Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vì sao ngành sư phạm có điểm chuẩn “chênh” hơn ngành khác cả chục điểm?

  • Thùy Dung (T/h)
(DS&PL) -

Điểm trúng tuyển vào các ngành học trong cùng một trường đại học có sự phân hóa rõ rệt, với khoảng cách lên tới 12-13 điểm giữa ngành sư phạm và các ngành khác.

Chênh lệch điểm chuẩn đáng kể 

Theo Tạp chí Tri Thức, tại Đại học Quảng Nam, các ngành liên quan giáo dục, sư phạm lấy điểm chuẩn khá cao. Cụ thể, ngành Giáo dục tiểu học lấy 25,8 điểm, ngành Sư phạm Ngữ văn lấy 25,74 điểm, ngành Giáo dục mầm non lấy 24,26 điểm, ngành Sư phạm Toán lấy 24,25 điểm...

Trong khi đó, cũng tại trường này, các ngành như Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Việt Nam học, Ngôn ngữ Anh... lại chỉ lấy 14 điểm. Điều này đồng nghĩa với việc mức chênh lệch điểm chuẩn giữa các ngành lại trường lên đến 11,8 điểm.

Ngành lấy điểm chuẩn cao nhất tại Đại học Cần Thơ là Sư phạm Lịch sử với 28,43 điểm, theo sau đó là Sư phạm Địa lý (27,9 điểm) và Sư phạm Ngữ văn (27,83 điểm).

Điểm chuẩn ngành sư phạm hầu hết các trường đại học trên cả nước năm nay tăng rất cao so với các năm trước. Ảnh minh họa

Trong khi đó, những ngành lấy điểm chuẩn thấp nhất của trường là Sinh học, Khoa học môi trường, Kỹ thuật môi trường, Công nghệ sau thu hoạch, Kỹ thuật cấp thoát nước..., tất cả đều lấy 15 điểm.

Như vậy, mức độ chênh lệch giữa các ngành tuyển sinh tại trường này lên đến 13,43 điểm.

Tại Đại học Đồng Tháp, các ngành đào tạo giáo viên của trường lấy ở mức 26-27 điểm, ví dụ như Sư phạm lịch sử (27,84 điểm), Sư phạm Địa lý (27,43 điểm), Sư phạm Ngữ văn (27,31 điểm), Sư phạm Lịch sử và Địa lý (26,98 điểm), Giáo dục công dân (26,98 điểm), Giáo dục chính trị (26,8 điểm).

Trong khi đó, một số ngành không thuộc lĩnh vực đào tạo giáo viên chỉ lấy 15 điểm như Công nghệ sinh học, Khoa học môi trường, Khoa học máy tính, Kỹ thuật xây dựng, Nuôi trồng thủy sản...

Như vậy, mức chênh lệch giữa ngành cao nhất và thấp nhất của trường này lên đến 12,84 điểm.

Tại Đại học Vinh, 5 ngành lấy điểm chuẩn trên 28 là Sư phạm Lịch sử (28,71 điểm), Sư phạm Địa lý (28,5 điểm), Sư phạm Ngữ văn (28,46 điểm), Sư phạm Lịch sử - Địa lý (28,25 điểm), Giáo dục tiểu học (28,12 điểm).

Tuy nhiên, trường cũng có khá nhiều ngành chỉ lấy điểm chuẩn 16, nghĩa là chênh lệch với ngành lấy ngưỡng trúng tuyển cao nhất đến 12,71 điểm. Các ngành lấy 16 điểm bao gồm Kinh tế xây dựng, Kỹ thuật xây dựng, Nông học, Nuôi trồng thủy sản, Thú y...

Vì sao ngành sư phạm có mức điểm chuẩn tăng cao?

Theo Công dân & Khuyến học, có 3 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ngành sư phạm có điểm chuẩn tăng cao đó là: Thứ nhất, học sinh xếp loại học lực giỏi mới có cơ hội xét tuyển vào sư phạm theo các phương thức. Thứ hai, chính sách về tiền lương nhà giáo có nhiều thay đổi, đáng chú ý tăng hệ số lương lên 2,34 triệu đồng/tháng. Thứ ba, sinh viên sư phạm đang được áp dụng chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí theo quy định.

Tín hiệu đáng mừng hay đáng lo?

Điểm chuẩn ngành sư phạm hầu hết các trường đại học trên cả nước năm nay tăng rất cao so với các năm trước. Đây là tín hiệu vui của ngành giáo dục, tuy vậy vẫn còn đó những nỗi lo, đó là sau khi tốt nghiệp đại học, liệu sinh viên có kiếm được việc làm như kì vọng hay không. 

Bởi vì, các môn nhiều tiết như Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh,… thì số lượng giáo viên gần như bão hoà, trong khi đó, giáo viên về hưu, giáo viên nghỉ việc chiếm số lượng ít. Thành thử, các kì tuyển dụng giáo viên, nhất là ở các thành phố lớn có tỉ lệ "chọi" rất cao.

Ví dụ, năm 2024, dẫn đầu tỉ lệ "chọi" kì tuyển dụng viên chức ở Thành phố Hồ Chí Minh là giáo viên môn Vật lý: 1/34. Hoặc giáo viên Hóa học là 1/19,5; giáo viên Sinh học là 1/11; giáo viên Toán 1/9,… Các môn khan hiếm nguồn tuyển nhiều năm qua cũng có tỉ lệ "chọi" cao, ví dụ môn Tiếng Anh có tỉ lệ "chọi" 1/7; Tin học là ½; Âm nhạc là 1/1,4.

Ngoài ra, nhiều giáo viên trải lòng, ở các địa phương nơi thầy cô đang công tác, việc tuyển dụng giáo viên dù công khai nhưng khó kiểm chứng sự minh bạch, dẫn đến tình trạng có giáo viên giỏi nhưng không trúng tuyển và ngược lại.

Việc tuyển dụng viên chức giáo viên hiện nay theo Nghị định số 85/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Giáo viên trải qua 2 vòng thi lí thuyết và thực hành – giảng dạy khoảng 15 phút. Việc thi lí thuyết tương đối minh bạch nhưng thi thực hành thì ứng viên không được phúc khảo.

Đáng nói, cầm tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi nhưng nhiều sinh viên sư phạm đành ngậm ngùi đi làm việc khác hoặc dạy kèm, sống qua ngày, chờ cơ hội do tỉnh không tổ chức thi tuyển giáo viên nhiều năm liền.

Tin nổi bật