Theo báo Dân trí, sáng nay (6/11), giá vàng miếng SJC được các cửa hàng lớn tại Hà Nội niêm yết ở mức 67,2 - 68,7 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 1,85 triệu đồng chiều mua và 1,35 triệu đồng chiều bán so với giá đóng cửa tuần trước. Chênh lệch 2 chiều mua - bán nâng từ 1 triệu đồng lên 1,5 triệu đồng.
Giá vàng miếng SJC "bốc hơi" 2 triệu đồng/lượng.
Đến 9h sáng cùng ngày, giá vàng miếng SJC lại giảm tiếp, được các cửa hàng lớn niêm yết ở 67 - 68,5 triệu đồng/lượng (mua - bán), tức giảm 2,05 triệu đồng chiều mua và 1,55 triệu đồng chiều bán so với giá đóng cửa tuần trước.
Đến giữa trưa, vàng miếng bất ngờ quay đầu tăng thêm 1 triệu đồng/lượng mỗi chiều, hiện đạt 68 - 69,5 triệu đồng/lượng (mua - bán). Chênh lệch 2 chiều mua bán ở mức 1,5 triệu đồng.
Trước đó, vàng miếng duy trì trong thời gian dài mức chênh lệch 2 chiều trong vùng giá 600.000 - 700.000 đồng/lượng. Thông thường, thời điểm giá biến động mạnh, các thương hiệu kinh doanh vàng cũng nới rộng chênh lệch mua bán lên cao để phòng rủi ro.
So với cuối tuần cuối, mỗi lượng vàng miếng giảm hơn 1 triệu đồng ở chiều mua vào và hơn nửa triệu đồng chiều bán. Trước đó, khoảng nửa tháng nay, vàng miếng duy trì ở mức trên 70 triệu đồng mỗi lượng.
Trong khi giá vàng miếng SJC tăng sốc, giảm sâu, thì giá vàng nhẫn, vàng trang sức biến động không đáng kể. Vàng trang sức 24K vẫn giao dịch sát mốc 60 triệu đồng/lượng, còn giá vàng thế giới chỉ giảm nhẹ về 1.984 USD/ounce.
Trên các hội nhóm về vàng, nhiều người cho rằng vàng SJC đang bị chốt lời mạnh, thậm chí bị bán tháo sau khi vượt các mốc 70 và 71 triệu đồng/lượng.
Lý giải về diễn biến này, báo Người lao động dẫn lời các chuyên gia và công ty vàng cho biết có thể các nhà đầu tư và cả người đang cất giữ vàng SJC lo ngại sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 12/2023/TT-NHNN về sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc triển khai nhiệm vụ quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước. Thậm chí đã xuất hiện không ít thông tin về việc sẽ tạm dừng giao dịch vàng miếng, nhiều người còn kêu gọi ai nắm giữ vàng miếng hãy bán để đổi sang vàng nhẫn…
Trước lo ngại này của người dân, trưa 6/11, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đã phát đi thông cáo khẳng định:“Hiện nay người dân vẫn có thể thực hiện hoạt động mua, bán vàng miếng SJC bình thường như hiện hành tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng”.
Theo thông cáo của Công ty SJC, Thông tư 12 của Ngân hàng Nhà nước sẽ bổ sung Cục Quản lý dự trữ ngoại hối tham gia vào các quy trình giao dịch đấu thầu vàng miếng giữa Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, không liên quan đến hoạt động mua bán vàng miếng SJC của các tổ chức có giấy phép kinh doanh vàng miếng của các cá nhân đang sở hữu vàng miếng SJC.
Vân Anh (T/h)