Đông Giai thị không rõ tên thật và năm sinh, bà xuất thân từ gia tộc Đông Giai thị cao quý. Tằng tổ phụ của bà là Đông Dương Chân, một công thần khai quốc của triều Thanh, sau khi qua đời, ông được truy tặng danh hiệu Thái sư, nhất đẳng công.
Tổ phụ của Đông Giai thị là Quốc cữu Thái tử Thái bảo Đông Đồ Lại, sống qua 3 thời kỳ Nỗ Nhĩ Cáp Xích, Hoàng Thái Cực và Hoàng đế Thuận Trị. Đông Đồ Lại có 3 con là Hiếu Khang Chương Hoàng hậu, Đông Quốc Cương và Đông Quốc Duy.
Đông Giai thị là con gái của Đông Quốc Duy, còn Hoàng đế Khang Hy là con trai của Hiếu Khang Chương Hoàng hậu. Đồng nghĩa, Đông Giai thị và Hoàng đế Khang Hy là anh em họ gần. Có lẽ vì xuất thân cao quý và thân phận gần gũi như vậy nên tình cảm giữa họ đã phát triển từ sớm.
Ảnh minh hoạ.
Xuất thân hiển hách nên ngay từ khi còn bé, Đông Giai thị đã thừa hưởng nền giáo dục tốt đẹp và vào cung từ rất sớm. Sách sử không ghi thời gian cụ thể bà nhập cung, chỉ biết năm Khang Hy thứ 16 (1677), bà được phong làm Quý phi, còn Nữu Hỗ Lộc thị được sách lập làm Hoàng hậu.
Năm Khang Hi thứ 20, Hoàng đế đại phong hậu cung, Đông Giai thị được tấn phong làm Hoàng Quý phi. Sau khi Hiếu Chiêu Nhân Hoàng hậu Nữu Hỗ Lộc thị mất, về cơ bản quyền hành hậu cung đều do Đông thị nắm giữ.
Điều đáng tiếc là Đông Giai thị được Hoàng đế Khang Hy sủng ái nhưng mãi mà không có con. Về sau bà có hạ sinh một tiểu công chúa nhưng đã chết yểu. Để giúp sủng phi nguôi ngoai, Hoàng đế đã giao cho bà nuôi nấng một số người con do các phi tần cấp bậc thấp hạ sinh. Theo ghi chép chính thức, Đông Giai thị nuôi dưỡng nhiều vị hoàng tử, trong đó có Hoàng đế Ung Chính.
Dù có thân phận cao nhất ở hậu cung nhưng Đông Giai thị vẫn luôn đối đãi ôn hòa với các phi tần, cung nữ và thái giám, bà chưa bao giờ ghen tuông hay dùng quyền lực để trấn áp kẻ khác. Chính vì vậy mà bà được người ở hậu cung lẫn tiền triều kính trọng.
Ảnh minh hoạ.
Đầu tháng 7 năm Khang Hy thứ 28, Đông Giai thị lâm bệnh nặng, nguyên nhân đến từ việc nỗi đau mất con và cô đơn trống vắng. Hoàng Thái hậu biết chuyện thì vô cùng quan tâm vì Đông Giai thị đã nhiều năm dìu dắt Hoàng tử mà không tâm tư ý đồ riêng.
Hoàng Thái hậu nhận ra không khí trong hậu cung ảm đạm kể từ khi Hiếu Chiêu Nhân Hoàng hậu qua đời. Thế là bà đã hạ ý chỉ cho Hoàng đế Khang Hi rằng: Hoàng Quý phi Đông Giai thị hiếu kính lễ nghĩa, hiền thục nết na, tận tâm dạy dỗ các a ca, không màng danh lợi. Nay Hoàng Quý phi bệnh nặng triền thân, sinh tử vô thường, lập tức phong hậu.
Căn cứ vào “Khang Hy khởi cư chú” ghi chép, Khang Hy tuân theo ý chỉ của Hoàng Thái hậu, ngày 9/7/1689 ra chỉ dụ tuyên bố chính thức lập Hoàng quý phi Đông Giai thị thành Hoàng hậu.
Ngày 10/7/1689, Hoàng cung cử hành nghi thức phong hậu, công bố toàn quốc. Thế nhưng trong ngày trọng đại đứng lên vị trí mẫu nghi thiên hạ mà phi tần nào cũng khát khao này, Đông Giai thị đã từ giã cõi đời vì bệnh chuyển nặng đột ngột.
Sau khi Đông Giai thị qua đời, Khang Hy vô cùng đau khổ. Ông đã tạm ngưng thượng triều 5 ngày, mặc tang phục liên tục 10 ngày.
Ngày 22/9, Hoàng cung tổ chức lễ phong ích hiệu Đông Giai thị là Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu. Tử cung (cách gọi của quan tài dành cho Hoàng tộc nhà Thanh) được đặt tại chính điện của Thừa Càn cung. Ngày 30/7, quan tài được đưa đến phòng mộ ngoài Triều Dương môn. Ngày 11/10, quan tài được đưa lên lăng mộ hoàng thất. Khang Hy đích thân tiễn đưa.
Ảnh vẽ Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu Đông Giai thị.
Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu là “người vợ” duy nhất khiến Khang Hy hoài niệm trong lòng nhiều nhất. Mặc dù bà chỉ sống 27 năm, trở thành Hoàng hậu trong 8 tiếng, nhưng đã trở thành một phần nổi bật trong lịch sử đầy màu sắc của nhà Thanh.
Làm Hoàng hậu chỉ vỏn vẹn 8 tiếng, nhưng thật ra, Đông Giai thị đã cai quản lục cung 8 năm liền. Trong mắt hạ nhân và thậm chí Khang Hy cũng đều xem bà là chủ nhân của hậu cung.
Lý do Khang Hy không lập Đông Giai thị lên làm hoàng hậu sớm là do tự thấy mình có số khắc chết người thân. Bằng chứng là 8 tuổi ông đã mất cha, 10 tuổi mất mẹ, chưa đầy 25 tuổi đã mất liên tiếp cả hai vị Hoàng hậu.
Việc mất liên tiếp cả hai vị Hoàng hậu ở tuổi còn rất trẻ, dù cho là người có tâm lý mạnh thế nào cũng sẽ suy nghĩ: Nếu giờ lập em họ mình làm Hoàng hậu thì liệu có đột ngột qua đời như hai người vợ trước của mình không? Nếu có thì liệu người đời có nghĩ mệnh cách của mình quá đen đủi không?
Do đó, Khang Hy quyết định để Đông thị hưởng thụ đãi ngộ như một vị Hoàng hậu trên danh nghĩa Hoàng Quý phi, vừa "giúp" giữ tính mạng cho bà vừa bảo toàn danh tiếng cho mình. Nói cách khác, việc Đông thị ngồi ở vị trí Hoàng Quý phi 8 năm không phải là vì bà không đủ phẩm chất để lên ngôi vị Hoàng hậu, mà là Khang Hy không dám hoặc không nỡ để bà làm Hoàng hậu.
Mộc Miên (T/h)