Tiền hoàng hậu là vị hoàng hậu duy nhất trong lịch sử Trung Hoa dù không may bị mù lòa, tật nguyền nhưng vẫn được hoàng đế Minh Anh Tông sủng ái.
Minh Anh Tông là vị vua hiếm hoi trong lịch sử phong kiến Trung Quốc từng ở ngôi vua hai lần. Lần đầu ông lên ngôi từ khi còn nhỏ và ở ngôi cho đến năm 22 tuổi. Sau này, ông lại một lần nữa ngồi vào ngai vàng khi đã 30 tuổi và làm Hoàng đế cho đến khi ngã bệnh, ra đi năm 38 tuổi.
Ông được hậu thế đánh giá là một vị vua chung thủy, có tình nghĩa, nhất là đối với người vợ đầu tiên của mình. Dù sau này bà có trở nên bệnh tật, tàn phế nhưng Minh Anh Tông vẫn giữ ngôi Hoàng hậu cho bà và đối xử với bà càng thâm tình. Thậm chí, trước khi ra đi ông còn hạ lệnh hợp táng cùng bà trong cùng một lăng mộ.
Nhắc đến vị trí mẫu nghi thiên hạ, người ta thường nghĩ ngay tới những người phụ nữ sắc nước hương trời mới có thể được Hoàng đế sủng ái, hết mực yêu chiều. Tuy nhiên, Hiếu Trang Duệ Hoàng hậu hay Tiền hoàng hậu (1426 – 1468) là ngoại lệ. Bà là người phụ nữ mà hoàng đế Minh Anh Tông yêu thương nhất.
Tiền hoàng hậu, xuất thân từ vùng Hải Châu, có cha là một quan võ thuộc hàng Chính nhị phẩm. Mùa xuân năm Chính Thống thứ 7 (1442), Tiền thị thông qua kỳ tuyển tú nhập cung được chọn làm Hoàng hậu khi 15 tuổi.
Tiền thị thông qua kỳ tuyển tú nhập cung được chọn làm Hoàng hậu khi 15 tuổi. Ảnh minh họa. |
Tiền thị khi đó so với những mỹ nhân tham gia tuyển cùng không phải có xuất thân quá nổi bật hay vẻ đẹp sắc nước hương trời, tuy nhiên Thái hoàng thái hậu của Minh Anh Tông là Trương thị đã cảm nhận được nhân phẩm xuất chúng của bà.
Sau khi thành thân, Anh Tông ngỏ ý muốn phong hầu cho gia đình Tiền hoàng hậu, nhưng bà nhất mực từ chối. Ban đầu, Vua nghĩ Hoàng hậu chỉ tỏ ra khách khí vậy thôi nên sau này vài lần có nhắc lại, song bà vẫn cương nghị như một. Lúc này, Anh Tông mới hiểu Tiền thị vốn không hề khách khí nên càng thêm phần kính trọng bà.
Thế nhưng đáng buồn thay Hoàng hậu không thể sinh con trai. Đức vua ngày đêm mong ngóng, không phải vì muốn có quý tử mà sợ các phi tần khác ỷ thế sẽ hà hiếp, làm khó dễ bà.
Trong suốt triều đại nhà Minh, quân Mông Cổ luôn là một lực lượng uy hiếp ở phía Bắc lãnh thổ. Các đời vua nhà Minh cũng có nhiều lần phải thân chinh cầm quân xuất trận để bảo vệ bờ cõi trước sự xâm lược của các bộ lạc Mông Cổ.
Đến thời Minh Anh Tông, tình hình quân đội nhà Minh trở nên suy yếu do nguyên nhân từ nhiều phía. Trong lúc đó, bộ tộc Ngõa Lạt - một trong những bộ tộc của Mông Cổ lại dần trở nên lớn mạnh. Nhân lúc tình trạng nhà Minh đang rối ren, thái sư Dã Tiên của tộc Ngõa Lạt đem quân xâm chiếm, nhằm khôi phục lãnh thổ của nhà Nguyên trước đây.
Dù các đại thần trong chiều can ngăn song Minh Anh Tông vẫn trực tiếp nghênh chiến với quân Mông Cổ để cho em trai Chu Kỳ Ngọc ở lại trấn thủ kinh thành. Thái giám Vương Chấn khi ấy ngang nhiên mượn danh Hoàng đế chỉ huy quân đội tùy tiện, phong tỏa hết thảy những thông tin bất lợi với Anh Tông khiến quân nhà Minh liên tiếp bại trận, thương vong vô số.
Mãi cho đến khi thấy tình hình chiến sự trở nên vô cùng bất lợi, Vương Chấn bèn tìm cách thoát li khỏi nhà vua, thế nhưng trên đường tẩu thoát, hắn bị quân Mông Cổ bắt được và giết chết. Về phần Minh Anh Tông, ông bị bắt giữ làm tù binh. Sử gọi sự kiện này là Sự biến Thổ Mộc bảo.
Nhận được hung tin chồng bị bắt làm tù binh, anh trai Tiền Khâm và em trai Tiền Chung tử trận, Tiền hoàng hậu đau đớn đến độ chỉ muốn chết đi. Ngày đêm dù lạnh tới nỗi cắt da cắt thịt, bà vẫn băng qua trăm dặm, dập đầu phù hộ trước Thần Phật, hy vọng phu quân bình an trở về.
Suốt một thời gian dài cầu khấn, mùa đông với cái lạnh cắt da cắt thịt đã khiến tình hình sức khỏe của Tiền Hoàng hậu suy giảm đến mức không thể tự đứng dậy được. Không ngừng quỳ lạy bất kể ngày đêm, không ngừng khóc thương người chồng đang bị bắt, vậy nên một chân bà đã bị thương nặng dẫn đến tàn phế, một con mắt cũng đã bị mù. Năm đó, bà mới chỉ 24 tuổi.
Có lẽ tấm lòng son sắt, kiên trinh của Tiền Hoàng hậu đã lay động trời xanh nên Minh Anh Tông cuối cùng cũng được quân Mông Cổ trao trả cho nhà Minh. Thế nhưng lúc này, ông bị đặt vào một tình thế vô cùng nhạy cảm khi bản thân cũng là vua mà triều đình đã có một ông vua mới.
Tuy đã có hoàng đế mới nhưng một số đại thần vẫn không ngừng nỗ lực giải cứu Anh Tông. Cuối cùng sau nhiều năm, họ cũng cứu được đức vua trở về. Gặp lại Tiền thị, nhà vua không khỏi xót xa. Bà giờ đã tàn phế, dung mạo tiều tụy nhưng tấm chân tình của bà vô cùng đáng quý.
7 năm sau, Cảnh Đế đột nhiên mắc bệnh nặng qua đời. Ngày 17 tháng Giêng năm Cảnh Thái thứ 8, vua Anh Tông lần nữa lại lên làm hoàng đế. Ngài lập Chu Kiến Thâm làm thái tử. Mẹ ruột của thái tử là Chu thị một lòng sốt sắng muốn làm hoàng hậu. Nhìn thấu được dã tâm của Chu thị, Anh Tông vẫn kiên quyết giữ Tiền thị làm Hoàng hậu.
Năm 38 tuổi, vua Anh Tông băng hà. Lo lắng cho cuộc sống của Tiền thị sau này, ngài đã để lại di chiếu: Ngày kia hoàng hậu Tiền thị hết thọ mệnh sẽ được an táng chung với trẫm. Thế nhưng bốn năm sau, Tiền thái hậu qua đời, Chu thái hậu làm trái di mệnh, kiên quyết không để cho Tiền thái hậu được an táng chung với Anh Tông.
Bích Thảo (T/h)