Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 6 luật vừa được Quốc hội khóa 14 thông qua tại kỳ họp thứ 4.
Ông Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước đã đọc lệnh công bố các luật cụ thể bao gồm: Luật Lâm nghiệp; luật Thủy sản, luật Sửa đổi bổ sung một số điều của luật Các tổ chức tín dụng; luật Quy hoạch; luật Sửa đổi bổ sung một số điều của luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; luật Quản lý nợ công; luật Quy hoạch.
Ông Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước đã đọc lệnh công bố. Ảnh: Đỗ Thơm. |
Tại buổi họp báo, đại diện bộ Tài chính là Thứ trưởng Vũ Thị Mai đã giới thiệu một số điểm mới của luật Quản lý nợ công vừa được Quốc hội thông qua. Theo đó, luật Quản lý nợ công gồm 10 Chương, 63 Điều, quy định về hoạt động quản lý nợ công bao gồm huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ và các nghiệp vụ quản lý nợ công.
Tại Chương 9 về kế toán, kiểm toán, thống kê, báo cáo và công bố thông tin về nợ công gồm 5 điều (từ Điều 57 đến Điều 61) quy định chặt chẽ, xác định rõ yêu cầu về thống kê nợ công, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về nợ công. Luật cũng quy định làm rõ thông tin báo cáo, thời gian báo cáo và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc cung cấp và công bố thông tin nợ công. Đây là những điểm mới so với luật Quản lý nợ công năm 2009. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.
Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông tin về một số điểm quan trọng của luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Các tổ chức tín dụng. Ảnh: Đỗ Thơm. |
Liên quan đến luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Các tổ chức tín dụng, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông tin, việc sửa đổi, bổ sung luật Các tổ chức tín dụng để tạo lập khuôn khổ pháp lý cho việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém là yêu cầu cấp thiết.
Theo Luật này, phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt bao gồm: Phương án phục hồi; phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, cổ phần đối với từng tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; phương án giải thể; phương án chuyển giao bắt buộc; phương án phá sản.
Theo ông Nguyễn Kim Anh, phương án cơ cấu lại cụ thể đối với từng tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt sẽ được lựa chọn phù hợp với thực trạng của từng tổ chức tín dụng thuộc diện này theo nguyên tắc đảm bảo giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Luật này có hiệu lực từ 15/1/2018.