Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vì sao Nam Phi từ chối đề nghị hỗ trợ thêm vaccine ngừa COVID-19 từ Mỹ?

(DS&PL) -

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki mới đây cho biết Nam Phi đã từ chối đề nghị hỗ trợ thêm vaccine ngừa COVID-19 từ Mỹ.

Ngày 29/11 (theo giờ địa phương), Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Nam Phi đã từ chối đề nghị hỗ trợ vaccine và "không đưa ra thêm yêu cầu" về vaccine sau khi nhận khoảng 8 triệu liều từ Mỹ. 

Khác với hầu hết các nước châu Phi khác, Nam Phi không bị rơi vào cảnh thiếu hụt vaccine, thậm chí đây còn là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất châu lục. Tuy vậy, so với thế giới, tỷ lệ tiêm chủng tại Nam Phi vẫn còn thấp, chưa đầy 25% người trưởng thành tại quốc gia châu Phi này được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. 

Các chuyên gia nhận định nguyên nhân gây ra việc tiêm chủng chậm chạp ở Nam Phi một phần là do cơ sở hạ tầng còn chưa đủ để đảm bảo hiệu quả cho các chiến dịch tiêm chủng, bên cạnh đó, sự do dự của người dân với việc tiêm vaccine cũng góp phần vào tỷ lệ này. Đầu tháng này, Nam Phi thậm chí đã phải yêu cầu các nhà sản xuất vaccine Mỹ là Johnson & Johnson và Pfizer tạm ngừng giao thêm vaccine trong bối cảnh tốc độ tiêm chủng chững lại do sự do dự của người dân.

Nhà Trắng cho biết Nam Phi đã từ chối đề nghị hỗ trợ vaccine ngừa COVID-19 từ Mỹ. Ảnh: Reuters

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki chia sẻ: "Đó không phải chỉ là vấn đề về vaccine mà còn cần đảm bảo năng lực hoạt động của các chiến dịch tiêm chủng. Đồng thời, vẫn còn sự do dự của người dân khi nói về việc tiêm vaccine, không chỉ ở Mỹ mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới. Vì vậy, vấn đề không đơn giản chỉ nằm ở nguồn cung vaccine mà còn ở cơ sở vật chất, năng lực giải quyết tình trạng do dự tiêm chủng".

Theo đó, bà Psaki cho biết Mỹ luôn sẵn sàng cung cấp vaccine khi Nam Phi yêu cầu. 

Hồi tuần trước, Nam Phi là quốc gia đầu tiên trên thế giới báo cáo về sự xuất hiện của biến thể mới Omicron với nhiều đột biến "chưa từng thấy" của virus SARS-CoV-2. Biến thể này sau đó đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại "biến thể đáng lo ngại". Vào ngày 29/11, Tổng thống Joe Biden đã lên tiếng kêu gọi người dân không nên hoảng sợ trước biến thể Omicron. Ông Biden nói: "Đây là biến thể đáng lo ngại chứ không phải biến thể đáng hoảng sợ".

Đồng thời, ông chủ Nhà Trắng cho biết chính phủ đã hợp tác với các hãng dược để nghiên cứu và phát triển một loại vaccine mới chống biến thể Omicron nếu cần thiết.

Các quốc gia trên thế giới cũng đã nhanh chóng tái áp đặt hạn chế nhập cảnh với các nước phía Nam châu Phi, nơi biến thể Omicron lần đầu được báo cáo, nhằm ngăn chặn sự lây lan của "biến thể đáng lo ngại" này. Tuy nhiên, lên tiếng về động thái trên, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nói rằng ông rất "thất vọng" trước những quy định hạn chế nhập cảnh, nhấn mạnh quy định này sẽ làm tổn hại nặng nền về mặt kinh tế và đảo ngược nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 của Nam Phi.

Ông nói: "Điều duy nhất mà lệnh cấm đi lại này gây ra là thiệt hại hơn nữa cho nền kinh tế của các nước bị ảnh hưởng và làm suy yếu khả năng ứng phó, phục hồi của họ sau đại dịch". 

Một số chuyên gia đang kêu gọi Mỹ và các quốc gia khác tăng cường hỗ trợ tài chính cho những nơi họ hạn chế đi lại để bù đắp cho tác động kinh tế và tránh làm mất lòng các chính phủ đã nhanh chóng báo cáo các phát hiện mới liên quan đến đại dịch.

Bà Psaki nhấn mạnh các quy định hạn chế không phải đề "trừng phạt" những nước phát hiện biến thể mới mà để giúp Mỹ có thêm thời gian nghiên cứu và tìm hiểu về biến thể này. Bà Psaki thông tin: "Mục tiêu của Mỹ không phải đề trừng phạt mà là để bảo vệ người dân. Như tổng thống đã nói, việc này không thể ngăn chặn biến thể mà góp phần trì hoãn sự lây nhiễm. Và sự trì hoãn này sẽ giúp chúng tôi có thêm thời gian nghiên cứu, có thêm thời gian tiêm chủng". 

Minh Hạnh (Theo Insider)

Tin nổi bật