Đời sống và Pháp luật (ĐS&PL) đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thị Báo - Giảng viên Khoa Luật, Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh để nhận diện rõ âm mưu mang tên “cách mạng màu” của các thế lực thù địch trong bối cảnh ngày nay và chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong việc ứng phó với chiến lược phản cách mạng nguy hiểm, lâu dài này.
PGS.TS. Nguyễn Thị Báo - Giảng viên Khoa Luật, Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh
Nhận diện các cuộc “cách mạng màu”
ĐS&PL: Thưa bà, “cách mạng màu” là một chiến lược phản cách mạng mà các thế lực thù địch duy trì và nuôi dưỡng để chống phá các quốc gia. Nhìn vào bức tranh chung, bà đánh giá như thế nào về nguy cơ “cách mạng màu” diễn ra trên thế giới hiện nay?
- PGS.TS Nguyễn Thị Báo: Các cuộc “cách mạng màu” là thuật ngữ thường được sử dụng để miêu tả các phong trào phản kháng dân sự lớn xảy ra tại một số quốc gia nhất là trong không gian hậu Xô Viết trong thập kỷ 2000, với nguyên nhân chính thường liên quan đến các cuộc bầu cử bị cho là gian lận hoặc không công bằng.
Điểm lại lịch sử thế giới, có thể kể ra hàng loạt những ví dụ điển hình như cách mạng Đường phố ở Nam Tư năm 2000, cách mạng hoa Hồng ở Grudia năm 2003, cách mạng Cam ở Ukraine năm 2004 và 2014, cách mạng hoa Tulip ở Kyrgyzstan năm 2005, cách mạng cây Tuyết tùng ở Libăng năm 2005, cách mạng Xanh ở Iran năm 2009, cách mạng hoa Nhài ở Tuynidi từ năm 2010, Mùa xuân Arập ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi...
Nguy cơ của các cuộc “cách mạng màu” diễn ra trên thế giới hiện nay có thể được đánh giá dựa trên nhiều yếu tố, phản ánh sự thay đổi trong các phong trào xã hội và chính trị phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa và công nghệ số, trong đó có thể kể tên 5 yếu tố cơ bản.
Thứ nhất là tác động của bối cảnh chính trị và kinh tế toàn cầu. Trên thực tế, nhiều quốc gia đang trải qua giai đoạn bất ổn chính trị nghiêm trọng do các vấn đề như tham nhũng, quản lý kém, bất bình đẳng kinh tế và vi phạm quyền con người. Các điều kiện này thường tạo ra môi trường dễ dàng cho các cuộc "cách mạng màu" xảy ra. Ngoài ra, khủng hoảng kinh tế và thất nghiệp tăng cao có thể đẩy xã hội vào trạng thái bất mãn, dẫn đến những cuộc biểu tình lớn và thậm chí là "cách mạng màu".
Thứ hai là tác động của công nghệ và truyền thông xã hội. Sự phát triển của mạng xã hội đã thay đổi cách thức tổ chức và lan tỏa các phong trào chính trị. Các nền tảng như Facebook, Twitter và TikTok cho phép thông tin được chia sẻ nhanh chóng, đôi khi vượt qua kiểm duyệt Nhà nước, tạo điều kiện cho các cuộc “cách mạng màu” bùng nổ.
Thứ ba là ảnh hưởng của các tổ chức quốc tế và các quốc gia lớn. Trong một số trường hợp, các quốc gia lớn và tổ chức quốc tế có thể can thiệp vào tình hình chính trị nội bộ của một quốc gia khác để thúc đẩy sự thay đổi chế độ, điều này có thể kích hoạt hoặc hỗ trợ cho một cuộc "cách mạng màu". Đặc biệt, việc chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa quốc gia đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới cũng có thể tạo điều kiện cho các phong trào chống Chính phủ và "cách mạng màu" phát triển mạnh mẽ hơn.
Thứ tư là tính dễ bùng nổ của các cuộc "cách mạng màu". Như một làn sóng toàn cầu, từ cuộc "cách mạng màu" ở một quốc gia có thể lan tỏa sang các quốc gia lân cận, đặc biệt là nếu các quốc gia này có các điều kiện chính trị và xã hội tương tự. Điều này tạo ra một nguy cơ lan rộng bất ổn trên diện rộng. Ngoài ra, các phong trào "cách mạng màu" thường học hỏi và sao chép các chiến lược từ nhau, tạo ra một mô hình tái diễn ở nhiều nơi. Những cuộc "cách mạng màu" này đều có điểm chung là sự phản kháng mạnh mẽ từ quần chúng, thường do sự không tin tưởng vào quá trình bầu cử và yêu cầu thay đổi chính trị.
Cuối cùng, "cách mạng màu" có tính đặc thù của từng quốc gia. Những quốc gia có khả năng kiểm soát chặt chẽ các phương tiện truyền thông và xã hội thường có thể ngăn chặn các cuộc "cách mạng màu" ngay từ giai đoạn đầu. Tuy nhiên, điều này cũng có thể dẫn đến bạo lực và phản kháng mạnh mẽ hơn khi áp lực tích tụ. Mức độ tổ chức và đoàn kết của các lực lượng đối lập cũng là yếu tố quan trọng quyết định khả năng một cuộc "cách mạng màu" có thể thành công hay không.
Người biểu tình ở Bangladesh xông vào Phủ Thủ tướng ở thủ đô Dhaka gâyra tình trạng hỗ loạn, tháng 8/2024.
ĐS&PL: Gần đây vào những ngày đầu tháng 8/2024, tại Bangladesh đã xảy ra cuộc biến động chính trị hết sức nghiêm trọng cũng xuất phát từ những cuộc biểu tình của lực lượng sinh viên. Nhìn vào khủng hoảng chính trị ở Bangladesh, có thể nhìn thấy đâu là dấu hiệu của "cách mạng màu", thưa bà?
- PGS.TS Nguyễn Thị Báo: Khủng hoảng chính trị ở Bangladesh hiện tại có thể được xem xét trong bối cảnh rộng hơn của các cuộc cách mạng màu từng xảy ra ở nhiều quốc gia khác nhau. Nhìn vào chính biến tại quốc gia này có thể nhìn thấy rõ những dấu hiệu của một cuộc "cách mạng màu".
Trước hết, đó là các cuộc biểu tình lớn và liên tục. Một trong những dấu hiệu nổi bật là sự gia tăng của các cuộc biểu tình lớn và liên tục. Một số nguyên nhân kích hoạt điển hình như một cuộc bầu cử gây tranh cãi, những sai sót trong quản trị đất nước của chính quyền, những bất mãn của người dân chưa được giải quyết hoặc thậm chí chỉ là một vụ việc nóng được dư luận quan tâm. Tại Bangladesh, các cuộc biểu tình phản đối Chính phủ thường xuyên diễn ra, đặc biệt trong bối cảnh có sự bất mãn với chính quyền của Thủ tướng Sheikh Hasina và đảng Liên đoàn Awami.
Hai là, sự can thiệp của các tổ chức quốc tế. Trong các cuộc "cách mạng màu", thường có sự quan tâm và can thiệp từ các tổ chức quốc tế và các quốc gia khác. Điều này có thể bao gồm việc cung cấp tài trợ, hỗ trợ truyền thông, hoặc thậm chí là các lời kêu gọi chính trị quốc tế để ủng hộ phe đối lập.
Ba là, sử dụng truyền thông xã hội. Một yếu tố quan trọng khác là việc sử dụng truyền thông xã hội để tổ chức, truyền bá thông tin và kêu gọi hành động. Các cuộc cách mạng màu trong lịch sử đều tận dụng mạnh mẽ sức mạnh của truyền thông xã hội để lan tỏa thông điệp và thu hút sự chú ý của công chúng quốc tế.
Bốn là, sự đối đầu giữa các phe phái chính trị. Căng thẳng gia tăng giữa các phe phái chính trị, đặc biệt là giữa Chính phủ và phe đối lập, có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị sâu rộng. Ở Bangladesh, sự đối đầu này thường xoay quanh các vấn đề bầu cử và quyền lực, với các cáo buộc gian lận và đàn áp đối lập.
Năm là, vai trò của các tổ chức phong trào dân sự. Các tổ chức dân sự và các nhóm hoạt động xã hội thường đóng vai trò quan trọng trong việc kích động và duy trì các cuộc biểu tình. Ở Bangladesh, có nhiều nhóm và tổ chức xã hội đang hoạt động mạnh mẽ, góp phần vào các phong trào chống lại chính quyền hiện tại.
Các yếu tố trên có thể là chỉ dấu cho một cuộc cách mạng màu, mặc dù không phải lúc nào cũng dẫn đến một cuộc cách mạng thực sự. Tình hình chính trị tại Bangladesh hiện tại có thể tiếp tục phát triển theo nhiều hướng khác nhau, và việc quan sát các yếu tố này có thể giúp dự đoán diễn biến tương lai.
Các cuộc "cách mạng màu" đều khiến các quốc gia chìm trong bất ổn.
Ngăn chặn nguy cơ “cách mạng màu” ở Việt Nam
ĐS&PL: Từ việc quan sát tình hình trong nước, bà đánh giá như thế nào về âm mưu lâu dài và nguy cơ kích động "cách mạng màu" mà các thế lực thù địch nung nấu ở Việt Nam?
- PGS.TS Nguyễn Thị Báo: Tại Việt Nam, âm mưu lâu dài và nguy cơ kích động "cách mạng màu" từ các thế lực thù địch có thể được phân tích từ nhiều góc độ khác nhau, đặc biệt là trong bối cảnh chính trị và xã hội đặc thù của đất nước.
Trước hết có thể khẳng định, một trong những chiến lược mà các thế lực thù địch có thể áp dụng là “diễn biến hòa bình” - một phương pháp không sử dụng vũ lực để thay đổi chế độ chính trị thông qua tác động từ bên trong.
Lợi dụng các vấn đề xã hội như tham nhũng, bất bình đẳng, các sự việc chưa được giải quyết thỏa đáng, các thế lực thù địch thường cố gắng lan truyền các tư tưởng chống phá, kích động sự bất mãn trong xã hội thông qua truyền thông xã hội, các phương tiện truyền thông nước ngoài, và thậm chí là các hoạt động văn hóa, giáo dục. Mục tiêu là làm suy yếu lòng tin của công chúng vào hệ thống chính trị hiện tại.
Bên cạnh đó, những sự kiện chính trị quan trọng như bầu cử, đại hội Đảng, hoặc các sự kiện quốc gia khác có thể trở thành mục tiêu để các thế lực thù địch khuấy động và tạo ra sự bất ổn. Họ có thể tung tin giả, hoặc lợi dụng các sự kiện này để tổ chức các hoạt động chống đối.
Giúp sức cho âm mưu phản cách mạng này, các nhóm đối lập có thể nhận được sự hỗ trợ tài chính và tổ chức từ các thế lực nước ngoài. Sự hỗ trợ này có thể bao gồm việc đào tạo, cung cấp công cụ truyền thông, hoặc tài trợ cho các tổ chức xã hội dân sự hoặc các phong trào chính trị đối lập.
Có thể nói, âm mưu kích động "cách mạng màu" ở Việt Nam luôn hiện hữu và được các thế lực thù địch nuôi dưỡng. Tuy nhiên, không phải là không thể phòng tránh. Điều quan trọng là kịp thời nhận diện và đối phó hiệu quả với các âm mưu này, đặc biệt là việc củng cố, tăng cường niềm tin của người dân.
ĐS&PL: Để đối phó với nguy cơ "cách mạng màu", giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng và chế độ, cần có những giải pháp căn cơ như thế nào?
- PGS.TS. Nguyễn Thị Báo: Để ngăn chặn nguy cơ “cách mạng màu” ở Việt Nam, cần thiết tăng cường nguồn sức mạnh nội sinh - những liều “vắc- xin niềm tin” làm thành trì vững chắc để đấu tranh với các yếu tố tác động bên ngoài. Trước hết, để ngăn chặn nguy cơ “cách mạng màu” từ trứng nước cần tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng trong xã hội.
Chính quyền cần lắng nghe và giải quyết kịp thời các kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của người dân, đảm bảo quyền lợi của nhân dân được bảo vệ. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý Nhà nước.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong nội bộ Đảng để đảm bảo kỷ cương, xử lý nghiêm các sai phạm. Điều này không chỉ giúp Đảng, Nhà nước giữ được uy tín mà còn củng cố niềm tin của nhân dân vào hệ thống chính trị. Đây là cách hiệu quả để ngăn chặn sự bất mãn và giảm thiểu nguy cơ bất ổn xã hội.
Cần đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, giúp mỗi người trẻ nâng cao kiến thức, đủ sức phân biệt đúng sai, có thể “tự miễn dịch” trước các thông tin xấu độc. Hơn nữa, phải tăng cường công tác bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, đặc biệt là việc phát hiện và ngăn chặn kịp thời các âm mưu kích động, lật đổ từ các thế lực thù địch.
Phát huy tinh thần đoàn kết, hợp tác giữa các giai tầng, tôn giáo, dân tộc và các tổ chức xã hội. Khối đại đoàn kết toàn dân là nền tảng vững chắc giúp đất nước đối phó với các âm mưu chia rẽ và phá hoại từ bên ngoài. Với việc sớm nhìn nhận ra âm mưu, chủ động đối phó bằng sự kết hợp đồng bộ và hiệu quả của các giải pháp, tôi tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ổn định chính trị, xã hội và tiếp tục phát triển bền vững.
ĐS&PL: Xin trân trọng cảm ơn bà đã dành thời gian chia sẻ!