Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Văn Yên - Yên Bái: Xây dựng mới các sản phẩm OCOP đạt 3 - 5 sao

  • Minh Thu
(DS&PL) -

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Văn Yên đã quan tâm khuyến khích, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm.

Trong năm qua, huyện Văn Yên đã đăng ký xây dựng mới 11 sản phẩm OCOP; trong đó, có 9 sản phẩm dự kiến đạt 3 sao, 1 sản phẩm dự kiến đạt 4 sao, 1 sản phẩm dự kiến đạt 5 sao gồm: Thảo dược ngâm tắm ngọc quế thang; nước lau sàn Đại Phú An; Trà Quế Hồng Sâm; Nước lau sàn xả chanh Quế Phát; rượu Chum MĐ; Du lịch sinh thái - cộng đồng Khe Cam; Quế sáo của Công ty TNHH Peaceful sun; Trà giảo cổ lam; Bưởi da xanh Lâm Giang; 1 sản phẩm dự kiến đạt 4 sao là Quế điếu thuốc lá; 1 sản phẩm dự kiến đạt 5 sao là Quế sáo của Công ty thương mại sản xuất nhập khẩu Thuận Quế.

Sản phẩm OCOP đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân huyện Văn Yên.

Các sản phẩm OCOP tại huyện Văn Yên đã góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân và thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia, mở đường đưa nông sản đến thị trường trong và ngoài nước. Đặt mục tiêu đưa Chương trình OCOP trở thành Chương trình kinh tế nông nghiệp quan trọng của huyện để phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn, góp phần phát huy tiềm năng thế mạnh của các địa phương, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm trọng tâm là các sản phẩm chủ lực để vươn ra thị trường trong và ngoài nước. Cụ thể, huyện tiếp tục củng cố các sản phẩm đã được đánh giá xếp hạng và phát triển mới các sản phẩm OCOP để đảm bảo mỗi xã, thị trấn trong huyện có ít nhất một sản phẩm được đánh giá xếp hạng từ 3 sao trở lên. Đến hết năm 2025, toàn huyện có ít nhất 40 sản phẩm OCOP; trong đó, có ít nhất 1 sản phẩm đạt 5 sao; có từ 5 sản phẩm OCOP của huyện xuất khẩu ra nước ngoài. 

 

Để đạt muc tiêu này, huyện tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác quản lý, xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP và kết nối cung cầu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm.

 

Hiện trên địa bàn huyện Văn Yên trồng trên 55.000 ha, trong đó diện tích Quế tập trung trên 30.000 ha. Diện tích quế hữu cơ đạt chứng nhận châu Âu, Mỹ tính đến nay đạt hơn 7.000 ha; dự ước đến hết năm 2023, tổng diện tích quế hữu cơ đạt chứng nhận châu Âu, Mỹ đạt trên 15.000 ha. Toàn huyện có 19 sản phẩm từ quế được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao; 01 sản phẩm OCOP 4 sao và đang xây dựng 01 sản phẩm OCOP 5 sao từ Quế (quế sáo). Trên địa bàn huyện hiện nay có 2 điểm giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh trong đó có nhiều các sản phẩm về quế; có 212 cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giống Quế; trên 200 cơ sở thu mua, sơ chế sản phẩm Quế vỏ; 21 cơ sở sản xuất trưng cất tinh dầu quế.

Với quy mô đó, hằng năm huyện cung ứng cho các địa phương trong và ngoài huyện gần 50 triệu cây Quế; thu mua Quế vỏ khô đạt trên 6.000 tấn; cung cấp trên 65.500 tấn lá Quế cho các cơ sở sản xuất trưng cất tinh dầu; sản lượng gỗ Quế đạt trên 60.000 m3; sản lượng tinh dầu đạt trên 300 tấn; tổng giá trị các sản phẩm từ quế năm 2023 ước đạt trên 600 tỷ đồng.

 Bên cạnh đó, huyện tập trung thực hiện chế biến các sản phẩm từ vỏ Quế có giá trị cao: Quế kẹp số 3, Quế khâu, Quế chẻ, Quế bào ống điếu, Quế khúc, Quế thuốc lá, Quế bột, các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ từ vỏ Quế…bước đầu được thị trường đón nhận. Ông Hà Đức Anh - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: “Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục duy trí ổn định diện tích Quế; đa dạng hóa các sản phẩm từ cây Quế, phát triển các sản phẩm Quế theo hướng bền vững, tạo ra sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; quy hoạch các cơ sở chế biến vỏ quế, gỗ quế và tinh dầu quế theo hướng bền vững, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình chế biến các sản phẩm Quế Văn Yên nhằm nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm Quế Văn Yên; tiếp tục tập trung phát triển cây quế theo hướng thâm canh, tăng mật độ, rút ngắn chu kỳ kinh doanh, tăng sinh khối trên đơn vị diện tích, bảo tồn nguồn giống quế lá nhỏ, ngọn đỏ bản địa, bảo tồn 90 cây quế và 14,5 ha quế tập trung ở các xã để làm nguồn giống cung ứng cho công tác trồng quế hàng năm trên địa bàn”.

 Thời gian qua, huyện Văn Yên đã chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, nhất là xây dựng các sản phẩm OCOP; chỉ đạo sát sao, triển khai bài bản kế hoạch ngay từ đầu mỗi năm. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp huyện chủ động tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai chương trình xây dựng thương hiệu sản phẩm bài bản, khoa học.  

Sản phẩm Quế được giới thiệu đến người tiêu dùng

Đến nay, toàn huyện đã có 38 sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OCOP; trong đó, có 36 sản phẩm 3 sao và 2 sản phẩm 4 sao. Một số sản phẩm OCOP của huyện hiện nay được đánh giá rất cao trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng như: tinh dầu thực vật Đại Phú An của Công ty TNHH Nam dược Đại Phú An (xã An Thịnh); trà quế của Công ty TNHH Trà thảo mộc Quế Phát; cao cà gai leo của Hợp tác xã Sản xuất dược liệu Viễn Sơn (xã Viễn Sơn); chuối tiến vua (chuối ngự) của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Trung Thành (xã Yên Hợp)… 

Phấn đấu 100% sản phẩm đều được đưa lên các sàn thương mại điện tử. Để đạt mục tiêu này, huyện tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô sản xuất gắn với đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; chú trọng phát triển sản phẩm dựa trên đặc trưng vùng miền, thế mạnh của địa phương và đáp ứng yêu cầu về quy mô vùng nguyên liệu. 

Đồng thời tập trung quy hoạch sản xuất hàng hóa tập trung, triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm, xây dựng nhãn mác, bao bì; hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, tạo điều kiện thuận lợi xây dựng sản phẩm OCOP. Huyện Văn Yên hướng đến mục tiêu có ít nhất 60 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên vào năm 2025; trong đó có ít nhất 1 sản phẩm đạt 5 sao và có từ 5 sản phẩm OCOP của huyện xuất khẩu ra nước ngoài.

Tin nổi bật