Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vì sao hạt gạo Việt lại phải "đội lốt" gạo ngoại?

(DS&PL) -

Hiện nay, trên thị trường xuất hiện hiện tượng gạo Việt được đóng gói nhưng lại gắn mác gạo Thái Lan, gạo Nhật để bán cho người tiêu dùng.

Hiện nay, trên thị trường xuất hiện hiện tượng gạo Việt được đóng gói nhưng lại gắn mác gạo Thái Lan, gạo Nhật để bán cho người tiêu dùng. Việc này diễn ra khá phổ biến ở các cửa hàng gạo.

Gạo Việt cần một thương hiệu mạnh để không phải núp danh gạo ngoại. Ảnh: CTV

Tâm lý sính dùng hàng ngoại lan sang cả hạt gạo

Chị Hòa, một chủ cửa hàng gạo tại thị trấn Trôi, Hoài Đức, Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, rất nhiều người ra cửa hàng của chị hỏi mua gạo Thái Lan. Thậm chí, những khách hàng “ruột” của cửa hàng từ nhiều năm nay bỗng dưng “bỏ chị mà đi” chỉ vì cửa hàng của chị không bán gạo Thái Lan.

Không chỉ riêng cửa hàng chị Hòa mà rất nhiều cửa hàng bán gạo trên địa bàn Hà Nội cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Chị Hường, chủ sạp gạo trong chợ Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy cho biết, thời điểm này không hiểu sao có rất nhiều người vào quầy bán gạo của chị hỏi gạo Thái, gạo Nhật. Khi chị trả lời không có và hướng khách hàng sang mua những loại gạo Việt Nam thì hầu hết chỉ nhận được cái lắc đầu.

Khi được hỏi vì sao lại có hiện tượng này thì chính các chủ cửa hàng gạo cũng không trả lời rõ ràng được. Hầu hết mọi người đều cho rằng có hiện tượng này là do tâm lý người Việt Nam thường chuộng các mặt hàng gắn mác “ngoại”.

Tương tự trong các cửa hàng siêu thị lớn, tất cả loại gạo được gắn mác nhập ngoại từ Nhật Bản hay Thái Lan đều được người tiêu dùng quan tâm hơn.

Tìm hiểu thực tế cho thấy, phần lớn các loại gạo gắn mác Thái không phải được nhập khẩu mà là được sản xuất tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Các đại lý sau khi nhập gạo về tự đi in nhãn mác, bao bì gạo nhập rồi đóng gói bán cho người tiêu dùng. Một trong những lý do có hiện tượng gạo Việt “đội lốt” gạo Thái là nhằm nâng giá bán cũng như đánh vào tâm lý sính ngoại để thu hút nhiều hơn sự quan tâm của người tiêu dùng.

Xuất khẩu gạo nhất, nhì nhưng thiếu vắng một thương hiệu

Thực tế, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu gạo, chiếm 20% thị phần thương mại gạo toàn cầu, nhưng người tiêu dùng trong nước lại không tin tưởng sản phẩm nội địa mà lại chuộng gạo gắn mác ngoại là một nghịch lý đau lòng!

Một nghịch lý nữa trong xuất khẩu gạo Việt hiện nay được một số doanh nghiệp chỉ ra là khách hàng muốn mua gạo thơm nhưng Việt Nam hầu như không đủ nguồn cung, đành nhường miếng ngon lại cho các nước khác. Đây là hệ quả của việc lâu nay Việt Nam chỉ chú trọng vào số lượng, tập trung gạo trắng cấp thấp, trung bình và cạnh tranh bằng giá rẻ. Chính điều này cũng là một phần khiến cho người tiêu dùng trong nước không tin vào sản phẩm gạo nội mà tìm mua gạo gắn mác nhập ngoại.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, việc nằm trong nhóm quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu gạo nhưng người tiêu dùng không tin tưởng sản phẩm nội địa mà lại chuộng gạo gắn mác nước ngoài là một nghịch lý.

Thực tế hiện nay ngày càng xuất hiện nhiều loại gạo gieo trồng tại Việt Nam nhưng khi bày bán lại đề xuất xứ gạo Thái Lan, Campuchia. Điều này sẽ sớm trở thành mối đe dọa cho những doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ gạo trong nước.

Vì sao hạt gạo Việt lại phải “đội lốt” gạo ngoại để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng trong nước? Điều này không chỉ đặt ra nhu cầu bức thiết về xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Việt mà còn là thách thức lớn đối với cuộc vận động “người Việt dùng hàng Việt”, buộc các nhà quản lý phải nhìn nhận, đánh giá và tiếp cận lại vấn đề bằng tư duy hệ thống, hoạch định chiến lược, tiếp cận thị trường cho các mặt hàng nông sản Việt Nam.

Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hơn một năm qua, nhưng đến nay vẫn đang được nâng lên đặt xuống và triển khai một cách ì ạch. Xây dựng giá trị cho thương hiệu gạo Việt, xét ở cả góc độ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa thì Việt Nam đều thua. Nhiều mặt hàng gạo xuất khẩu chỉ mang tên gọi chung chung hoặc thậm chí phải “mang danh” của các loại gạo nước ngoài.

Nguồn: Báo Thanh tra

Tin nổi bật