Theo tin tức trên Quân đội nhân dân, vào chiều 3/2, giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng: 87,3 triệu đồng/lượng mua vào, 89,3 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 500.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào/bán ra).
Vàng SJC Phú Quý 87,3 triệu đồng/lượng mua vào (tăng 900.000 đồng), 89,3 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 400.000 đồng).
Vàng DOJI tại Hà Nội và TP.HCM: 87,3 triệu đồng/lượng mua vào, 89,3 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 400.000 đồng/lượng ở hai chiều mua vào/bán ra).
Vàng PNJ tại TP.HCM: 87,2 triệu đồng/lượng mua vào, 88,9 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 600.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 800.000 đồng/lượng ở chiều bán ra).
Giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn tròn trơn tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 87,3 triệu đồng/lượng mua vào, 89,3 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào/bán ra).
Giá vàng vẫn duy trì ở mức cao. (Ảnh: Thanh niên)
Tin tức trên Tạp chí Tri thức, sáng 3/2, tại "phố vàng" Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), không quá đông người tìm mua vàng nhưng hầu hết cửa hàng tại đây đều thông báo hết vàng nhẫn tròn trơn và vàng miếng SJC.
Nhân viên Bảo Tín Minh Châu tại phố Trần Nhân Tông cho biết ngay từ sáng, cửa hàng đã hết sạch vàng nhẫn trơn và vàng miếng SJC, chưa rõ khi nào mới có hàng trở lại.
"Các sản phẩm vàng Rồng Thăng Long và vàng miếng SJC đã hết trên toàn hệ thống. Cửa hàng cũng chưa rõ khi nào sẽ có hàng trở lại", người này cho biết.
Tương tự, nhân viên tại cửa hàng PNJ Trần Nhân Tông thông báo đã hết vàng nhẫn trơn và vàng miếng, chưa hẹn ngày nhập hàng mới.
Cửa hàng Bảo Tín Mạnh Hải Trần Nhân Tông cũng trong tình trạng hết sạch hai mặt hàng vàng nhẫn và vàng miếng. Dù vậy, cửa hàng này chấp nhận cho khách đặt hàng trước với giá hiện tại và nhận vàng sau 10 ngày.
Với hình thức này, khách sẽ phải thanh toán toàn bộ tiền mua vàng theo giá hiện tại, cửa hàng sẽ cung cấp giấy hẹn và sau 10 ngày khách có thể quay lại nhận vàng.
Cũng trong sáng nay, các cửa hàng vàng của Tập đoàn Phú Quý, DOJI, SJC... tại Hà Nội đồng loạt thông báo hết vàng nhẫn, vàng miếng.
Nhân viên DOJI cho biết có thể chiều cùng ngày hoặc 2-3 ngày nữa mới có hàng bán. Tuy nhiên, người này cũng không chắc chắn về mốc thời gian cụ thể có vàng. Trong khi nhân viên cửa hàng DOJI cho biết dự kiến phải đến mùng 9-10 Âm lịch (tức 6-7/2) mới có vàng nhẫn.
Người dân khó tìm mua vàng nhẫn, vàng miếng sau Tết. (Ảnh: Znews)
Chuyên gia vàng Dương Anh Vũ nhận định trên báo Thanh niên, nhiều khả năng kim loại quý này sẽ giảm nhẹ sau khi test đỉnh và hướng đến mức 2.860 USD/ounce trước những thông tin địa chính trị gần đây. Sau khi nhậm chức, với những động thái của Tổng thống Mỹ Donald Trump, quan hệ bang giao giữa Mỹ và Trung Quốc có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tuy nhiên, với Nga và xung đột Đông Âu, vấn đề này dường như không dễ giải quyết. Mới đây, Tổng thống Donald Trump đe dọa áp lệnh trừng phạt nặng nếu Moscow từ chối ngồi vào bàn đàm phán với Kyiv. Vào lúc này, chiến sự Trung Đông đã lắng xuống. Tuy nhiên, nếu xung đột Đông Âu tiếp tục leo thang, giá vàng thế giới sẽ khó giảm. Khi giá vàng thế giới lên lại mức 2.860 USD/ounce, dự báo giá vàng trong nước có thể tăng trên 91 triệu đồng/lượng.
Trong báo cáo triển vọng năm 2025, Eric Strand, người sáng lập công ty kim loại quý AuAg Funds, tuyên bố ông kỳ vọng giá vàng sẽ vượt quá 3.000 USD/ounce trong năm nay. Giá vàng có khả năng tăng cao hơn nữa, với mục tiêu thực tế là 3.300 đô la, tăng 20% so với hiện tại. Chính quyền mới của ông Donald Trump có thể mở ra một kỷ nguyên mới về các biện pháp kích thích của chính phủ và chính sách tiền tệ nới lỏng hơn.
Trong khi đó, nợ của chính phủ Mỹ đã tăng lên mức lịch sử, hiện tại là trên 36.000 tỉ USD. Không những Mỹ, các chính phủ trên toàn thế giới vẫn tiếp tục chi tiêu thâm hụt. Lượng tiền trong hệ thống đang tăng lên mà không tạo ra nhiều tăng trưởng thực sự, điều này tự nhiên có nghĩa là mỗi đơn vị tiền tệ trở nên ít giá trị hơn. Vàng vẫn là loại tiền tệ an toàn hấp dẫn trên toàn cầu khi xu hướng phi toàn cầu hóa diễn ra nhanh hơn và các quốc gia đa dạng hóa nguồn đầu tư khỏi đồng đô la Mỹ.