Sau khi tìm hiểu sự việc và xem xét bản tường trình, kiểm điểm của cô Nhung, nhà trường đã thống nhất tạm đình chỉ công tác giảng dạy đến hết năm học, bố trí phân công việc phù hợp để cô giáo có thời gian ổn định về mặt tinh thần và nhìn nhận lại lỗi sai để rút kinh nghiệm.
Hình ảnh sau khi đăng tải trên mạng xã hội đã thu hút sự chú ý của nhiều người cùng với sự phẫn nộ. |
Đánh học sinh vì viết bài chậm
Ông Nguyễn Thế Lâm, Trưởng phòng GD&ĐT TP.Nam Định (tỉnh Nam Định) xác nhận sự việc cô giáo trường tiểu học Hồ Tùng Mậu (TP.Nam Định) đánh học sinh lớp 4 vì viết bài chậm khiến em này bị bầm tím một bên tay.
“Khi về nhà, mẹ cháu thay quần áo mới thấy có vết bầm nên đã chia sẻ với một người dì ở bên Nhật và người dì này đã chia sẻ thông tin lên mạng xã hội chứ gia đình chưa phản ánh với nhà trường”, ông Lâm thông tin.
Về phía gia đình học sinh, sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, gia đình đã gỡ bài đăng tải trên mạng xã hội.
Theo tường trình của cô Nhung, vào lúc 9h ngày 29/5, trong tiết Tập làm văn, cô Nhung kiểm tra bài và thấy em T. chưa hoàn thành bài cô giao. Việc em T. thiếu bài đã được cô Nhung nhắc nhở một vài lần nhưng em vẫn chưa khắc phục. Bên cạnh đó, trong lớp, em T. vẫn chưa thực sự chú ý nghe giảng, viết bài chậm.
“Do thời gian nghỉ dịch dài, việc học tập bị gián đoạn nên khi học sinh đi học trở lại tôi rất mong muốn rèn học sinh ổn định nề nếp học tập như trước. Khi thấy em T thiếu bài, tôi đã nhắc nhở em. Trong tiết học, em không tập trung viết bài, nên trong lúc mất bình tĩnh, tôi đã dùng thước nhựa đánh vào phần bắp tay của em có để lại vết đỏ”, cô Nhung viết trong bản tường trình.
Lúc đó do học sinh không có biểu hiện kêu đau nên cô và cả lớp vẫn tiếp tục tiết học. Khi về gia đình mới phát hiện và báo lại cho giáo viên cũng như ban Giám hiệu nhà trường. Lúc này cô Nhung mới biết việc làm của mình đã để lại vết thương trên tay học sinh.
Đình chỉ dạy tới cuối năm học
Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, đại diện sở GD&ĐT tỉnh Nam Định cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin trên Facebook, Sở đã nhanh chóng chỉ đạo phòng GD&ĐT TP.Nam Định lập tức kiểm tra, rà soát lại thông tin và báo cáo với lãnh đạo Sở”.
Theo nội dung từ bản báo cáo, ban Giám hiệu nhà trường cùng cô giáo Nhung đã làm việc với gia đình, phân tích nguyên nhân của sự việc đáng tiếc là do cô giáo muốn học sinh hoàn thành tốt yêu cầu của mình, cùng với việc cô giáo còn thiếu kinh nghiệm, mất bình tĩnh, nóng vội, chứ hoàn toàn không có ý trù dập, xúc phạm học sinh.
Ban Giám hiệu và cô giáo Nhung xin lỗi gia đình học sinh. Gia đình em T. về cơ bản thông cảm và thiện chí trước lời xin lỗi của nhà trường và cô giáo.
Sau khi tìm hiểu sự việc và xem xét bản tường trình, kiểm điểm của cô Nhung, nhà trường thống nhất tạm đình chỉ công tác giảng dạy đến hết năm học, bố trí phân công việc phù hợp để cô giáo có thời gian ổn định về mặt tinh thần và nhìn nhận lại lỗi sai để rút kinh nghiệm.
Qua sự việc này, Phòng GD&ĐT TP.Nam Định cũng nghiêm túc rút kinh nghiệm với cô Nhung và ban Giám hiệu nhà trường, đồng thời quán triệt tới toàn thể cán bộ giáo viên về các hành vi không được làm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp.
Dễ tạo ra một thế hệ “lì lợm”
Bày tỏ quan điểm về sự việc, trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, thầy Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa (Hà Nội) cho hay, việc bạo hành học sinh đến từ giáo viên đã xảy ra trong khoảng thời gian dài, nó bắt nguồn tự sự lạm dụng quyền lực và thường mang cách thức công khai. Điều này vừa gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tâm lý của học sinh và vừa ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục. “Trong giáo dục nếu thiếu tình yêu thương đối với trẻ thì việc giáo dục chắc chắn không thể thành công. Nếu tận tâm thì người giáo viên sẽ kiên nhẫn giúp các em biết cái sai để điều chỉnh cho đúng, chứ không phải sai là đánh ngay như vậy. Việc bạo lực đối với học sinh thể hiện sự bất lực của giáo viên chứ không phải tận tâm”, thầy Tớp bày tỏ.
Hà Giang (t/h)
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 3 (88)