Ngày nay, bệnh tim mạch ngày càng phổ biến, cùng với sự tiến bộ của y học, đã có nhiều thay đổi trong việc điều trị các bệnh nhân suy tim.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng và cũng là mấu chốt để thay đổi tiên lượng cho các bệnh nhân suy tim đó là phát hiện sớm và điều trị được nguyên nhân của bệnh. Muốn vậy, người bệnh cần có sự hiểu biết nhất định về bệnh cũng như ý thức được tầm quan trọng trong công tác khám sức khỏe tim mạch định kỳ.
Suy tim không có nghĩa trái tim không hoạt động, nó chỉ làm cho hoạt động bơm máu của tim trở nên khó khăn hơn và người bệnh thường thấy khó thở, mệt mỏi. Theo định nghĩa của Hội Tim mạch Việt Nam, có thể hiểu suy tim là trạng thái hoạt động của tim không đáp ứng với nhu cầu của cơ thể về mặt ôxy trong mọi tình huống sinh hoạt của bệnh nhân. Chúng ta biết, trái tim được chia làm hai phần, bên tim phải (gồm nhĩ phải, thất phải) và tim trái (gồm nhĩ trái, thất trái). Mỗi phần đó có các nguyên nhân khác nhau dẫn đến suy tim. Sau đây là một số nguyên nhân chính dẫn đến suy tim:
Nguyên nhân suy tim trái: tăng huyết áp động mạch; bệnh van tim: hở van hai lá, hở hoặc hẹp van động mạch chủ đơn thuần hoặc phối hợp; viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim; rối loạn nhịp tim; bệnh tim bẩm sinh.
Nguyên nhân suy tim phải: bệnh phổi mạn tính (hen phế quản, viêm phế quản mạn, giãn phế nang, giãn phế quản, xơ phổi), nhồi máu phổi, tăng áp lực động mạch phổi tiên phát; gù vẹo cột sống và dị dạng lồng ngực; hẹp van 2 lá; bệnh tim bẩm sinh: hẹp động mạch phổi, thông liên nhĩ, thông liên thất.
Nguyên nhân suy tim toàn bộ: suy tim trái phát triển thành suy tim toàn bộ; viêm tim toàn bộ do thấp tim, viêm cơ tim; bệnh cơ tim giãn. Nguyên nhân khác: cường giáp trạng, thiếu vitamin B1, thiếu máu nặng, dò động mạch - tĩnh mạch.
Chẩn đoán suy tim
Người bệnh thường có biểu hiện khó thở khi gắng sức, khó thở phải ngồi dậy để thở và thường kèm theo ho. Hoạt động thể lực bị giảm từ mức độ nhẹ đến nhiều, dễ mệt và yếu sức. Bên cạnh đó sẽ xuất hiện phù hai chân, phù ở mặt hoặc cảm giác nặng mặt. Ngoài ra, người bệnh thường thấy hồi hộp, đánh trống ngực. Giai đoạn nặng, sẽ có gan to, có dịch trong ổ bụng.
Xét nghiệm cận lâm sàng như Xquang, siêu âm, điện tim hoặc xét nghiệm máu giúp tìm nguyên nhân suy tim. Trên thực tế, người ta chia mức độ suy tim thành bốn độ: Độ I: không hạn chế, vận động thể lực thông thường không gây mệt, khó thở hoặc hồi hộp. Độ II: hạn chế nhẹ vận động thể lực. Bệnh nhân khỏe khi nghỉ ngơi, vận động thể lực thông thường (như lên cầu thang) làm mệt, hồi hộp, khó thở hay đau ngực. Độ III: hạn chế nhiều vận động thể lực. Bệnh nhân khỏe khi nghỉ ngơi, nhưng vận động thể lực nhẹ cũng làm mệt, hồi hộp, khó thở hay đau ngực. Độ IV: mất khả năng vận động thể lực, triệu chứng cơ năng của suy tim xảy ra cả khi nghỉ, vận động dù nhẹ đều làm tăng triệu chứng.
Ăn nhiều rau quả, giảm muối, kiểm soát huyết áp đề phòng suy tim. |
Điều trị suy tim
Điều trị suy tim bằng thay đổi lối sống, theo dõi chặt chẽ và sử dụng thuốc theo đúng phác đồ của thầy thuốc. Cần giải quyết các nguyên nhân dẫn đến suy tim như phẫu thuật sửa van, thay van tim, phẫu thuật cầu nối chủ vành, can thiệp mạch vành... Ghép tim là giải pháp cuối cùng khi tất cả các biện pháp khác không hiệu quả.
Thay đổi lối sống
Biện pháp giúp giảm nguy cơ tổn thương tim: ngưng thuốc lá, giảm cân ở người béo; kiểm soát huyết áp, lipid, tiểu đường; ngưng rượu...
Biện pháp cân bằng dịch: hạn chế muối (dưới 2g/ngày), cần cân mỗi ngày để phát hiện sớm thừa dịch; hạn chế nước uống (dưới 1,5l/ngày).
Biện pháp cải thiện thể lực: tập luyện vừa phải, không cần hạn chế vận động.
Điều trị nguyên nhân gây ra suy tim
Các nguyên nhân có thể được điều trị: bệnh van tim, nhiễm độc giáp, suy giáp, rối loạn nhịp tim, ức chế cơ tim do thuốc, viêm tim cấp, nhồi máu cơ tim, bệnh màng ngoài tim và phì đại thất do tăng huyết áp. Khi điều trị được các nguyên nhân này thì tình trạng suy tim sẽ giảm hoặc mất đi.
Các biện pháp theo từng bệnh nhân: kiểm soát tần số thất ở bệnh nhân rung nhĩ, nhịp nhanh trên thất; kháng đông ở bệnh nhân rung nhĩ hoặc có tiền sử thuyên tắc mạch máu. Tái lưu thông động mạch vành ở bệnh nhân có cơn đau thắt ngực. Nên tránh các thuốc ảnh hưởng co bóp cơ tim hoặc giữ muối. Dùng thuốc chống loạn nhịp nếu bệnh nhân có các rối loạn nhịp.
Thuốc điều trị: Có nhiều thuốc điều trị suy tim, thường phải phối hợp nhiều thuốc với nhau, các thuốc điều trị suy tim được sử dụng với các mục đích sau:
Tăng sức co bóp cơ tim (digoxin); tăng đào thải muối và nước (thuốc lợi tiểu); giảm gánh nặng cho tim (như thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn kênh canxi); thuốc chống đông máu: như thuốc chống ngưng tập tiểu cầu, kháng vitamin K...
Các thuốc điều trị suy tim phải được tuân thủ rất chặt chẽ và theo dõi thường xuyên bởi các thầy thuốc chuyên khoa tim mạch, người bệnh tuyệt đối không tự ý thay đổi liều thuốc hay bỏ thuốc tránh những biến chứng cũng như làm tình trạng suy tim nặng hơn.
BS. Ngô Tuấn Anh/BV Bạch Mai