Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

“Ve chai, đồng nát” lên sàn thương mại điện tử - Quản lý thế nào?

(DS&PL) -

Ngoài những mặt hàng vẫn còn giá trị sử dụng được rao bán, những thứ đồ “ve chai, đồng nát, sắt vụn” bất ngờ được rao bán rầm rộ trên các sàn thương mại điện tử.

Ngoài những mặt hàng vẫn còn giá trị sử dụng được rao bán, những thứ đồ “ve chai, đồng nát, sắt vụn” bất ngờ được rao bán rầm rộ trên các sàn thương mại điện tử với giá cả hấp dẫn.

Kinh doanh đồng nát thời 4.0

Lướt qua các sàn thương mại điện tử đang hoạt động ở thị trường Việt Nam, chỉ cần nhập từ khoá “đồng nát” trên trang, người dùng sẽ dễ dàng nhận được hàng chục kết quả. Đáng nói, đây là những sản phẩm tưởng chừng như vứt đi, chỉ thực hiện mua bán trực tiếp mà nay được tiếp cận rộng rãi qua hình thức online và mang lên sàn thương mại điện tử. Từ máy tính, điện thoại cũ, hỏng đến dây sạc các loại hay thậm chí cả chai lọ nhựa, thùng cát tông... tất cả đều được chủ nhân rao bán rầm rộ. Phía dưới mỗi món hàng, người bán đã ghi rõ ràng giá hàng, giá vận chuyển, người mua chỉ cần một cái nhấp chuột thì những mặt hàng “ve chai, đồng nát” sẽ được chuyển về đến tận nhà.

Linh kiện điện tử hỏng được rao bán trên sàn thương mại điện tử.

Qua tìm hiểu, những nguồn máy tính hỏng được bán với giá 17.500 đồng/chiếc; điện thoại cũ, linh kiện máy vi tính cũ, được rao bán với giá 15.000 đồng/chiếc; ổ cứng hỏng được bán từ 9.000 - 12.000 đồng/chiếc... Thậm chí, những mặt hàng “đồng nát sắt vụn” này đang được người bán rao bán theo combo (linh kiện điện tử cũ hỏng, chai lọ, thùng cát tông...). Mỗi combo đồng nát sẽ có giá dao động từ 15.000 - 20.000 đồng tùy mặt hàng, những đồ linh kiện điện tử vẫn còn có thể tái sử dụng sẽ có giá cao hơn, khoảng 25.000 đồng/kg.

Khi phóng viên liên hệ theo số điện thoại 0969419xxx được người bán để lại tại địa chỉ bán hàng “ve chai, đồng nát” trên một sàn thương mại điện tử, một người đàn ông tên Thượng cho biết, đồng nát được anh bán theo cân, mỗi cân khoảng 20.000 đồng, trong đó bao gồm đủ thứ đồ như linh kiện điện tử, máy vi tính, điện thoại cũ, hư hỏng. Đặc biệt, nếu mua với số lượng lớn, còn có thể được giảm giá.

“Nhiều đồ vẫn còn dùng được nhưng lâu không sử dụng nên đăng lên sàn thương mại để thanh lý, những thứ đồ này tôi mua lại từ bên ngoài. Nếu bạn có ý định lấy số lượng lớn từ 50 chiếc trở lên sẽ được chiết khấu 10% cho giá trị mỗi hóa đơn hàng”, người này cho hay.

Những mặt hàng “đồng nát, sắt vụn” này cũng được rao bán theo combo.

Đối với nhiều người, hình thức kinh doanh “đồng nát” thời 4.0 mang lại khá nhiều lợi ích cho cả người mua và người bán, giúp tiết kiệm thời gian hơn hẳn, chỉ cần một cú click chuột thì “cái gì cũng có”. Tuy nhiên, việc lựa chọn các linh kiện điện tử như nguồn máy tính, vỏ điện thoại... cũng rất hên xui, nếu may mắn thì có thể mua được đồ cũ giá “mềm” mà vẫn sử dụng được, kém may hơn thì mua phải đồ đã hỏng hoàn toàn.

Phải siết chặt quản lý

Khi các thiết bị điện tử vừa mới được sản xuất và trong quá trình sử dụng, các chất trong thiết bị không gây hại cho con người. Việc tích trữ rác điện tử ở các cơ sở thu mua phế liệu không đảm bảo điều kiện bảo quản, dưới tác động của mưa, nắng, bị va đập... ở nơi chứa rác thải, các chất có hại bị phơi ra ngoài không khí, bị bỏ ra môi trường sống gây độc hại đối với môi trường và sức khỏe con người. Chính vì vậy, buôn bán phế liệu được xếp vào loại hình kinh doanh có điều kiện, buộc các cơ sở phải đảm bảo nhiều tiêu chí về giấy phép kinh doanh, cam kết bảo vệ môi trường, hệ thống phòng, chống cháy, nổ đúng quy định...

Sàn thương mại điện tử được ví như hệ thống siêu thị, nghĩa là mọi nguồn hàng khi bày bán phải được kiểm tra, đối với những mặt hàng phế thải như vậy càng cần phải có sự quản lý chặt chẽ hơn.

Luật sư Nghiêm Quang Vinh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, luật sư Nghiêm Quang Vinh (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Theo quy định tại Thông tư 47/2014/TT-BCT bộ Công Thương ban hành, chủ sàn giao dịch thương mại điện tử hay website bán hàng phải có trách nhiệm ngăn chặn và loại bỏ những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... Khoản 3, Điều 36 của Nghị định 52/2013/NĐ-CP yêu cầu thương nhân, tổ chức, cá nhân là người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin khi đăng ký sử dụng dịch vụ trên sàn gồm tên, địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc tên và địa chỉ thường trú của cá nhân.

Ngoài ra, pháp luật yêu cầu phải cung cấp số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân, hoặc số, ngày cấp và đơn vị cấp quyết định thành lập của tổ chức hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân.

Người tiêu dùng khi mua hàng trên sàn thương mại điện tử, dù người bán hàng là ai thì trách nhiệm cao nhất vẫn nằm ở các đơn vị quản lý sàn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác quản lý thị trường gắn với không gian mạng vẫn còn thiếu, các giao dịch hàng hóa đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể. Trong khi đó, đối với thương mại điện tử, khi xử lý phải có chứng cứ cụ thể khiến công tác quản lý thị trường trên thương mại điện tử càng khó khăn.

“Một số sàn thương mại điện tử hiện nay không yêu cầu người bán hàng cung cấp đăng ký kinh doanh. Điều này đã khiến cho người kinh doanh có thể thoải mái buôn bán các mặt hàng do mình đăng tải trên sàn thương mại điện tử mà không bị gò bó trong hoạt động buôn bán này. Chính vì vậy, các hoạt động mua bán trên sàn thương mại điện tử cần phải được siết chặt hơn nữa”, vị luật sư cho hay.

Theo báo cáo của bộ Công Thương, tháng 8/2019, các trang web thương mại phát triển bùng nổ từ 763 trang web năm 2013 lên 10.000 trang web vào năm 2019. Quy mô thị trường thương mại điện tử cũng tăng lên nhanh chóng từ 5 tỷ USD năm 2016 lên 8 tỷ USD vào năm 2018, dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 13 tỷ USD. Hiện, thương mại điện tử chiếm khoảng 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, nếu không có biện pháp quản lý hiệu quả sẽ gây nhiều hệ lụy khó lường. Bộ Công Thương đã có chiến dịch thanh tra, kiểm tra được bắt đầu từ tháng 10/2019 và kéo dài đến hết năm 2020. Theo đó, đối tượng thanh tra, kiểm tra sẽ là các thương nhân, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu website, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng hoặc kinh doanh trên website, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử có dấu hiệu lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Thu Huyền

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 7 (28)

Tin nổi bật