1 tỷ USD cho Kiev, bên cạnh 5,3 tỷ USD mà nước này đã cung cấp cho Ukraine trong và trước khi xảy ra xung đột với Nga.
Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng các chuyến giao vũ khí mới sẽ bao gồm "các loại pháo bổ sung và vũ khí phòng thủ bờ biển, cũng như đạn dược cho các hệ thống pháo binh và tên lửa tiên tiến mà Ukraine cần để hỗ trợ các hoạt động phòng thủ của họ" ở Donbass.
Moscow cảnh báo Mỹ và đồng minh về việc cung cấp viện trợ cho Ukraine, nói rằng chúng chỉ kéo dài giao tranh, đồng thời làm tăng nguy cơ xảy ra đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và phương Tây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã cảnh báo rằng nếu Kiev được cung cấp tên lửa tầm xa: "Chúng tôi sẽ đưa ra kết luận thích hợp và sử dụng vũ khí của chúng tôi, những thứ chúng tôi có đủ để tấn công những đối tượng mà chúng tôi chưa tấn công".
Nga đã bắt đầu tấn công Ukraine từ cuối tháng 2, sau khi Kiev không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk, được ký kết lần đầu tiên vào năm 2014 và cuối cùng là sự công nhận của Moscow đối với các nước cộng hòa Donbass là Donetsk và Lugansk.
Điện Kremlin kể từ đó đã yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ tham gia vào khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố rằng họ đang có kế hoạch chiếm lại hai nước cộng hòa bằng vũ lực.
Bích Thảo (Theo RT)