Hàng nghìn người Kurd ở miền Bắc Iraq đã "liều mạng" tìm đường đến Iraq trong năm nay, trong số đó có một người đàn ông 28 tuổi tên Asos Hassan. Tuyệt vọng thoát khỏi những khó khăn kinh tế và sự đàn áp, sinh viên 28 tuổi tốt nghiệp đại học Koya, một thị trấn nằm ở phía Đông thủ phủ Erbil (khu vực bán tự trị của người Kurd ở Iraq), đã hai lần cố gắng vượt biển Aegean đến Hy Lạp nhưng đều bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ trục xuất.
Bất chấp sự thất bại trên, anh Hassan dự định sẽ tiếp tục quay lại Thổ Nhĩ Kỳ và tiếp tục cố gắng cho tới khi đạt được mục đích của mình. Chia sẻ với Al Jazeera, anh cho biết: "Tôi vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực này ngay cả khi tôi bị trục xuất hàng chục lần. Tôi không muốn tiếp tục sống cuộc sống khốn khổ ở đây".
Hassan giải thích anh đã phải vật lộn trong nhiều năm trời để tìm kiếm cơ hội việc làm và cảm thấy vô cùng tuyệt vọng về tương lai.
Giống như Hassan, Kamaran Aziz, một thanh niên 21 tuổi đến từ Halabja, cũng cố gắng đến châu Âu thông qua Belarus nhưng đã bị chính quyền địa phương trục xuất khi thị thực của anh hết hạn vào tuần trước. Aziz cho biết anh đã phải trả cho những tay buôn người Kurd 6.000 USD để họ đưa anh tới châu Âu. Nhưng khi đến biên giới, anh lại bị lực lượng an ninh bắt giữ và đánh đập trước khi bị đuổi về quê nhà. Với thanh niên 21 tuổi này, anh cũng không muốn tiếp tục cuộc sống không có tương lai ở khu vực của người Kurd tại Iraq.
Làn sóng di cư của người Kurd ở Iraq đang ngày càng gia tăng. Ảnh: AFP
Trong số những người Kurd cố gắng vượt qua eo biển Manche để tìm đường tới châu Âu, hơn 30 người đã thiệt mạng vào tuần trước. Nhiều người cũng đã mất mạng ở khu vực biên giới giữa Belarus và Ba Lan trong khi hàng trăm người khác bị mắc kẹt, phải chịu đựng tiết trời giá lạnh 0 độ C tại đây vì mong muốn được đến Liên minh châu Âu (EU).
Những sự kiện bi thảm này đã làm rõ hơn làn sóng di cư ngày càng tăng ra khỏi khu vực của người Kurd và đặt ra câu hỏi về nguyên nhân họ thực hiện những hành trình nguy hiểm như vậy. Khu vực của Kurd tại Iraq vốn khu vực giàu tài nguyên dầu mỏ và từ lâu được ca ngợi là "thiên đường ổn định" và hình mẫu phát triển cho những nơi còn lại của đất nước.
Tham nhũng, đàn áp, nghèo đói
Như hầu hết những người di cư Kurd, cả anh Hassan và Aziz đều phàn nàn về tỷ lệ thất nghiệp cao, nạn làm việc không lương, tham nhũng tràn lan và dịch vụ công kém.
Trong đó, anh Hassan nói: "Bạn sẽ không thể tìm được việc làm trừ khi bạn có mối quan hệ với giới cầm quyền. Và nếu bạn cố gắng kêu gọi các quyền công dân của mình hoặc tham gia vào các cuộc biểu tình ôn hòa, bạn sẽ bị bắn bằng đạn thật".
Cảnh sát chống bạo động cố gắng giải tán một cuộc biểu tình của sinh viên đại học gần Sulaimaniyah. Ảnh: AFP
Khu vực người Kurd, do gia đình Barzani và Talabani thống trị cùng Đảng Dân chủ Kurdistan (KDP) và Liên minh Yêu nước Kurdistan (PUK), đã chứng kiến số lượng các cuộc biểu tình ngày càng tăng trong vài năm qua.
Hàng nghìn sinh viên từ Sulaimaniyah đã xuống đường trong tháng trước để yêu cầu khôi phục lại khoản trợ cấp hàng tháng, vốn bị cắt từ 7 năm trước. Các cuộc biểu tình trở thành bạo lực sau khi cảnh sát chống bạo động đối đầu với các sinh viên và trực tiếp đàn áp đám đông.
Các cuộc biểu tình nhỏ hơn cũng đã lan sang các thành phố khác trong khu vực người Kurd, bao gồm Erbil, Halabja, Kalar và Koya, và các cuộc biểu tình đoàn kết đã diễn ra ở Baghdad.
Đầu năm nay, Liên Hợp Quốc lên án "các vụ bắt giữ tùy tiện", các phiên tòa bất công và " tình trạng đe dọa các nhà báo, các nhà hoạt động và những người biểu tình" trong khu vực.
Làn sóng di cư gia tăng
Theo Ari Jalal, người đứng đầu Tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về Người tị nạn và Di tản có trụ sở tại Sulaymaniyah, ít nhất 40.000 người Iraq đã rời khỏi đất nước kể từ đầu năm 2021, 70% trong số đó đến từ khu vực người Kurd.
Jalal cho biết di cư ra khỏi Iraq đã gia tăng kể từ những năm 1990, nhưng nó đã chậm lại sau khi Mỹ đưa quân tới khu vực này vào năm 2003. Sau đó, làn sóng này lại tiếp tục gia tăng trở lại trước sự trỗi dậy của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vào năm 2014.
Chính quyền Khu vực người Kurd (KRG) đã nói rằng nguyên của tình trạng trên là do dòng người di cư nội địa từ khắp Iraq sau khi IS đánh chiếm các vùng rộng lớn ở miền Bắc đất nước vào năm 2014.
Trong một tuyên bố vào tuần trước, Dindar Zebari, điều phối viên của KRG về vận động quốc tế, cho biết việc gần 700.000 người di cư từ các vùng khác của Iraq đến khu vực này là nguyên nhân gây thất vọng cho người Kurd ở Iraq, khiến nhiều người "rời khỏi khu vực".
Ông cho biết: "Những người di cư đang kể những câu chuyện sai sự thật về điều kiện sống ở Khu vực người Kurd và đang bị lợi dụng để làm hoen ố danh tiếng của khu vực".
Một số nhà phân tích độc lập nhận định nguyên nhân thực sự của làn sóng di cư trên không liên quan tới những phân tích của chính phủ. Nhà phân tích người Kurd độc lập Mahmoud Kurdi cho biết: "Vấn đề chính là tham nhũng, đàn áp các quyền tự do dân sự và thiếu việc làm".
Ông nói thêm: "Mọi người đang ngày càng mệt mỏi với tình trạng nghèo đói và thất nghiệp. Ngay cả việc tái phát triển cũng đã được giới hạn ở các thành phố lớn như Erbil và Sulaimaniyah, trong khi hầu hết các khu vực vẫn nghèo nàn".
Ông Karim Nouri, thứ trưởng bộ di cư và tái định cư trong chính phủ trung ương của Iraq, cũng đồng tình với quan điểm trên. Ông Nouri chia sẻ: "Làn sóng di cư của người Kurd là do những người trẻ tuổi cảm thấy khó khăn khi không được sống tự do và thoải mái".
Minh Hạnh (Theo Al Jazeera)